Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ASEAN - Ấn Độ là dấu mốc lịch sử.
Nhân dịp có mặt tại New Delhi để tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ và Lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 24-26/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi trả lời phỏng vấn của báo chí Ấn Độ.
PV: Ấn Độ sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ để mở rộng quan hệ đối tác với các nước Đông Nam Á. Xin Ngài cho biết quan điểm của Việt Nam về việc thúc đẩy mối quan hệ này? Theo Ngài, Ấn Độ có thể làm gì để tăng cường mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Ấn Độ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mối quan hệ giao thoa lâu đời về văn hóa và truyền thống giữa hai khu vực cùng các mối liên kết kinh tế và chính trị thời kỳ hiện đại đã tạo dựng giá trị bền vững cho quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ.
Trong 25 năm hợp tác vừa qua, ASEAN và Ấn Độ đã có những kết nối lịch sử hữu nghị lâu đời để vun đắp cho nền móng vững chắc của quan hệ chính trị tin cậy, mở đường cho hợp tác toàn diện ASEAN - Ấn Độ đạt nhiều kết quả hợp tác tích cực vì hoà bình và thịnh vượng chung. Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ASEAN - Ấn Độ tổ chức tại New Delhi vào tháng 1/2018 là dấu mốc lịch sử, minh chứng tiêu biểu cho quan hệ tốt đẹp giữa ASEAN và Ấn Độ.
Với nền tảng rộng lớn và vững chắc này, Lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ có trách nhiệm đưa quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới. Tôi cho rằng để làm được điều này, hai bên chúng ta cần hợp tác cùng nhau thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, coi hợp tác thương mại và đầu tư là động lực chính, ưu tiên hàng đầu của đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ, khai thác đầy đủ tiềm năng to lớn của hai khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, với dân số 1,85 tỷ người, có tổng GDP đạt 3.800 tỷ USD trong 2017 quy mô tương đương nền kinh tế thứ 4 thế giới và dự kiến đạt hơn 8.000 tỷ USD vào 2025. Triển khai hiệu quả các thỏa thuận thương mại, đầu tư để phát huy những tiềm năng vốn có của cả hai bên.
Thứ hai, coi tăng cường kết nối là lĩnh vực ưu tiên chiến lược. Những dự án và cam kết về kết nối như tuyến đường cao tốc Ấn Độ-Thái Lan-Myanmar, các hiệp định vận tải hàng hải, hàng không, khoản tín dụng 1 tỷ USD về kết nối số và kết nối hạ tầng… có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần được triển khai thông suốt, bảo đảm thuận lợi cho các hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư.
Thứ ba, hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực với Ấn Độ trên cơ sở hoà bình, ổn định và tinh thần thượng tôn pháp luật tại khu vực và trên biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, trong bối cảnh chúng ta đang phải đối mặt với một số điểm nóng, căng thẳng địa chính trị, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, khủng bố, biến đổi khí hậu, an ninh mạng…
Thứ tư, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, là một trong những nước đi đầu trong cuộc cách mạng này, Ấn Độ có thể đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với ASEAN trong các lĩnh vực như đổi mới sáng tạo, kết nối các ngành công nghiệp, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu… từ đó kiến tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy quan hệ phát triển.
Việt Nam đã và sẽ làm hết sức mình để cùng các nước ASEAN hiện thực hoá "Tầm nhìn ASEAN 2025" gắn kết với "Chính sách Hành động hướng Đông" của Ấn Độ.
PV: Xin Ngài cho biết Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đã có những phát triển như thế nào?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên đại dương nói chung và khu vực nói riêng là mục tiêu và cũng là nhiệm vụ chung của tất cả các nước. Để đạt được mục tiêu này, trước hết các nước cần tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và các tiến trình liên quan.
Đàm phán ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) bắt đầu từ những năm cuối của thế kỷ trước. Trong bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp, xu hướng quân sự hóa trên biển có chiều hướng gia tăng, việc xây dựng thành công COC có tính ràng buộc về pháp lý sẽ vừa đóng góp quan trọng cho hòa bình, ổn định khu vực nói chung, Biển Đông nói riêng.
Trong 2017, tiến trình xây dựng COC có một số bước tiến mới, trong đó có việc ASEAN và Trung Quốc thông qua Khung COC và Lãnh đạo hai bên tuyên bố khởi động đàm phán COC. Đây là những động thái tích cực, đáng khích lệ và các bên cần duy trì không khí này cả trong quá trình đàm phán lẫn trong các hành động trên biển, nhất là cần thực hiện đầy đủ các cam kết nêu trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các biện pháp xây dựng lòng tin có liên quan khác./.
PV: Xin cảm ơn Ngài!
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.