Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 8 năm 2018 | 14:0

Hơn 1.200 trẻ mầm non ở Hà Tĩnh chưa được đến trường: Vì sao?

“Thấy con người ta tựu trường năm học mới từ ngày 20/8 nhưng con tôi vẫn phải ở nhà chưa biết học ở đâu, có được đi học hay không?”. Đó là chia sẻ của nhiều phụ huynh có con học mầm non ở Hà Tĩnh trước thềm năm học mới 2018 - 2019.

tr8t.jpg

Trường mầm non Tân Giang (TP. Hà Tĩnh) được đầu tư khang trang nhưng chưa thể mở thêm lớp vì thiếu giáo viên.

 

Bị từ chối vào lớp ngày tựu trường

Sáng 20/8, khi hàng triệu học sinh cả nước hân hoan tựu trường thì hơn 1.200 trẻ mầm non và phụ huynh ở TP. Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh hụt hẫng ra về vì trẻ không được nhận vào lớp.

Năm học 2018 - 2019, Trường Mầm non Thạch Linh được tuyển sinh 10 lớp, trong đó chỉ có 2 lớp 3 tuổi với số lượng 50 cháu, trong khi địa bàn có tới 127 cháu.

Buồn bã vì cháu chưa được đến trường, ông Nguyễn Văn Tư (phường Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh) cho biết: Trong khi các cháu khác cùng lứa tuổi sau buổi tựu trường được vào nhận lớp thì cháu tôi cùng nhiều cháu khác phải ra về. Nhà trường giải thích là chỉ tiêu tuyển sinh bị cắt giảm, chưa mở thêm lớp vì thiếu giáo viên.

“Mong muốn cho con được học trường mầm non công lập của phụ huynh là chính đáng. Trường hiện thiếu 6 giáo viên và lớp học. Chúng tôi đã đề xuất cấp trên bổ sung giáo viên và tăng thêm lớp để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Dù vậy, phải chờ ý kiến cấp trên”, bà Lê Thị Thắng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Linh, nói.

Thực trạng trẻ không được nhận vào lớp, hay chưa được đến lớp xảy ra tại nhiều trường mầm non trên địa bàn TP. Hà Tĩnh trong ngày tựu trường chứ không riêng ở Trường Mầm non Thạch Linh, nhất là các trường có tỉ lệ học sinh có nhu cầu học đông như Trần Phú, Tân Giang, Bình Hà, Thạch Linh, Thạch Bình.

Vừa qua, Trường Mầm non Tân Giang (TP. Hà Tĩnh) tiến hành tuyển sinh theo hình thức bốc thăm ở lớp học 3 tuổi bởi có 59 hồ sơ (52 hồ sơ là học sinh thường trú, 7 bộ hồ sơ là học sinh tạm trú) nhưng chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 16. Tuy nhiên, khi nhà trường yêu cầu phụ huynh lần lượt lên bốc thăm cho các con thì phụ huynh đứng dậy, bỏ về. Phụ huynh mong muốn con em được học tập tại trường đóng trên địa bàn nên phản đối chuyện bốc thăm, cho đến nay các cháu vẫn chưa được đến trường.

“Con người ta tựu trường năm học mới từ ngày 20/8 nhưng con tôi vẫn phải ở nhà. Không riêng gì con tôi mà còn hàng chục cháu nhỏ trên địa bàn phường chưa biết sẽ học ở đâu. Chúng tôi có hộ khẩu, hàng năm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thì con chúng tôi có quyền được học tập tại đây. Lượng trẻ năm nay ít hơn so với các năm, hơn nữa cơ sở vật chất đảm bảo nhưng tại sao lại cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh? Cả phường có 59 em ở độ tuổi lớp 3 tuổi nhưng chỉ tuyển có 16 cháu, vậy 43 cháu còn lại sẽ học ở đâu?”, nhiều phụ huynh phường Tân Giang (TP. Hà Tĩnh) phản ánh.

Ông Lương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Tĩnh, cho biết: “Sự việc xảy ra khi nhiều trẻ chưa được đến lớp ngày tựu trường, UBND thành phố đã nắm được và sẽ có chỉ đạo để có phương án sớm nhất. Trước mắt, thành phố đề xuất tỉnh bổ sung giáo viên, quan điểm phổ cập mầm non là ưu tiên 5 tuổi đến 4 tuổi, rồi mới tới 3 tuổi. Bên cạnh đó, phải ưu tiên học sinh gia đình hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách được vào trước rồi mới đến các hộ khác…

Tưởng rằng áp lực tuyển sinh chỉ diễn ra ở trường thành phố, không ngờ ở huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh cũng đồng cảnh ngộ. Tính đến ngày tựu trường, huyện Kỳ Anh còn 404 trẻ, thị xã Kỳ Anh 447 trẻ có nhu cầu đến trường nhưng do phòng học thiếu, giáo viên thiếu nên chưa thể bố trí.

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục thị xã Kỳ Anh, muốn giải quyết khâu tuyển sinh, trước mắt phải bố trí phòng học tạm hoặc tăng sĩ số mỗi lớp. Còn không, tỉnh phải cho huyện tuyển dụng thêm giáo viên hợp đồng để cân đối số lớp chứ không thể để trẻ không được đến trường…

Chờ chỉ đạo của tỉnh

TP. Hà Tĩnh hiện có 16 trường mầm non công lập, 7 trường mầm non tư thục. Năm học 2018 - 2019, khoảng 2.000 trẻ có nhu cầu vào nhà trẻ, khối công lập đã tuyển được 1.000 trẻ, tư thục 650 trẻ. Hiện, còn hơn 300 trẻ muốn học công lập nhưng chưa được đáp ứng. Trước đó, nhiều trường tổ chức cho phụ huynh bốc thăm khiến họ bức xúc, hiệu trưởng thì không biết giải quyết thế nào.

Còn với huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, nơi có ít trường tư thục, trong khi còn  847 trẻ chưa được nhập học thì không biết sẽ học ở đâu?

“Bây giờ nhà trường, chính quyền nói chúng tôi đưa con em vào trường tư học. Học trường tư thì mỗi tháng cũng phải đóng nộp ít nhất gần 3 triệu đồng, mà chắc gì họ đã nhận khi các trường tư cũng đã tuyển đủ sĩ số. Với thu nhập hiện tại của chúng tôi thì làm sao mà có thể cho con theo học”, một phụ huynh bức xúc nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, bà Nguyễn Thị Hải Lý, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, cho biết: Thiếu giáo viên trầm trọng diễn ra nhiều năm nay tại Hà Tĩnh, không chỉ riêng bậc học mầm non. Việc các cháu ở TP.  Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh chưa được đến trường cũng xuất phát từ nguyên nhân là thiếu giáo viên, nếu thành phố tự ý ký hợp đồng thì lại vi phạm. Sở đã nhiều lần gửi kiến nghị UBND tỉnh, Sở Nội vụ để xin ý kiến và bây giờ đang chờ chỉ đạo của tỉnh.

Ông Trần Huy Liệu, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh cho hay, một số trẻ mầm non ở Hà Tĩnh chưa bố trí được lớp do nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là số lớp tăng lên, các đơn vị không tăng được biên chế, dẫn tới thiếu giáo viên và cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh. Trước kia, các trường mầm non hợp đồng với nhiều giáo viên, trong đó có những người không nằm trong chỉ tiêu biên chế được giao. Tuy nhiên, vừa qua, Văn phòng Chính phủ ra thông báo chỉ hợp đồng với số chỉ tiêu trong biên chế được giao chưa tuyển, vượt thì phải cắt giảm.

Theo quy định thì định biên giáo viên mầm non của địa bàn là 290 người, song hiện mới có 270 người. Việc thiếu giáo viên không phải do khó tuyển mà là quy hoạch tổng thể nhằm giảm biên chế. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND thành phố, huyện, thị xã tham mưu vấn đề này và sẽ sớm có hướng giải quyết phù hợp để trẻ nào cũng được đi học.

 

 

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Thường trực Tỉnh Hội, Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi vừa trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk 180ml cho 35 cháu học sinh điểm trường thôn Tà Vay thuộc trường mầm non Đăk Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.

Top