Nhắc đến HTX nông nghiệp 714, người dân Tây Nguyên nghĩ đến dấu ấn những người lính anh hùng trong chiến tranh, năng động trong thời bình. Với Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng, 714 là đơn vị ghi nhiều dấu ấn đậm nét với chiến công đáng tự hào.
Từ thuở gian nan khai hoang mở đất….
Hợp tác xã nông nghiệp 714 có tiền thân từ Trung đoàn 714, là đơn vị quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ vùng mới giải phóng, truy quét tàn quân FulRô trên vùng đất Tây Nguyên và xây dựng kinh tế. Với tinh thần ngoan cường của những người lính Bộ đội Cụ Hồ không quản ngại gian khó, luôn vượt qua mọi thử thách. Từ năm 1976, đơn vị đã tiến hành khai hoang đất đai, xây dựng đồng ruộng trên địa bàn huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk. Đến tháng 12 năm 1977, bắt đầu tuyển lao động công nhân viên quốc phòng, bổ sung lực lượng cho đơn vị. Năm 1982 nhà nước có chủ trương đưa dân cư vào để điều hòa dân số.
Từ những vùng đất khô cằn, hoang hóa. Với tư duy không ngại khó khăn, cùng với sức lao động của nhiều cán bộ, chiến sỹ, nhiều vùng đất màu mỡ đã hình thành và đưa vào khai thác. Dấu ấn của Trung đoàn 714 hiện diện trên từng thửa đất. Ai đã gắn với nơi đây đều không quên được những ngày tháng khó khăn mà những người lính đã trải qua. Họ đã đặt lợi ích chung lên trên nhu cầu của bản thân để biến một vùng đất hoang thành những cánh đồng trù phú.
Năm 1985, do yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị quân đội làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế, đất đai được chuyển sang Bộ Nông nghiệp quản lý, một số đồng chí cán bộ, sỹ quan được điều động bổ sung về các đơn vị quân đội thuộc binh đoàn 15 và một số đơn vị khác, một số đồng chí cán bộ, sỹ quan được chuyển ngành tại chỗ để lãnh đạo đơn vị và được đổi tên là Nông trường 714 thuộc tổng công ty cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, sau nhiều năm không phát huy được hiệu quả kinh tế. Năm 2006, Nông trường 714 buộc phải giải thể và bàn giao về cho UBND huyện EaKar quản lý.
Sau khi Nông trường 714 bị giải thể, các cựu quân nhân của trung đoàn 714 đã mạnh dạn đứng ra nhận lại khoản nợ hơn 10 tỷ đồng, nhận lại đất tổ chức sản xuất và thành lập nên Hợp tác xã Nông nghiệp 714 vào năm 2010. Đây là việc làm thể hiện tinh thần không bao giờ chịu khuất phục của những người lính anh hùng. Truyền thống quân đội đã được các cựu quân nhân thể hiện bằng những việc làm cụ thể để một lần nữa đưa HTX Nông nghiệp 714 đi lên bằng nền tảng vững chắc.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Xuân Thu – Giám đốc HTX Nông nghiệp 714 chia sẻ: “Đã vinh dự là người lính Bộ đội Cụ Hồ thì bất cứ nhiệm vụ nào cũng phải vượt qua. Từng kinh qua nhiều chiến trường với những trận đánh ác liệt trước quân thù, những người lính đều vượt qua được khó khăn. Giờ đã là thời bình, vài khó khăn nhỏ mà không vượt qua được thì tất cả cựu quân nhân cảm thấy có lỗi với những người lính đã bỏ bao công sức khai hoang, xây dựng lên vùng đất này. Tôi và anh em quyết tâm đi lên để không phụ lòng nhân dân, không phụ lòng những đồng đội đã bỏ bao công sức cho vùng đất này. Đó là động lúc thôi thúc chúng tôi cố gắng từng ngày”.
Đúc rút kinh nghiệm từ những người đi trước, HTX Nông ngiệp 714 đã tập trung làm tốt công tác tổ chức quản lí điều hành linh hoạt, sáng tạo trong công việc, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc, thiết bị, từng bước ổn định và phát triển. Thành viên HTX và các hộ dân nhận khoán trong những ngày đầu thành lập hầu hết là những người dân di cư từ phía Bắc vào, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, kỹ năng sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, nhất là trồng lúa nước 2 vụ/năm. Trước khó khăn từ những ngày đầu, bộ máy quản điều hành là các đồng chí cựu chiến binh Trung đoàn 714 lại tiếp tục thể hiện tinh thần người lính, đưa ra những kế sách, định hứng cụ thể đưa đơn vị từng bước đi lên.
Hiện tại, HTX Nông nghiệp 714 đang quản ý 383,7ha và diện tích liên kết với các hộ là 120 hecta. Về cơ cấu tổ chức, HTX hiện có Chi bộ đảng với 12 đồng chí đảng viên, trong đó 6 đồng chí đảng viên có 40 năm tuổi đảng. HTX có Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, Công đoàn, 4 đội sản xuất, 7 tổ máy, 4 trạm bơm. Với 30 hộ thành viên có đóng cổ phần và 587 hộ nhận khoán thuộc 2 xã Eapal và Ea Ô huyện Ea kar cùng một số hộ nhận khoán thuộc huyện Krông Pak. Trong số thành viên của HTX, các hộ nhận khoán đồng bào dân tộc Tày, Nùng chiếm khoảng 30%.
Đến điển hình của đơn vị phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Lắk
Khó khăn đã dần đi qua nhưng những thách thức vẫn ở trước mắt. Với tầm nhìn mang tính lâu dài, Ban Giám đốc HTX 714 đã đưa ra những kế hoạch phù hợp để đơn vị đi lên từng ngày. Điều dễ nhận thấy là trên những cánh đồng xanh trải dài tít tắp ở xã Eapal và Ea Ô huyện Ea kar là những nụ cười rạng rỡ của người dân. Họ hăng say lao động trên những cánh đồng màu mỡ mà ở đó có nhiều dấu ấn của tinh thần người lính.
Hiện nay, HTX đang tổ chức cho trồng những giống lúa ngon như RPT, đài thơm tám, FT24, FT25, vv… là những loại gạo được xếp hạng ngon nhất thế giới, được thị trường ưa chuộng. Để các giống lúa đạt năng xuất cao, HTX nông nghiệp 714 tập trung phục vụ các khâu như cung cấp giống, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quy trình kỹ thuật; tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ tại cánh đồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các xã viên và người dân; thực hiện gieo sạ đồng loạt đúng thời vụ theo phương thức cuốn chiếu để thuận lợi cho thu hoạch. Các hoạt động như làm đất, phun thuốc, thu hoạch kể cả phơi đều được cơ giới hóa bằng máy móc thiết bị chuyên dụng.
Việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất được ban Giám đốc HTX 714 rất quan tâm, coi đó là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả sản xuất. HTX đã bỏ nhiều kinh phí đầu tư nhiều máy móc thiết bị, tập trung những nhiệm vụ trước mắt để HTX là điểm tựa về tinh thần cho các xã viên. Ban Giám đốc HTX đã thể hiện sự nhạy bén với xu thế phát triển thông qua việc mạnh dạn tiếp thu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp để tìm kiếm nguồn giống chất lượng có năng xuất cao cũng như tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và các hộ nhận khoán.
Đến nay, sản xuất đã ổn định, năng suất lúa tăng cao đạt 8-10 tấn/hec ta, nhiều gia đình còn đạt 11tấn/hecta. Tổng sản lượng thu hoạch đạt 5.500 tấn lúa. Doanh thu khoảng gần 40 tỉ đồng. HTX Nông nghiệp 714 luôn quan tâm đến đời sống của bà con thành viên. Mặc dù lợi nhuận thu được khá cao nhưng phần lớn thành viên được hưởng. HTX chỉ thu phần cứng gồm khấu hao, chi phí quản lí, sửa chữa thường xuyên, nên mức khoán rất thấp, chỉ 1tấn3/hecta, trong khi các doanh nghiệp khác thu đến 1tấn8. Chính vì vậy, nhiều gia đình đã có cuộc sống sung túc hơn, đời sống được nâng lên rõ rệt.
Những năm gần đây thời tiết ngày càng khô hạn, việc đảm bảo nguồn nước để trồng lúa gặp nhiều khó khăn. Ban Giám đốc HTX nông nghiệp 714 luôn trăn trở tìm hướng đi mới cho bà con xã viên. Ba năm vừa qua, HTX mạnh dạng khuyến khích xã viên chuyển đổi sang trồng khoai lang luân canh, năng suất thu được từ 30-35 tấn/hecta, doanh số đạt 300-350 triệu, tăng gấp 5 lần so với trồng lúa. Phương pháp luân canh đã phát huy hiệu quả như cắt mầm mống sâu bệnh, cải tạo đất, tăng thu nhập cho bà con.
Trong 5 năm gần đây với sự nỗ lực của HTX Nông nghiệp 714 cùng sự đồng lòng của người dân, HTX đã đạt được những thành tích rất cao, tổng sản lượng đạt 32.710 tấn, doanh thu đạt 228,05 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 88,54 tỷ đồng, thu nhập của xã viên ngày càng nâng cao. Sự phát triển của HTX Nông nghiệp 714 gắn liền với sự đi lên của xã Eapal nói riêng và huyện Eakar nói chung. Bên cạnh đó, HTX Nông nghiệp 714 cũng đóng góp rất nhiều cho địa phương trong quá trình phát triển Kinh tế - Xã hội, quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện Eakar.
Sau 10 năm nỗ lực không ngừng, dưới sự dẫn dắt định hướng của các cấp lãnh đạo, sự đoàn kết hợp tác nhịp nhàng của toàn bộ bà con thành viên, HTX nông nghiệp 714 đã đạt được những thành quả ấn tượng; Từng bước trả được 10 tỷ 600 triệu tiền thua lỗ của Nông Trường 714, nâng cao đời sống của xã viên, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Chi bộ đảng hàng năm đều đạt trong sạch vững mạnh. Năm 2019, HTX nông nghiệp 714 vinh dự nằm trong tốp đầu ngành nông nghiệp của tỉnh; Được UBND tỉnh tặng “cờ dẫn đầu ngành nông nghiệp”; Được tặng danh hiệu “Mười năm vì sự nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk”. HTX Nông nghiệp 714 đã xây dựng nhiều công trình an sinh xã hội trên 2 huyện Eakar và Krông Pắk, được ngời dân tin yêu.
Ông Vũ Xuân Thu chia sẻ thêm: “Để có được kết quả như ngày hôm nay là một quá trình phấn đấu rất dài. Đi trên những cánh đống bát ngát, màu mỡ như hôm nay, những người lính chúng tôi rất vui vì những nỗ lực của mình đã có kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, tất cả anh em đều không muốn dừng lại, không thỏa mãn với những gì đã đạt được mà muốn HTX 714 sẽ liên tục phát triển, bước sang những trang sử mới, là chỗ dựa vững chắc cho bà con xã viên. Chúng tôi đang có nhiều nhiệm vụ, kế hoạch cần phải thực hiện. Đó là kế hoạch đầu tư kho 460m2 - giá trị 2 tỷ đồng để giải quyết những nhiệm vụ thiết yếu trước mắt. Đầu tư máy xây xát, lò sấy, máy đóng bao bì với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Tổ chức sản xuất gạo theo tiêu chuẩn VietGap. Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc. Xây dựng thương hiệu gạo, khoai lang cho HTX. Phát triển thị trường ra toàn tỉnh, toàn quốc và hướng tới xuất khẩu. Đó là những bước đi rất quan trọng để tăng cường hiệu quả kinh tế, giúp bà con xã viên yên tâm sản xuất, từng bước nâng cao hơn nữa thu nhập giúp bà con có cuộc sống ngày càng sung túc”.
Từ một vùng đất hoang hóa, dưới bàn tay của những cựu quân nhân, HTX Nông nghiệp 714 đã thổi vào hồn, tạo nên những dấu ấn của một vùng đất trù phú. Bên cạnh lòng quả cảm, dám đương đầu với mọi khó khăn, những người lính Bộ đội Cụ Hồ mang trên mình tên gọi của trung đoàn anh hùng – Trung đoàn 714 đã tạo nên bước đột phá được các thế hệ người dân Tây Nguyên ghi nhận bằng sự cảm phục. HTX Nông nghiệp 714 ra đời và phát triển là sự kết tinh của tinh thần người lính và sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân. Với những thành quả đã đạt được, những cựu quân nhân và người đã từng gắn bó với nơi này có quyền tự hào, nghĩ về một tương lai tươi sáng hơn. Cuộc sống không ngừng lại, Ban Giám đốc HTX Nông nghiệp 714 cũng không ngừng những kế hoạch đưa HTX Nông nghiệp 714 hướng đến những thành công ở phía trước.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.