Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 2 tháng 1 năm 2018 | 10:1

Huế phải có chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của TƯ

Chiều 2/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ, ngành.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng biểu dương các thành tích mà Thừa Thiên - Huế đạt được thời gian qua với tốc độ tăng trưởng cao. Các chỉ số xã hội có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,13%, còn lại 6,06%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt gần 93,6%. Về môi trường, duy trì ổn định độ che phủ rừng 57%.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhìn nhận tỉnh phát triển ở dưới mức tiềm năng. Tỉnh có thế mạnh rất lớn về kết cấu hạ tầng, có thể phát triển du lịch dịch vụ mạnh hơn, phát triển kinh tế biển đóng góp nhiều hơn. Kinh tế rừng, công nghiệp chế biến có những định hướng rõ hơn nhưng chưa tạo được đột phá cần thiết. Môi trường đầu tư ở mức trung bình. Một số dự án lớn còn chậm tiến độ. “Lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện phải có tầm nhìn, phải có trách nhiệm hơn, sát dân, sát cơ sở hơn, lo lắng công việc nhiều hơn, giải quyết vướng mắc kịp thời hơn cho người dân và doanh nghiệp để tạo nên sự phát triển mạnh mẽ, đột phá hơn của tỉnh nhà”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nhấn mạnh, Huế có tiềm lực ít có nơi nào sánh được, đó là vùng đất của văn hóa lịch sử Việt Nam, là “một Kyoto của Việt Nam”. Huế nằm trong vùng dày đặc di sản văn hóa và nhiều di sản thiên nhiên như Hội An, Đà Nẵng, Phong Nha, Sơn Đoòng, Mỹ Sơn… và bản thân Huế cũng là một thành phố di sản với quần thể di tích lịch sử nổi tiếng, thắng cảnh kỳ vĩ ít nơi nào sánh kịp như Vịnh Lăng Cô, Bạch Mã.

Với đặc điểm như thế, phát triển Huế phải khác với mô hình của thành phố sôi động như TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng mà nên tận dụng thế mạnh là văn hóa lịch sử, vẻ đẹp bình an, lãng mạn, như lời một bài hát là “vẻ đẹp Huế có nơi nào sánh được”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thừa Thiên - Huế cần có quy hoạch tốt và quản lý tốt quy hoạch để giữ được đất Huế cổ kính và hai bờ sông Hương được bảo tồn. Huế được hiện đại hóa nhưng hài hòa trong tổng thể. Khai thác lợi thế so sánh của các ngành nhưng không mâu thuẫn, cản trở lẫn nhau, nhất là kinh tế biển, công nghiệp chế biến không được ảnh hưởng đến môi trường, du lịch. Hướng đột phá của Huế vẫn phải là du lịch, dịch vụ và các liên kết kinh tế. Cần một hệ sinh thái các ngành nghề hỗ trợ du lịch và làm bài bản, chuyên nghiệp có chiều sâu, làm sao để du khách đến Huế lưu lại dài ngày hơn.

Tỉnh cần phát triển các loại hình doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình, kinh tế hợp tác, hợp tác xã, đặc biệt các làng nghề truyền thống. Cần áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào phát triển du lịch và quản lý di tích.

Thủ tướng thăm hỏi công nhân viên tại Trung tâm Hành chính công

Tập trung, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt chú ý những chỉ số xếp hạng còn thấp như tính năng động của chính quyền… Cần sự liên kết chặt chẽ giữa Đại học Huế với chính quyền các cấp và doanh nghiệp ở địa phương để phối hợp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, xây dựng chính sách, thực hiện quy hoạch… Phát huy vai trò của Đại học Huế như một cực tăng trưởng đối với địa phương.

Huế phải đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là từ tư nhân, để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội. Muốn làm được điều đó thì cần có cơ chế chính sách thông thoáng, nhất quán, hấp dẫn. “Phải làm mạnh mẽ nhưng chặt chẽ, dám nghĩ dám làm để phát triển”, Thủ tướng nêu rõ.

Tỉnh cần chú trọng bảo vệ môi trường hơn nữa, cả môi trường sinh thái, môi trường văn hóa, môi trường sống an ninh, an toàn để ngày càng nhiều người giỏi, người giàu, nhiều nhà đầu tư mang gia đình đến sống ở cố đô. “Từ Điềm Phùng Thị  đến Trịnh Công Sơn, đến Lê Bá Đảng và những người nổi tiếng khác đều mong muốn mang gia sản quý báu còn lại về quê hương Huế thân yêu”, Thủ tướng chia sẻ và cho biết, qua tìm hiểu, ông được biết em ruột của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn đem tất cả gia sản còn lại của Trịnh Công Sơn về Huế.

Thủ tướng đề nghị Thừa Thiên - Huế phải có chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 6 vừa qua, Nghị quyết 01 năm 2018 của Chính phủ với phương châm 10 chữ: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái, chệch hướng, chống làm việc cầm chừng và sắp xếp lại bộ máy hiệu lực, hiệu quả, hành động mạnh mẽ, đồng bộ.

Thủ tướng lưu ý tỉnh có các hoạt động thiết thực chăm lo Tết cho người dân, nhất là các hộ gia đình chính sách, có công với cách mạng, hộ nghèo và phải bắt tay ngay vào việc, hoàn thành toàn diện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2018 với chất lượng cao nhất.

Nhân dịp này, Thủ tướng đã thăm hỏi, động viên Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hường, phường Xuân Phú và Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hiệp, phường Trường An, thành phố Huế; đến tham quan Trung tâm hành chính công tỉnh.

Theo báo cáo của tỉnh, năm 2017, tỉnh đạt và vượt 12/13 chỉ tiêu. Chỉ tiêu duy nhất không đạt là tăng trưởng kinh tế đạt 7,76% (kế hoạch là 8- 8,5%), xếp thứ 5/12 tỉnh khu vực miền Trung. Tỉnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ với tổng thiệt hại gần 1.000 tỷ  đồng. Năm 2018, tỉnh tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, coi đây là một trong những mũi đột phá chiến lược, với mục tiêu đóng góp 25 - 30% trong tổng thu ngân sách nhà nước. Hiện ngành du lịch - dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chiếm gần 57% trong GRDP nhưng chỉ đóng góp 15% vào ngân sách của tỉnh.

D.T

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top