Làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã định hướng những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để tỉnh khắc phục các hạn chế, yếu kém, phát huy được tiềm năng, lợi thế, phát triển toàn diện, cân bằng, hài hòa, nhanh và bền vững.
Ngày 23/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hưng Yên về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hưng Yên. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã phân tích làm rõ hơn về các tiềm năng, lợi thế lớn và những khó khăn, thách thức, gợi mở nhiều nội dung, định hướng phát triển cho Hưng Yên.
Báo cáo của Hưng Yên và các ý kiến phát biểu cho thấy, tỉnh đang trỗi dậy phát triển mạnh mẽ và với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, Hưng Yên sẽ phát triển đột phá trong những năm tới.
Năm 2021, tỉnh đã hoàn thành toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. GRDP tăng 6,52% (vượt kế hoạch là 6%); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8% (vượt kế hoạch là 8%); xuất khẩu đạt 5,167 tỷ USD, tăng 23,8%; tổng mức bản lẻ, dịch vụ tăng 7,06%. Tỉnh thu ngân sách đạt 17.300 tỷ đồng, tăng 4% so năm 2020, thu hút được 69 dự án mới với số vốn đăng ký đạt 2,945 tỷ USD, tập trung vào các dự án lớn. Môi trường đầu tư có cải thiện.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm phát triển. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,32%; tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%; tỉ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 35%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%. Tỉnh cơ bản làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Tỉnh Hưng Yên đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành một số nội dung liên quan đến việc tăng cường phân cấp, ủy quyền trong quy hoạch và đầu tư các dư án hạ tầng khu công nghiệp, chuyển mục đích sử dụng đất; lựa chọn, thay thế nhà đầu tư cho dự án trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương. Theo lãnh đạo các bộ, ngành, đây cũng là những vấn đề được nhiều địa phương kiến nghị do gặp các khó khăn, vướng mắc tương tự trong thực tế.
Tháo gỡ cơ chế, chính sách cho các địa phương
Phát biểu kết luận, cơ bản đồng tình với các báo cáo và ý kiến tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Hưng Yên và kết quả tích cực phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2021, các chỉ tiêu đều đạt và vượt.
Tuy nhiên, tỉnh Hưng Yên phát triển chưa tương xứng với điều kiện thuận lợi, với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, truyền thống, di sản lịch sử văn hóa của tỉnh và mong muốn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của nhân dân. Việc phát triển còn chưa theo chiều sâu, chưa dựa nhiều vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tỉnh chưa tập trung nghiên cứu, đầu tư thỏa đáng cho công tác quy hoạch. Việc phát triển đô thị còn hạn chế. Hạ tầng kết nối, hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng y tế, hạ tầng xã hội chưa phát triển như mong muốn. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Thủ tướng yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục các hạn chế, yếu kém này. Ông nhấn mạnh, Hưng Yên có điều kiện để phát triển toàn diện công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và du lịch theo hướng hiện đại như ít gặp bão, địa hình bằng phẳng, nằm trong tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, ở trung tâm của Đồng bằng sông Hồng. Thủ tướng lưu ý, cần phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, xanh, bền vững, dịch vụ hiện đại, chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch...
Cùng với đó, Hưng Yên có điều kiện để phát triển cân bằng và hài hòa giữa văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, tỉnh đứng thứ 2 cả nước về di tích được xếp hạng cấp quốc gia.
Thủ tướng nhấn mạnh, tại lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Hưng Yên mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ định hướng lớn là xây dựng Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sát điều kiện, tình hình, khả năng của Hưng Yên.
Thứ hai, nhanh chóng hoàn thiện các quy hoạch của tỉnh để tìm ra và phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, chỉ ra và khắc phục các hạn chế, yếu kém, giải quyết mâu thuẫn giữa tiềm năng rất lớn và cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, hiệu quả chưa cao.
Thứ ba, đa dạng hóa huy động nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực bằng 3 hình thức: Lãnh đạo công, quản trị tư; đầu tư tư, sử dụng công; đầu tư công, quản lý tư.
Thứ tư, phát huy tính tự lực, tự cường, tự chủ, linh hoạt để phát huy tối đa truyền thống lịch sử văn hóa, điều kiện tự nhiên để nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nhanh và bền vững, hiện đại cả về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.
Thứ năm, phát triển hạ tầng chiến lược, tập trung vào giao thông kết nối, phát triển đô thị, hạ tầng số để thúc đẩy Chính phủ số, công dân số, kinh tế số, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, hạ tầng y tế và giáo dục.
Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tích cực hơn nữa để thu hút nguồn lực từ bên ngoài.
Thứ bảy, coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ tám, giữ vững đoàn kết, thống nhất trên cơ sở tình cảm chân thành, tin cậy lẫn nhau, tuân thủ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc.
Thủ tướng lưu ý, tỉ lệ tiêm vaccine mũi 2 cho người từ 18 tuổi của Hưng Yên mới đạt gần 80%, trước biến chủng mới Omicron, phải tập trung, thần tốc hơn nữa việc tiêm vaccine để đạt mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.
Về các kiến nghị, Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là tháo gỡ về mặt cơ chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao chất lượng cán bộ. Tỉnh và các bộ, ngành phối hợp trên tinh thần vô tư, trong sáng, vì nhiệm vụ chung để giải quyết các vấn đề đặt ra. Các Bộ trưởng phải chỉ đạo các vụ, cục, đơn vị chống phiền hà, không để địa phương phải “chạy lên, chạy xuống”, không để vi phạm nhỏ thành sai phạm lớn.
Thủ tướng cũng cho ý kiến về hướng giải quyết các kiến nghị của tỉnh theo tinh thần “xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo”. Những nội dung nào thuộc thẩm quyền của Bộ phải xử lý ngay; nội dung nào thuộc thẩm quyền Chính phủ, Chính phủ sẽ sửa đổi ngay; các nội dung vượt quá thẩm quyền thì đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục rất thẳng thắn trong báo cáo về các khó khăn, vướng mắc, nêu các đề xuất, kiến nghị.
Phát biểu đáp từ, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định tỉnh sẽ nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hơn nữa trong triển khai các nhiệm vụ và mong muốn Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để Hưng Yên có thể phát triển bứt phá, “đi muộn nhưng về sớm” trong thi đua phát triển với các địa phương khác.
* Nhân chuyến công tác tại Hưng Yên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khởi công các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh là dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội-Hưng Yên kéo dài và dự án tuyến đường bên kết nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. Thủ tướng cũng dự buổi lễ của tỉnh Hưng Yên trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định thành lập cho một số dự án đầu tư lớn với tổng số vốn khoảng 6 tỷ USD.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.