Chưa bàn giao, nhưng dự án đầu tư xây dựng công trình củng cố, nâng cấp đê tả sông Hồng, tỉnh Hưng Yên đoạn từ Km 76+894 đến Km 124+824 (có tổng vốn đầu tư là 1.500 tỷ đồng) xuất hiện nhiều vết nứt dọc đê dài hàng trăm m kèm theo nửa mặt đê bị lún xuống từ 10 - 12cm, hàng chục cột mốc bị đổ, gãy chân dọc tuyến…
Nhiều vị trí nứt, sạt lở kéo dài hàng trăm m trên tuyến đê tả sông Hồng (tỉnh Hưng Yên) thuộc Dự án nghìn tỷ. Ảnh: Hoàng Long
Sự cố nứt, sạt lở mặt đê tại dự án do Chi cục Quản lý đê điều và phòng, chống lụt bão tỉnh Hưng Yên làm chủ đầu tư được nhận định là đặc biệt nghiêm trọng. Bởi vì, chỉ còn vài tháng nữa là bắt đầu vào mùa mưa lũ năm 2017, trong khi đê tả sông Hồng được xếp là đê cấp I ngăn lũ sông Hồng bảo vệ tài sản, tính mạng cho hàng triệu người dân tại tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội…
Vết nứt, sạt “xé dọc” đê tả sông Hồng
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Thanh tra, hiện nay, tại vị trí từ K81+700- K82+050 đê tả sông Hồng thuộc địa phận huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên xuất hiện vết nứt dọc trên mặt đê có chiều dài vết nứt khoảng 350m nằm ở giữa mặt đê. Chiều rộng vết nứt có chỗ lên tới 1 - 2 cm. Thậm chí, toàn bộ mặt đê phía sông bị lún xuống, chỗ lệch lớn nhất tới 10 - 12cm.
Cách vị trí này ban đầu không xa, một vết nứt lớn khác cũng kéo dài khoảng 200m, ở sát mép nhựa mặt đường đê phía sông cũng xuất hiện hiện tượng sạt lở.
Các vết nứt xuất hiện trên tuyến đê tả sông Hồng đã được bịt lại phủ một lớp nhựa đường rải ở phía trên, tuy nhiên các vết nứt vẫn tiếp tục “há mồm” rộng thêm qua từng ngày. Ảnh: Hoàng Long
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực xảy ra nứt, sạt lở đê, cơ quan chức năng đã cho cắm biển hạn chế tải trọng dưới 10 tấn và tốc độ lưu thông qua đoạn đường này là dưới 20km/h.
Cùng trên tuyến đê tả sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên, tại vị trí K100+00, cũng xuất hiện một vết nứt dài khoảng 100m xẻ dọc mặt đê, một phần mặt đê có biểu hiện bị lún xuống. Tuy nhiên, phóng viên chưa ghi nhận biển hạn chế tốc độ, tải trọng tại vị trí này.
Theo quan sát của phóng viên, phía trên các vết nứt xuất hiện trên tuyến đê tả sông Hồng đã được bịt lại phủ một lớp nhựa đường rải ở phía trên, tuy nhiên các vết nứt vẫn tiếp tục “há mồm” rộng thêm qua từng ngày.
Không chỉ xuất hiện tình trạng nứt, sạt lở nghiêm trọng mà dọc tuyến đê tả sông Hồng, theo ghi nhận của phóng viên, hàng chục cột mốc bê tông bị gãy, đổ nằm rạp 2 bên cạnh đường. Nhiều cột mốc bê tông bị nghiêng hoặc phần chân cột mốc vỡ vụn lộ phần sắt bên trong.
Biển báo khu vực đê bị sạt lở. Ảnh: Hoàng Long
Một người dân sinh sống tại huyện Văn Giang cho biết, tình trạng sạt lở tuyến đê tả sông Hồng đã xảy ra từ nhiều tháng nay. Tại khu vực trên, xuất hiện nhiều vết hằn sâu trên mặt đê khiến việc đi lại hết sức nguy hiểm.
Theo phản ánh của nhân dân, tuyến đê tả sông Hồng thuộc địa phận qua tỉnh Hưng Yên được đầu tư xây dựng từ nhiều năm nay nhưng tình trạng thi công ì ạch khiến người dân đi lại hết sức vất vả, bụi bặm.
Tuy nhiên, đường mới làm xong được một thời gian mà giờ đã hư hỏng nặng như vậy khiến người dân đặt dấu hỏi có hay không việc thi công xây dựng kém chất lượng?
Người dân tại khu vực lo lắng, khi xảy ra mưa nhiều, nước chảy xuống xối xả qua các vết nứt ngấm vào phía trong thân đê sẽ “xé toang” khu vực đê này, gây nguy hiểm cho tài sản, tính mạng của người dân khi mùa mưa lũ đang cận kề.
Xin ngân sách “rót tiền” xử lý sự cố của dự án?
Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn bộ tuyến đê xảy ra tình trạng lún nứt, sạt lở thuộc dự án đầu tư xây dựng củng cố, nâng cấp đê tả sông Hồng, tỉnh Hưng Yên đoạn từ Km 76+894 đến Km 124+824.
Ngày 23/2/2009, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định 2746/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng củng cố, nâng cấp đê tả sông Hồng, tỉnh Hưng Yên đoạn từ Km 76+894 đến Km 124+824.
Chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên (sau điều chuyển sang Chi cục Quản lý đê điều và phòng, chống lụt bão tỉnh Hưng Yên - PV).
Tổng số vốn là 1.536 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương.
Hàng loạt cột mốc gãy đổ, trơ khung sắt trong khi dự án chưa bàn giao
Mục tiêu đầu tư: Đầu tư xây dựng củng cố nâng cấp tuyến đê tả sông Hồng, tỉnh Hưng Yên để tăng cường khả năng chống lũ cho tuyến đê tả sông Hồng, giải quyết cơ bản hiện tượng thẩm lậu, đùn sủi của đê, tạo tuyến đường giao thông chạy dọc theo hướng Tây - Nam đáp ứng nhu cầu giao thông của nhân dân.
Theo Quyết định số 2746/QD-UBND của tỉnh Hưng Yên, chủ đầu tư có trách nhiệm chỉ đạo đơn vị tư vấn tính toán kiểm tra ổn định công trình với từng đoạn đê cụ thể, đảm bảo an toàn, tiết kiệm theo quy định.
Quyết định số 2746/QD-UBND nêu rõ, thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 - 2012. Tuy nhiên, ngày 14/11/2016, UBND tỉnh Hưng Yên có Quyết định số 2543/Đ-UBND phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2016.
Đến thời điểm hiện tại, dự án tiếp tục chậm tiến độ, đồng thời để xảy ra sự cố sạt lở đê tả sông Hồng nghiêm trọng.
Đáng chú ý, dự án nghìn tỷ chưa được tổng nghiệm thu, bàn giao nhưng ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên đã ký văn bản đề nghị UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý sự cố lún, sạt lở tại đê tả sông Hồng đoạn K81+00- K82+500 bằng nguồn vốn của Trung ương hoặc nguồn vốn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Theo Hoàng Long/thanhtra.com.vn
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.