Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Khẳng định gia đình là tế bào xã hội, xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) là một luật khó, có phạm vi rộng, hàm chứa các vấn đề liên quan đến quyền con người; trên cơ sở phát huy truyền thống văn hóa của gia đình, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam...
Hướng tới xây dựng gia đình tiến bộ
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
“Có thể nói, trong mỗi chúng ta thì gia đình là chỗ dựa, là nơi để chúng ta đi về, là nơi để khi còn nhỏ chúng ta được nuôi dưỡng trong vòng tay bố mẹ và khi lớn lên mỗi chúng ta phải có trách nhiệm xây dựng gia đình để phát huy được những đạo lý truyền thống gia đình tốt đẹp của người Việt Nam, đó là biết ơn, kính trọng ông bà cha mẹ và thực hiện tốt trách nhiệm của người con, người chồng, người cha, người ông, người bà.
Trong một thế hệ như vậy thì chúng ta sẽ góp phần hun đúc, giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam, để từ đó góp phần lan tỏa xây dựng giá trị của văn hóa Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Cho ý kiến thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình cao với việc sửa đổi Luật sau 14 năm thực hiện. Việc sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giải quyết những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.
“Nghìn lẻ một kiểu bạo lực”
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho biết, có những hành vi bạo lực gia đình cụ thể, rất dễ nhận biết; nhưng cũng có những hành vi không nghĩ đó là bạo lực gia đình mà lại gây khủng hoảng về tâm lý, tinh thần...
Bà Dung nêu, ở Khoản 1, Điều 4 của dự thảo luật quy định 16 hành vi bạo lực gia đình và cho rằng cách thiết kế, liệt kê như vậy sẽ thừa và sẽ thiếu.
Lý giải cho quan điểm của mình, bà Dung cho biết: “Ngoài những hành vi biểu hiện ra thì cũng có những hành vi không biểu hiện ra như im lặng không nói gì, không làm theo yêu cầu của thành viên trong gia đình. Ở Việt Nam hay có kiểu giận cá chém thớt, không la mắng ai trong gia đình nhưng đánh đập súc vật; suốt ngày khen người hàng xóm là chu đáo, là xinh đẹp, giàu có… Những việc thông thường nhưng lâu dài cũng làm cho đối tượng bị tác động khủng hoảng về tâm lý. Những hành vi bạo lực này có diễn ra nhưng rất khó nhận biết”.
Đại biểu Dung cho rằng, truyền thống và văn hóa ở Việt Nam là không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, “xấu chàng thì hổ thiếp”…, vì vậy, việc thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình rất khó.
Theo bà Dung, để Luật Phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả thì giải pháp là sự chia sẻ, tư vấn để giải tỏa tâm lý. Những người bị khủng hoảng về mặt tâm lý, tinh thần trong gia đình cần phải chia sẻ được với Hội Phụ nữ, bác sĩ tư vấn, người già thì có Hội Người cao tuổi...
“Chính nạn nhân phải tự chia sẻ, làm sao để cho những đối tượng đó mạnh dạn nói tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình với những người xung quanh”, bà Dung cho hay.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) nhấn mạnh, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được Quốc hội ban hành năm 2007, qua gần 15 năm thực hiện, cho đến thời điểm này, cần thiết phải sửa đổi. Việt Nam là một trong những nước tiếp cận với việc phòng, chống bạo lực gia đình từ rất sớm. Thời gian qua, mặc dù Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành sớm, tạo sự chuyển biến nhận thức ở các cấp chính quyền, người dân, song người dân phản ánh vấn đề bị bạo lực đến các cấp chính quyền vẫn còn thấp.
Theo đại biểu Anh, qua con số trong các báo cáo của Chính phủ thấy có đến hơn 90% phụ nữ bị bạo lực nhưng không tìm kiếm sự giúp đỡ; rất nhiều trẻ em bị bố mẹ xử phạt bằng hình thức đánh đập, và nhiều phụ huynh cũng không biết hành vi đánh con của mình là hành động bạo lực.
Từ đây, đại biểu cho rằng, một trong những yếu tố để nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là việc cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những hành vi về bạo lực gia đình để những hành vi này được nhận diện rõ ràng trong cộng đồng xã hội.
Phát huy truyền thống văn hóa của gia đình
Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) góp ý về vấn đề hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình quy định tại Điều 20.
Theo đại biểu Mai, công tác hòa giải có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cho các bên có thể hòa giải tự nguyện, tránh các xung đột.
Tuy nhiên, theo đại biểu Mai, hòa giải có thể chỉ hiệu quả đối với các mâu thuẫn nhỏ nhưng không áp dụng đối với các trường hợp bạo lực diễn ra trầm trọng và kéo dài.
Luật Hòa giải cơ sở năm 2013 cũng đã quy định rõ về phạm vi hòa giải. Theo đó, việc hòa giải ở cơ sở phải được tiến hành với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ trường hợp vi phạm pháp luật phải truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính.
Do đó, đại biểu Mai đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật rà soát các quy định, đảm bảo thống nhất với Luật Hòa giải cơ sở, đồng thời đảm bảo tính nghiêm minh và răn đe trong xử lý các vụ việc bạo lực gia đình.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, đây là luật khó, có phạm vi rộng, hàm chứa các vấn đề liên quan đến quyền con người được Hiến pháp quy định, có liên quan đến nhiều vấn đề đang được điều chỉnh bởi các luật khác về trẻ em, về người cao tuổi, về hôn nhân gia đình.
Việc kế tục, phát huy được những quy định pháp luật sẵn có và thiết kế được những điều luật mới vừa đảm bảo hợp lý, thống nhất không phải việc đơn giản.
Dự thảo Luật được xây dựng để phát huy truyền thống văn hóa của gia đình trên cơ sở thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, không thể rập khuôn máy móc, sao chép các luật của quốc gia khác mà phải biết kế thừa, phát huy những giá trị này để phòng, chống, để giữ được gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.
Đối với nhóm vấn đề về hành vi bạo lực gia đình, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật trình lần này đã phân loại ra 4 nhóm lĩnh vực về bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trên cơ sở góp ý của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nhận diện và kiểm định đầy đủ các hành vi này.
Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề thực hiện hòa giải, quản lý nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan, các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao nhận thức và đẩy mạnh truyền thông để hoàn thiện dự thảo Luật đạt chất lượng cao nhất.
Góp ý cho các nội dung của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn dự thảo Luật cần phải làm rõ hơn nữa hai vế phòng và chống. Trong đó, phòng bao giờ cũng phải cơ bản đi trước, chống cần phải cương quyết. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật chưa thể hiện thỏa mãn các giải pháp, biện pháp để phòng ngừa bạo lực gia đình. Nội dung phòng ngừa mới chỉ chủ yếu đề cập đến việc thông tin, tuyên truyền, trong khi việc phòng ngừa cần phải hướng đến không dám, không thể thực hiện bạo lực. Có như vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, đến khi Luật ban hành ra mới tạo được chuyển biến căn bản trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, đây là dự án Luật được dư luận xã hội cũng như đại biểu Quốc hội rất quan tâm nên Quốc hội có nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc trên tinh thần xây dựng; nhiều ý kiến góp ý cụ thể, xác đáng xuất phát từ thực tiễn; đồng thời đề nghị cơ quan trình, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có báo cáo giải trình, tiếp thu để trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.