Mặc dù biết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại tiểu khu 192 khu vực Hòn Đác, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) là sai quy định của pháp luật, nhưng các cán bộ chủ chốt từ xã đến huyện vẫn tiếp tay hợp thức hóa giấy tờ, lập thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 75ha đất lâm nghiệp ở Hòn Đác cho 3 hộ gia đình ông Bùi Văn Bé, Nguyễn Văn Hiền, Ngô Văn Tịnh. Việc giao đất sai đối tượng này dẫn đến hàng chục héc ta rừng nguyên sinh bị tàn phá, khiến dư luận bức xúc trong thời gian dài.
>> Phú Yên: Rừng bị tàn phá, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sơn Hòa bị cách chức
>> Phú Yên: Rừng bị tàn phá không thương tiếc!
>> Rừng bị tàn phá không thương tiếc!": “Chúng tôi chưa biết”
Khởi tố, cách chức hàng loạt cán bộ
Công an huyện Sơn Hòa vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Võ Văn Diện, cán bộ Trung tâm Quy hoạch thiết kế nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên), ông Đinh Văn Hùng (ngụ P.5, TP. Tuy Hòa, Phú Yên) cùng về tội “Hủy hoại rừng” và cấm đi khỏi nơi cư trú
Còn Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên đang tiến hành kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm đối với ông Phạm Đình Phụng, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa. Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cũng đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Hòa kiểm điểm nghiêm túc Ban Thường vụ Đảng ủy xã Sơn Nguyên.
Rừng tại khu vực Hòn Đác bị "lâm tặc" chặc phá không thương tiếc
Trước đó, Chủ tịch UBND huyện này đã ký quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường và chuyển công tác sang làm nhân viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện này do sai phạm trong việc lập thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân dẫn đến hàng chục héc ta rừng nguyên sinh bị tàn phá. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên cũng ra quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Ngọc Tiến, Đảng ủy viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Cơ quan khối chính quyền huyện; Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sơn Hòa, với hình thức cách chức các chức vụ trong Đảng.
Ông Ngô Tấn Thái cũng đã bị cách chức Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên và bị điều đi làm nhân viên văn phòng UBND xã này.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên cũng đề nghị cơ quan thẩm quyền có hình thức kỷ luật đối với ông Lê Hữu Thọ, nguyên Chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên (đã nghỉ hưu).
Cán bộ tiếp tay cho nạn phá rừng
Vào năm 2003, UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 1483/QĐ-UB thu hồi 2.340ha đất từ Ban quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa chuyển giao cho UBND huyện Sơn Hòa quản lý, thực hiện Dự án di giãn dân kết hợp phát triển sản xuất vùng kinh tế thôn Nguyên Xuân, xã Sơn Nguyên và bàn giao cho UBND xã Sơn Nguyên.
Dự án di giãn dân nêu trên đã được UBND huyện Sơn Hòa và UBND xã Sơn Nguyên triển khai trong suốt thời gian dài (2003-2010) với vốn đầu tư hàng tỷ đồng, như xây dựng trường học, trạm y tế… Tuy nhiên, sau thời gian sinh sống, hàng chục người dân nơi này cho rằng, họ sống xa khu vực trung tâm nên không có việc làm, chỉ biết vào rừng chặt phá gỗ để sinh sống. Dự án giãn dân này không thuận tiện trong sinh hoạt, thiếu thốn trăm bề nên họ lại quay về nơi ở cũ là thôn Suối Bạc, xã Suối Bạc và xã Sơn Nguyên. Từ đó đến nay, các công trình thuộc dự án đều bị bỏ hoang. (Phú Yên: Xây trường, trạm hàng tỷ đồng rồi... bỏ hoang)
Thấy rừng nơi đây phát triển tốt, giữa năm 2014, ông Đinh Văn Hùng, trú P.5, TP. Tuy Hòa và bà Phan Thị Hồng Loan - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Loan Vy (trú P.7, TP. Tuy Hòa) lập hồ sơ, phương án quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp để trồng rừng trên diện tích 109ha với quy mô hộ gia đình tại tiểu khu 192 ở xã Sơn Nguyên. Sau đó, chính quyền huyện Sơn Hòa không thống nhất vì họ không thuộc đối tượng đủ điều kiện giao đất lâm nghiệp theo quy định pháp luật.
Đầu năm 2015, ông Hùng gặp ông Ngô Tấn Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên, và ông Nguyễn Hồng, cán bộ địa chính xã, nhờ hợp thức hóa các thủ tục để được Nhà nước giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại tiểu khu 192 khu vực Hòn Đác, xã Sơn Nguyên. Ông Thái lấy tên ba người thân của mình đứng tên, gồm ông Bùi Văn Bé, Nguyễn Văn Hiền, Ngô Văn Tịnh, cùng trú tại xã Sơn Nguyên. Sau đó ông Thái, ông Hồng trực tiếp làm hồ sơ, rồi cung cấp thông tin về ba hộ dân để ông Hùng nhờ ông Võ Văn Diện, cán bộ Trung tâm Quy hoạch thiết kế nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên) làm bản trích đo địa chính đưa cho ông Lê Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã (nay đã nghỉ hưu) ký xác nhận. Sau khi ba hộ dân này ký đơn xin giao đất, ông Thái, Diện làm phương án giao đất kèm tờ trình, đề nghị UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Những khúc gỗ to để ngổn ngang chưa kịp vận chuyển ra khỏi rừng
Mặc dù biết sai và biết diện tích giao cho các hộ dân có bao gồm cả diện tích do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa quản lý nhưng với sự tiếp tay “nhiệt tình” của hàng loạt cán bộ từ xã đến huyện, khi tiếp nhận hồ sơ, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sơn Hòa đã hoàn tất các thủ tục và tham mưu ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa ký các quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 75ha đất lâm nghiệp ở Hòn Đác, xã Sơn Nguyên cho 3 hộ gia đình nêu trên (mỗi người 25ha) trái quy định, sai đối tượng.
Có được “tấm bùa” trong tay, ông Hùng thuê xe cơ giới san ủi đường vào khu đất, tự chia tách cho ông Bé một phần đất rồi cùng ông Diện thuê hàng chục nhân công đến khu rừng Hòn Đác chặt phá rừng, cưa những cây gỗ quý, có cây to hai vòng tay người lớn dẫn đến hàng chục héc ta rừng nguyên sinh bị tàn phá vô vội vạ như một đại công trường. Trong quá trình hạ cây gỗ, một nhân công ở huyện Tuy An đã bị cây đè chết tại chỗ và được các “ông chủ” ém thông tin, dặn những nhân công khác không được nói cho ai biết. Khi sự việc xảy ra, việc dọn rừng chỉ phải tạm dừng vài ngày rồi tiếp tục.
Nơi "lâm tặc" bị cây gỗ đè chết
Sau khi Báo Kinh tế nông thôn vào cuộc điều tra và có hàng loạt bài phản ánh sự việc, đến tháng 10-2015, một Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, UBND huyện Sơn Hòa và UBND xã Sơn Nguyên mới vào cuộc kiểm tra và xác định có tới 33,813ha rừng bị chặt phá tại tiểu khu 192 xã Sơn Nguyên và tiểu khu 168 xã Sơn Hội với trữ lượng lâm sản thiệt hại 2.878m3 gỗ (trong đó, diện tích rừng bị phá trên đất lâm nghiệp cấp cho 3 hộ dân nêu trên là 16,04ha; diện tích rừng bị phá chưa xác định chủ là 12,213ha và diện tích rừng do một hộ dân ở thị trấn Củng Sơn phá 5,56ha). Sau đó, ngày 22-9-2015, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa đã ký quyết định khởi tố vụ án về “Hủy hoại rừng” và chuyển giao hồ sơ vụ án cho Công an huyện Sơn Hòa điều tra, xác minh, xử lý theo thẩm quyền.
Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa còn bố trí, phân công lực lượng bảo vệ hiện trường vụ phá rừng tại khu vực Hòn Đác trong thời gian các cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc, tăng cường kiểm tra chốt chặn tại khu vực Hòn Đác (Tiểu khu 192 xã Sơn Nguyên) để ngăn chặn tình hình phá rừng, đốt than, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép xảy ra tại khu vực này.
Sau khi khác thác, nhiều cây gỗ quý được "lâm tặc" dùng cộ bò kéo ra khỏi rừng để đưa về nơi tiêu thụ
Trước đó vào ngày 10-9-2015, UBND huyện Sơn Hòa cũng đã thành lập Đoàn thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 3 ông Ngô Văn Tịnh, Bùi Văn Bé và Nguyễn Văn Hiền, qua đó phát hiện hàng loạt sai phạm về trình tự, thủ tục giao đất, cán bộ có liên quan.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ thông tin tiếp vụ việc đến bạn đọc./.
P.V
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.