Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 12 năm 2017 | 5:11

Kết nối “tour” du lịch hấp dẫn ở Hồng Vân

Sau nhiều năm chuyển đổi, cơ cấu kinh tế của xã Hồng Vân (Thường Tín - Hà Nội) đã dịch chuyển theo hướng lấy du lịch làm mũi nhọn. Hiện, tất cả các ngành từ nông nghiệp đến văn hóa – xã hội; an ninh trật tự; giáo dục, y tế đều nhằm đến đích phục vụ du lịch, để nâng cao đời sống cho người dân.

 Nông trại “hút” khách du lịch…

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh hoa cây cảnh và dịch vụ Anh Tùng, cho biết, HTX thành lập năm 2015, chuyên nghề sản xuất hoa cây cảnh, du lịch học đường và liên kết chuỗi du lịch với các địa phương trong vùng. Hiện, trang trại của ông có hàng ngàn cây cảnh, cây uốn thế nghệ thuật; các mặt hàng hoa tươi nhiều chủng loại như: hồng, lan, huệ, quỳnh; cây cảnh thế cũng đủ loại: tùng, cúc, trúc, mai…và hàng ngàn giò phong lan rừng.

Ngoài ra, còn có nhiều cây trồng, vật nuôi: bò, lợn, dê, thỏ; gà vịt, ngan ngỗng… để phục vụ học sinh các lứa tuổi từ mẫu giáo đến đại học. Nhất là học sinh, sinh viên các trường đại học; đặc biệt là sinh viên ngành du lịch năm thứ 2, 3  đến để trải nghiệm thực tế.

Mục tiêu của nông trại là đón tiếp tất cả các loại đối tượng đến tham quan, học tập. Sau 2 năm hoạt động đã có rất nhiều đoàn khách từ: 50 -100 – 200 người/lượt đến với nông trại. Thời gian hoạt động hầu như diễn ra quanh năm, từ tháng 9 dương lịch đến Tết Nguyên đán, sau Tết lại bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9, và vòng quay lặp lại từ đầu.

Được biết, khách đến với trang trại nhiều nhất là lứa tuổi mẫu giáo, mỗi ngày có tới 5 -10 lớp, mỗi lớp 20 – 30 học sinh. Tại đây các cháu được tìm hiểu về công việc của nhà nông, tận mắt nhìn thấy những loài vật quen thuộc như bò, lợn, dê, thỏ;  gà, vịt, ngan ngỗng; các loài hoa, cây cảnh. Tham quan cánh đồng lúa, khu sản xuất hoa, cây cảnh, cây ăn trái; sản xuất nông nghiệp sạch; trải nghiệm kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn; kỷ luật quân đội; kỹ năng phòng cháy; kỹ năng thuyết trình trước đám đông.

                                     Nhân viên Nông trại Anh Tùng chăm sóc hoa, cây cảnh.                          

Ngoài ra, các con còn được tập bơi, học nấu ăn…, các tiết dạy kỹ năng thường diễn ra từ 15 – 20 phút; 1 buổi tham quan như vậy học sinh phải trải qua 20 mô hình. Đặc biệt, nông trại còn phục vụ ăn, uống và nghỉ trưa, thức ăn là các sản phẩm sạch của nông trại: gà, cá, vịt, trứng, thịt lợn sạch. Theo đó, các suất ăn có giá từ  50.000 -60.000, hoặc 100.000 – 150.000 đồng/suất (hiện mỗi ngày có 30 – 50 suất ăn trưa).

Ngoài các đoàn khách lứa tuổi thần tiên, còn có nhiều học sinh phổ thông, sinh viên năm thứ 2, 3 các trường đại học; cao đẳng sư phạm; mầm non, thường xuyên ghé thăm nông trại. Khách nước ngoài 5-7 tốp/tuần, mỗi đoàn thường có 5 -15 người (có phiên dịch đi theo). Vé vào cửa 30.000 - 40.000 đồng/người; khách nước ngoài đang trong quá trình quảng bá nên chưa thu phí (dự kiến sẽ thu 5 – 10USD/người, năm 2018 sẽ đưa vào hoạt động).

Theo đó, khách được ở trong nông trại cả ngày, có chỗ nghỉ trưa thoáng đãng, sạch đẹp. Sinh viên ngành du lịch được hỗ trợ vé vào cửa và phí tham quan học tập. Mùa hè, có dạy bơi cho học sinh các lứa tuổi, học theo khóa (15 – 20 ngày/khóa), hiện đã dạy được 2 khóa.  

Ngoài sự nỗ lực của nông trại, toàn xã Hồng Vân đang phát triển theo hướng, lấy kinh tế du lịch làm mũi nhọn. Tất cả các ngành từ sản xuất nông nghiệp đến văn hóa xã hội; an ninh trật tự, giáo dục, y tế đều có mục tiêu hoạt động nhằm đến đích phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Hiện, tất cả tuyến đường, ngõ xóm, cổng thôn, cổng gia đình trên địa bàn xã đều đã tiến hành trồng hoa, cây cảnh và di tu cảnh quan du lịch ở các khu vực công cộng. Đặc biệt, Hồng Vân đã duy trì ngày chủ nhật xanh, mỗi gia đình dành 1 buổi/ngày, dọn vệ sinh, chăm sóc hoa, cây cảnh. 

Liên kết chuỗi du lịch

Để “hút” khách du lịch, hình thành vùng tham quan khép kín, Hồng Vân đã kết nối với các điểm du lịch đặc sắc trong vùng như: Chùa Đậu (cách đó 10km), nơi lưu giữ xác ướp 2 nhà sư, trên 300 năm tuổi. Đền Chử Đồng Tử (2km), một “tour” rất gần do xã Hồng Vân nằm sát bãi sông Hồng; nhà thờ danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi (7km). Làng nghề truyền thống mây tre đan Ninh Sở (2km); làng sơn mài Hạ Thái (5km); làng nghề thêu tay Quất Động (10km).

Nếu khách không có điều kiện đi xa, ngay trong xã còn có 2 khu di tích tâm linh khá hấp dẫn, đó là: đình Xâm Xuyên, đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia; đình Xâm Thị (cấp Thành phố). Hiện, đình Xâm Xuyên, nơi thờ Mẫu Thoải, vẫn còn một pho tượng cổ quý hiếm hàng ngàn năm nay, mỗi ngày bình quân có 30 – 50người đến dâng hương, vãn cảnh.                 

Được biết, Hồng Vân đang tiến hành xây dựng khu văn hóa – thể thao tại trung tâm xã để tạo điểm nhấn, và là nơi đón các đoàn khách về tham quan, du lịch. Mặt khác, xã cũng đã thành lập ban quản lý điều hành; tổ hướng dẫn viên du lịch; đã xây dựng và đưa vào hoạt động 8mô hình chuyển đổi, hiện đang trong thời gian khai thác thí điểm (ví như mô hình nông trại).

Ngoài ra, Hồng Vân còn có làng nghề hoa, cây cảnh Xâm Xuyên; HTX sản xuất Trà chùm ngây, đều là những điểm đến du lịch hấp dẫn. Đặc biệt, trong xã còn có Di tích Chợ mới Ông Già, tương truyền khi xưa, Chử Đồng Tử mỗi khi đi câu về thường ngồi dưới gốc đa bán cá. Thấy vậy, người dân trong làng cũng đem các thứ ra bán theo, lâu ngày thành chợ và được đặt tên như vậy. Ngày nay, chợ đã được xây mới, song người dân nơi đây vẫn tự hào về truyền thuyết xưa, và rất có thể đây cũng là chợ cổ nhất Việt Nam.                  

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hải Đăng, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, cho biết: “Ngoài một số hạng mục đã đưa vào hoạt động có hiệu quả, Hồng Vân đang vận động xã hội hóa hệ thống chiếu sáng; giá đỡ, khung treo hoa ở một số tuyến đường. Đảng ủy xã cũng đã ban hành chuyên đề về phát triển nông nghiệp sinh thái để khai thác du lịch. Ban hành và có chủ trương đào tạo, kêu gọi nguồn nhân lực tại chỗ (con em địa phương), vào hỗ trợ việc đưa đón các đoàn khách đến tham quan. Hiện, Hồng Vân đang triển khai kế hoạch mở Hội chợ Hoa xuân để tạo điểm nhấn, và sức hút với khách tham quan. Mặt khác, dành điều kiện thuận lợi nhất để bà con bán các sản phục vụ Tết Nguyên Đán của địa phương như hoa, cây cảnh; trà chùm ngây”…    

Cũng theo ông Đăng thì, lao động nông nghiệp của xã chỉ còn 30%; phi nông nghiệp 70%, bao gồm các ngành nghề như: trồng hoa cây cảnh; xây dựng; gò hàn; xay xát, chế biến thực phẩm; thương mại dịch vụ (47,8%).  

Hồng Vân cũng là địa phương duy nhất trên địa bàn huyện Thường Tín có quy hoạch chi tiết 1/500, đã được công bố. Do đó, rất thuận lợi cho việc sắp xếp, quy hoạch các hạng mục trên địa bàn toàn xã. Hiện, Hồng Vân đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, và đang tiến hành xây dựng thư viện, nhà truyền thống, nhà văn hóa xã…thành quần thể để nhân dân tiện bề sinh hoạt.

Thiết nghĩ, khi quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, các địa phương trên địa bàn Hà Nội nên có cách làm sáng tạo, bài bản như Hồng Vân để tạo ra nhiều “tour” du lịch hấp dẫn, đem lại thu nhập cao cho người dân.  

Dương An Như

 

 

 

 

 

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top