Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 21 tháng 1 năm 2016 | 7:59

Khai mạc Đại hội XII của Đảng

KTNT - 8 giờ sáng nay (21/1), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.510 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên trong toàn Đảng.

 

Chủ đề chính của Đại hội XII là "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại". 

Tham dự Đại hội XII có 1.510 đại biểu, đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên trên cả nước. Trong đó, đại biểu đương nhiên là 197 người, có 13 đại biểu chỉ định, đại biểu được bầu tại đại hội đảng bộ trực thuộc trung ương là 1.300 người (trên 86%).

Trong tổng số đại biểu, có 173 ủy viên trung ương chính thức và 24 ủy viên dự khuyết. Đại biểu nữ có 194 người, 174 người dân tộc thiểu số, 10 đại biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động. Đại biểu là Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú có 20 người, 15 đại biểu là Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú và 1 đại biểu là Nghệ sĩ ưu tú. Đại biểu là Giáo sư, Phó giáo sư có 55 người trong đó có 2 Viện sĩ. Tiến sĩ là 241 người, thạc sĩ là 511 người.

Tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Lê Hồng Anh, Tô Huy Rứa, Ngô Văn Dụ, Đinh Thế Huynh, Tòng Thị Phóng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang, Phạm Quang Nghị, Lê Thanh Hải và đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Tới dự phiên khai mạc trọng thể này có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa VI trở về trước, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo và đại diện thế hệ trẻ.

Tới dự khai mạc Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam còn có các vị đại sứ, đại biện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Đúng 8 giờ, các đại biểu làm lễ chào cờ.

Đại hội bắt đầu chương trình làm việc.

8.05’: Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Lê Hồng Anh thông báo chương trình, nhiệm vụ của Đại hội XII, giới thiệu các đại biểu tham dự Đại hội.

Về nhiệm vụ, Đại hội sẽ thảo luận và thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”…

Đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội, dự kiến 200 người, gồm 180 Ủy viên Trung ương và 20 Ủy viên dự khuyết.

Đây là những nhiệm vụ hết sức trọng đại mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã tin tưởng giao cho Đại hội; tin tưởng với tinh thần trách nhiệm cao Đại hội sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặt ra.

Đại hội nhiệt liệt chào mừng các đại biểu là nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQVN; đại diện các tầng lớp nhân dân; các mẹ VNAH, các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, đại diện các tôn giáo; các vị khách quốc tế.

8.10’: Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành Đại hội.

8.12': Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước trình bày diễn văn khai mạc Đại hội.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Đại hội lần thứ XII của Đảng tiến hành vào thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng. Đại hội XII sẽ đi sâu kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nhìn lại 30 năm đổi mới, rút ra những bài học; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong 5 năm tới. Đại hội XII cũng sẽ kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII gồm các đồng chí tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại hội lần thứ XII của Đảng có ý nghĩa rất trọng đại, định hướng, cổ vũ và động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Đại hội XII của Đảng là Đại hội "Đoàn kết, Dân chủ, Kỷ cương, Đổi mới", thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

8. 20’: Đoàn đại biểu đại diện các tầng lớp, nhân dân Thủ đô Hà Nội chào mừng Đại hội. Thay mặt đoàn đại biểu Thủ đô, đồng chí Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, bày tỏ lòng tin sắt son của các tầng lớp nhân dân thủ đô Hà Nội vào sự lãnh đạo của Đảng; tin tưởng Đại hội sẽ thành công tốt đẹp.

Trong thời gian qua, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước lập thành tích chào mừng Đại hội; tham gia đóng góp nhiều ý kiến trí tuệ, tâm huyết vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội II của Đảng và có nhiều việc làm thiết thực chào mừng Đại hội.

Qua Đại hội lần này, nhân dân Thủ đô mong muốn Đảng, Nhà nước ta tiếp tục tiến hành mạnh mẽ, có hiệu quả sự nghiệp đổi mới; đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng; chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; xây dựng và phát huy hiệu quả hơn nữa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xây dựng đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ trung thành của nhân dân như Bác Hồ căn dặn.

Nhân dân Thủ đô cùng đồng bào, chiến sỹ cả nước đang hướng về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII với niềm tin tưởng sâu sắc vào thành công của Đại hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

8.30': Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khoá XI đọc Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng.



Tổng Bí thư khẳng định, các văn kiện đã được chuẩn bị chu đáo, được hàng triệu ý kiến tâm huyết góp ý; là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân.

Tổng Bí thư khái quát 6 nội dung quan trọng, cốt lõi nêu trong các văn kiện. Theo đó, nội dung các văn kiện khẳng định những thành tựu to lớn đất nước đã đạt được, những bài học kinh nghiêm, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá sâu sắc về tình hình trong nước và quốc tế, đánh giá toàn diện về các mặt thuận lợi và khó khăn, các văn kiện đã đề ra những giải pháp, nhiệm vụ lớn để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Cụ thể, các văn kiện đã đề xuất mục tiêu tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016 – 2020; đề xuất phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ trong các lĩnh vực: Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực; Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển văn hóa, xây dựng con người; Quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ công bằng xã hội; Quản lý tài nguyên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới; Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; Hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng...

Sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đặc biệt chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả sáu nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Hai là, xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Ba là, tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động. Thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công.

Bốn là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Năm là, thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội.

Sáu là, phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.
 

Dương Thanh

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top