Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 19 tháng 12 năm 2017 | 11:47

Khai mạc Hội chợ Nông đặc sản vùng miền, quà tặng Noel và Tuần lễ cam sành Hà Giang

Tối 19/12, tại Hà Nội, diễn ra Lễ khai mạc “Hội chợ Nông đặc sản vùng miền, quà tặng Noel và Tuần lễ cam sành Hà Giang”.

Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phát biểu tại Hội chợ

Hội chợ được tổ chức từ ngày 19 đến 25 tháng 12/2017, là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của ngành Nông nghiệp và của tỉnh Hà Giang năm 2017 nhằm tăng cường hoạt động quảng bá thương hiệu, sản phẩm nông đặc sản tiêu biểu của các địa phương, vùng miền trên cả nước, kết nối  tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.

Phát biểu khai mạc Hội chợ, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, cho biết: Năm 2017, mặc dù bị ảnh hưởng bởi yếu tố thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt do biến động của thị trường đã tác động không nhỏ tới ngành nông nghiệp.

Cắt băng khai mạc Hội chợ

Tuy nhiên, trong bối cảnh gặp khó khăn nhưng ngành nông nghiệp đã nỗ lực vượt qua để đạt tốc độ tăng trưởng cao. Theo thống kê của ngành, đến hết tháng 11 năm 2017, giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 33,14 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2016 và ước đạt mức kỷ lục 36 tỷ USD khi kết thúc năm kế hoạch 2017, sự tăng trưởng đó đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của kinh tế đất nước.

Sản phẩm cam sành Hà Giang  được giới thiệu tại Hội chợ

Để đạt được kết quả như kể trên thì vai trò công tác xúc tiến thương mại của ngành Nông nghiệp là hết sức quan trọng, việc mở rộng, phát triển, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ hàng nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ ổn định và có giá trị cao, bao gồm cả thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để thúc đẩy nông nghiệp vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển bền vững.

Hội chợ Nông đặc sản vùng miền, quà tặng Noel 2017 kết hợp Tuần lễ quảng bá cam sành Hà Giang là hoạt động Xúc tiến thương mại quan trọng năm 2017 của Trung tâm Xúc tiến thương mại (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và tỉnh Hà Giang. Với quy mô gần 200 gian hàng của các địa phương, các vùng miền trên cả nước và nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Sản phẩm mật ong Hà Giang cũng được giới thiệu tại đây

Hội chợ là dịp để các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất và Nông dân cả nước được kết nối, giao thương quảng bá thương hiệu sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa đồng thời cung cấp các sản phẩm hàng hóa nông đặc sản tiêu biểu của các địa phương đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho bà con nhân dân Hà Nội và các tỉnh lân cận tiêu dùng trong dịp Lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch 2018.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT (bên trái)  thăm các gian hàng

Đặc biệt, thông qua việc trưng bày, giới thiệu, tổ chức các sự kiện nhằm quảng bá sản phẩm cam sành, các mặt hàng đặc sản Hà Giang do các cơ quan của tỉnh chủ trì là điểm nhấn đáng chú ý đối với khách hàng tham quan, mua sắm tại Hội chợ, đồng thời đưa thương hiệu sản phẩm cam sành, các đặc sản của tỉnh Hà Giang tiếp cận và định vị trong văn hóa tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Giang, cam sành Hà Giang là đặc sản nổi tiếng ở miền Bắc. Hiện nay, tổng diện tích cam Hà Giang đã phát triển lên 7.900ha (trong đó diện tích đã cho thu hoạch mới đạt 3.600ha), tập trung tại 2 huyện Quang Bình và Vị Xuyên.

Để tránh cảnh được mùa rớt giá, UBND tỉnh Hà Giang đã khống chế chỉ dừng lại ở quy hoạch là 8.000ha. Mặc dù năng suất, sản lượng ngày càng tăng lên nhưng người Hà Nội rất khó mua được cam sành xịn. Trong khi đó, nhiều tư thương nhập các loại cam không rõ nguồn gốc đưa về Hà Nội bán nhưng mượn danh là cam sành Hà Giang, khiến người tiêu dùng khó phân biệt khi mua sắm. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay khi đi tìm đầu ra cho cam sành Hà Giang là không kết nối được nơi sản xuất và thị trường tiêu thụ vì chưa có chứng nhận về nguồn gốc để người tiêu dùng yên tâm.

Một số sản phẩm của các tỉnh, thành phía Bắc tham gia trong Hội chợ

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang, cho biết, là tỉnh ở cực Bắc của Tổ quốc, địa hình phức tạp nhưng sản phẩm cam sành của Hà Giang vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng. Lần này, Hà Giang đưa cam xuống Thủ đô với mục tiêu nhằm giới thiệu, đưa sản phẩm sạch này đến với đông đảo bà con trong cả nước. 

Hoàng Văn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top