Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc sáng nay (14/10) tại Hà Nội. Dự kiến, Phiên họp sẽ diễn ra từ ngày 14-17/10.
Toàn cảnh phiên khai mạc. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 3 dự án luật là: Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi).
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2019.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 còn lại đã chuyển nguồn sang giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 để thực hiện hạng mục bổ sung của một số dự án; xem xét việc rà soát, hoàn chỉnh phương án phân bổ 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; xem xét, cho ý kiến về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 vốn sự nghiệp ngoài nước cho tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Trà Vinh; kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia; cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019-2021; mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương; điều chỉnh địa giới một số phường, xã; thành lập 2 phường Tân Hưng và Nam Đồng thuộc thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương; việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa và thành lập thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa; thành lập 3 phường Hòa Long, Nam Sơn, Kim Chân thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội; cho ý kiến về chuyển mục đích sử dụng đất rừng tại dự án Hồ chứa nước Ka Pét; cho ý kiến về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (nếu đủ điều kiện).
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn: Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và xem xét công tác nhân sự.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh những nội dung tại phiên họp lần này đều rất quan trọng, có sự bổ sung điều chỉnh nhiều nội dung so với dự kiến và rà soát các công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8; Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thời gian, chương trình công tác để dành thời gian tham gia phiên họp đầy đủ, phát biểu thẳng vào vấn đề trọng tâm. Đồng thời, các cơ quan tổ chức hữu quan cũng cần tập trung, báo cáo ngắn gọn, rõ vấn đề, nghe thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu hoàn thiện chỉnh lý các văn bản.
Ngay sau phiên khai mạc, Ủy ban Thường vụ nghe báo cáo và thảo luận về Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2019./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.