Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 7 năm 2022 | 14:21

Khai thác cát trái phép vẫn hoành hành trên sông Lam

Hoạt động khai thác cát trái phép trên Sông Lam (tỉnh Nghệ An) ngày càng tinh vi, manh động, với nhiều thủ đoạn đối phó lực lượng chức năng.

Phát hiện nhiều vụ khai thác “chui”

Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lam qua các huyện Thanh Chương, Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đang có nhiều diễn biến phức tạp. Địa phương này tiếp giáp với các huyện của tỉnh Hà Tĩnh nên dễ bị nhiều đối tượng lợi dụng khai thác cát trái phép.

Theo đội cảnh sát đường thuỷ, công an tỉnh Nghệ An, chỉ trong thời gian ngắn Đội đã phát hiện hàng chục vụ khai thác trái phép, tạm giữ 8 tàu vỏ sắt và gần 207m3 cát…Vào đầu tháng 1 năm 2022, Công an huyện Hưng Nguyên phát hiện trên địa bàn có 2 đối tượng sử dụng 1 tàu vỏ sắt có trọng tải 755 tấn, được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, công suất khai thác cát lớn để khai thác cát trên dọc tuyến sông Lam kéo dài từ xã Hưng Lợi đến xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên. Đây là phương tiện khai thác cát lớn nhất từ trước đến nay ở khu vực 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đặc biệt, các đối tượng lợi dụng khu vực giáp ranh giữa huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) với huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh), khu vực giáp ranh giữa vùng được cấp phép và vùng chưa được cấp phép để khai thác cát trái phép.

 

anh-2-1.jpg
Nhiều tàu khai thác cát trái phép trên sông Lam hoạt động tinh vi “thoắt ẩn, thoắt hiện” để đối phó với lực lượng chức năng.

 

Điển hình tháng 1/2022, Đội Cảnh sát đường thuỷ, Công an huyện Hưng Nguyên phối hợp Phòng Cảnh sát môi trường bắt quả tang tàu vỏ sắt có số hiệu VR-15040110 đang khai thác cát trái phép, thu giữ gần 130m3 cát. Sáu công dân vi phạm đã bị cơ quan chức năng xử lí theo quy định của pháp luật. Ngày 22/3 Đội Cảnh sát đường thủy phát hiện, bắt giữ 2 vụ khai thác cát trái phép trên sông Lam thuộc địa bàn xóm 5, xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; ngày 13/4, phát hiện tàu vỏ sắt biển kiểm soát NA2631 khai thác cát ngoài khung giờ theo quy định, thu giữ gần 20m3 cát…

Ngày 16/5, cơ quan Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi "Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" quy định tại điều 227 Bộ luật Hình sự. Trước đó, vào đêm 28/4/2022 cơ quan chức năng đã bắt quả tang Nguyễn Văn Thắng (SN 1978), Nguyễn Văn Bình (SN 1971) và Ngũ Thị Hòa (SN 1974) đều trú tại khối 4A, thị trấn Thanh Chương (Thanh Chương), khi các đối tượng này đang sử dụng thuyền máy vỏ sắt với công suất lớn để khai thác khoáng sản trái phép tại lưu vực sông Lam đoạn chảy qua xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương. Đây chỉ là một trong số ít các vụ khai thác cát, sạn trái phép trên sông Lam bị khởi tố.

Hiện tại, trên địa bàn huyện Thanh Chương có 5 công ty được phép khai thác cát, sỏi trên sông với 8 điểm mỏ, và 16 bến cát được cấp phép.

Còn ở huyện Tân Kỳ, trên khu vực sông Con chảy qua với chiều dài khoảng 60km cũng đã có 16 điểm mỏ được cấp phép đang hoạt động. Do nhu cầu sử dụng cát sỏi xây dựng lớn nên tình trạng khai thác trái phép cũng thường xuyên xảy ra.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh – Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tân Kỳ cho biết: Nhiều năm nay, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quản lý nghiêm hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, tình trạng khai thác trái phép vẫn thường xuyên xảy ra. Những tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng tỉnh và huyện cũng đã xử lý 3 đơn vị khai thác vi phạm về kê khai sản lượng khoáng sản, và đã xử phạt hành chính gần 500 triệu đồng.

Khó khăn quản lý mốc của mỏ

Theo thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Nghệ An, tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã cấp 61 giấy phép khai thác cát, sỏi với trữ lượng trên 21 triệu m3, với công suất khai thác hơn 1,1 triệu m3/năm. Tại huyện Nam Đàn, hiện có 8 đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản đá, cát, sỏi xây dựng thông thường. Trong đó, có 3 mỏ đá và 5 mỏ cát, sỏi xây dựng. Các mỏ cát, sỏi chủ yếu tập trung trên sông Lam, tại các xã: Thượng Tân Lộc, Trung Phúc Cường, Khánh Sơn, Hồng Long. Ngoài ra còn có 20 bến bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi xây dựng thông thường ở thị trấn Nam Đàn và các xã: Hồng Long, Hùng Tiến, Trung Phúc Cường, Khánh Sơn, Xuân Lâm, Nam Giang. Một cán bộ UBND huyện Nam Đàn cho biết, từ năm 2018 đến 2021, huyện đã phối hợp với các đoàn kiểm tra của tỉnh, của các ngành xử lý 39 trường hợp vi phạm, phạt 276,5 triệu đồng.

Cũng theo cán bộ này, bất cập nhất hiện nay là một số xã còn buông lỏng, chưa làm tròn trách nhiệm trong quản lý nhà nước về khoáng sản. Không xây dựng kế hoạch kiểm tra, để tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép xảy ra trên địa bàn, chưa có biện pháp xử lý kịp thời và triệt để. Đặc biệt, sau khi lập biên bản bàn giao mốc mỏ cho xã quản lý, nhưng một số xã không quan tâm quản lý. Nhiều xã chưa xây dựng được quy chế phối hợp để quản lý khai thác cát vùng giáp ranh.

Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn Nghệ An việc kiểm tra, tuần tra quản lý khai thác cát sỏi trên sông còn gặp nhiều khó khăn. Theo quy định, sau khi được tỉnh cấp phép, các mỏ cát sạn sẽ được giao cho địa phương theo dõi, quản lý. Tuy nhiên do không có thiết bị GPS, xuồng máy và các trang thiết bị khác nên chính quyền địa phương rất khó xử lý. Trong khi đó, các thuyền hút cát thường cố tình hút trộm ngoài mốc vào ban đêm hoặc lợi dụng thời điểm mưa to, gió lớn, sóng đánh mạnh trên mặt sông.

Được biết, mới đây, HĐND tỉnh Nghệ An đã phải thành lập Đoàn giám sát công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhằm đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp triển khai công tác quản lý, khai thác khoáng sản; kiến nghị HĐND tỉnh, chính quyền và các các sở, ngành của Nghệ An tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn.

“Siết chặt” quản lý hoạt động khai thác khoáng sản

Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An Hoàng Quốc Việt cho rằng, thời gian qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản đôn đốc, chỉ đạo các các sở, ngành, các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Một số vụ việc được công an tỉnh xử lý mang tính chất răn đe, nhưng tình trạng khai thác đất, cát sỏi trái phép vẫn diễn ra.

Tuy nhiên, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản chưa cao, công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động khoáng sản chưa được thường xuyên, kịp thời.

Theo báo cáo của HĐND tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản, tổ chức triển khai các giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các địa phương cùng tham gia vào công tác quản lý hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản.

Đáng quan tâm, ở một số địa phương vẫn còn để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép gây sạt lở, ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu cho ngân sách, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, mất an toàn lao động. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các sở, ngành, các cấp có lúc còn thiếu chặt chẽ và đồng bộ.

 

khai-thac-trom-a-trng.jpg
Công an tỉnh Nghệ An đột kích bắt giữ vụ khai thác đá trắng trái phép ở núi Phá Chủng, xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp vào tháng 7/2021

 

Tình trạng trốn thuế, chây ì thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách cho Nhà nước đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản vẫn còn là bài toán nan giải.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII đã thống nhất ban hành Nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề về “Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.

Việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề nhằm đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp triển khai công tác quản lý, khai thác khoáng sản; kiến nghị HĐND tỉnh, chính quyền và các các sở, ngành của Nghệ An tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn.

Theo đó, đoàn giám sát gồm lãnh đạo Thường trực và một số Ủy viên Thường trực của HĐND tỉnh; đại diện các Ban, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh và một số đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An.

Về phạm vi giám sát là công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn từ năm 2016 đến ngày 31/2/2021. Đối tượng giám sát là UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, UBND cấp huyện và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh.

Đoàn sẽ giám sát đánh giá công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, bao gồm việc ban hành các văn bản quản lý và tuyên truyền phổ biến pháp luật về khoáng sản; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch, cấp phép, khai thác, sử dụng khoáng sản; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về khoáng sản.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top