Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 12 năm 2021 | 10:21

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền Trung

Đợt mưa lũ kéo dài những ngày qua trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đã gây hậu quả nặng nề đối với người, tài sản và cơ sở hạ tầng.

Ngay sau khi lũ đi qua, chính quyền địa phương cùng người dân khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

Thiệt hại nặng

Nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong căn nhà ngập sâu sau trận lũ, bà Võ Thị Bảy ở thôn Thanh Hội, xã Sơn Hà  (Sơn Hoà - Phú Yên) vẫn chưa hết bàng hoàng.

“Tôi năm nay  70 tuổi, chưa thấy trận lũ nào khủng khiếp như trận lũ này. “Đại hồng thủy” năm 1993 lớn nhưng người dân trở tay kịp, còn trận lũ này nước dâng rất nhanh, lại chảy xiết. Hầu hết tài sản, đồ đạc trong nhà tôi đã bị lũ cuốn trôi. Có nhà ngập chỉ còn trơ chóp mái”, bà Bảy buồn rầu nói.

Khắp thôn Thạnh Hội, nhà nào cũng ngổn ngang đồ đạc trộn lẫn bùn đất sau trận lũ. Tang thương hơn là hai gia đình của hai cháu Nguyễn Gia Phúc và Nguyễn Thanh Ngọc Anh (đều 3 tuổi). Hai cháu bé bị lũ cuốn do lật xuồng cứu hộ khi lực lượng chức năng đến đưa một số gia đình bị mắc kẹt do lũ lên nhanh.

 

hinh-3.jpg

Nước dâng lên quá nhanh người dân chỉ biết đứng nhìn!

hinh-2.jpgĐồ đạc trong gia đình bị bị nước cuốn. 
 

Tại TP. Tuy Hòa (Phú Yên), nhiều khu vực cũng chìm trong biển nước. Ông Nguyễn Xuân Cảnh (xã Bình Ngọc) cho hay: Trưa 30/11, nước sông vẫn bình thường, có lên nhưng chậm. Đến tầm chiều tối cùng ngày, thủy điện xả lũ với lưu lượng lớn, nước đổ về ào ào, đục ngầu, ai nấy đều không trở tay kịp, chỉ ráng kê cao đồ đạc được cái nào hay cái ấy trước khi nước vô nhà. Càng về tối, nước càng dâng cao, đến 20 giờ, nước đã ngập nhà hơn 1 mét nên gia đình tôi và mọi người trong thôn quyết định để hết đồ đó, sơ tán đến nơi an toàn.

“Sạch sẽ cả rồi, tủ lạnh, ti vi, gạo… bị ngâm nước, mấy bao lúa chưa kịp bán giờ cũng không còn. Năm nay, không làm ăn được gì, còn bị lũ dữ cuốn hết”, ông Cảnh nghẹn ngào.

Theo thượng tá Trịnh Ngọc Tuấn, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện Sơn Hòa, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và đoàn viên thanh niên địa phương chia thành 2 nhóm giúp người dân xã Sơn Hà và thị trấn Củng Sơn khắc phục hậu quả lũ lụt. Các phần việc cần tập trung là giúp bà con dọn dẹp nhà cửa, nhất là các gia đình neo đơn; sửa chữa những đoạn đường hư hỏng, làm vệ sinh các trường học và khu dân cư...

Đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên cho biết, mưa lũ những ngày qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống giao thông trong tỉnh, ước thiệt hại hơn 35 tỷ đồng. Trong đó, nặng nhất là tuyến Quốc lộ 1, mặt đường bị hư hỏng, ổ gà, sình lún khoảng 39.500m2; đất đá tràn lấp mặt đường, cống và rãnh thoát nước  khoảng 1.050m3; mái taluy, lề đường, rãnh dọc bị xói lở, hư hỏng, thiệt hại khoảng 28 tỉ đồng. Các quốc lộ 1, 25, 29, 19C… cũng bị sạt lở, bồi lấp hệ thống thoát nước dọc, ngang, nền đường bị cuốn trôi, gây ách tắc giao thông.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, đợt mưa lũ này đã làm 10 người chết,  hàng nghìn ngôi nhà ngập sâu. Cụ thể, có hơn 50.000 căn nhà bị ngập, nặng nhất là TP. Tuy Hòa, có nơi ngập gần 4m, sơ tán hơn 20.000 người đi tránh lũ, khoảng 470ha lúa vụ mùa, 335ha hoa màu, 1.360ha cây trồng khác bị nước lũ nhấn chìm và hàng chục nghìn con gia súc, khoảng 44.090 con gia cầm chết, bị cuốn trôi; 1 tàu cá bị chìm, hơn 18ha thủy sản nuôi bị vỡ hồ, cuốn trôi. Ngoài ra, lũ tàn phá nhiều công trình giao thông, hàng loạt tuyến đường tỉnh, huyện, xã bị ngập sâu, chia cắt tại một số vị trí ngầm, tràn, mức ngập phổ biến từ 0,5-2m, gây ách tắc giao thông.

Chính quyền nỗ lực khắc phục

Lãnh đạo một số địa phương ven sông Ba khẳng định, đợt lũ này nước lên nhanh, dâng cao hơn đợt lũ năm 1993.

Ông Đỗ Văn Cấp, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho hay: Trong đêm 30/11, lũ lên rất nhanh, dâng cao khắp nơi, hàng ngàn người dắt nhau chạy lũ trong đêm. Nhiều người dân không kịp tìm đường thoát. Giữa đêm tối, người dân kêu cứu khắp nơi. Các lực lượng cứu nạn cứu được rất nhiều người, đưa đến nơi an toàn. Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận một số trường hợp do nước chảy quá xiết, địa hình nguy hiểm. Đây là lần đầu tiên có đến hơn 90% nhà dân ven sông Ba ở huyện Tây Hòa bị ngập nặng như vậy.

Còn theo ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND TP. Tuy Hòa, do các thủy điện trên lưu vực sông Ba đồng loạt xả lũ với lưu lượng lớn, lại liên tục tăng lưu lượng nên nước đổ xuống các vùng ven sông Ba rất nhanh khiến nhiều người dân ở địa phương không thoát kịp, bị mắc kẹt trong các khu vực bị ngập sâu. Các lực lượng cứu hộ của TP. Tuy Hòa đã cứu được rất nhiều người trong đêm.

Một lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên khẳng định, nguyên nhân chính làm tỉnh Phú Yên bị ngập nặng trong đợt này là các thủy điện ở Tây Nguyên đồng loạt xả lũ xuống sông Ba. Các thủy điện ồ ạt xả lũ nhưng không thông báo trước cho Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ là thủy điện bậc cuối ở hạ lưu sông Ba. Vì thế, Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ phải liên tục tăng lưu lượng xả lượng nước khổng lồ từ thượng nguồn đổ xuống. “Chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát lại quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Ba, thống nhất việc điều hành để phù hợp với thực tế”, vị lãnh đạo tỉnh Phú Yên thông tin.

Ngoài các tỉnh Nam Trung Bộ, đợt lũ lần này kéo dài hơn ba ngày liên tiếp (từ 28/11 đến sáng 1/12) khiến nhiều nơi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng... bị sạt lở đất, hư hỏng hạ tầng, giao thông chia cắt.

Theo ông Nguyễn Quảng, Giám đốc Công ty CP Quản lý đường bộ Kon Tum, mưa lớn cũng làm sạt lở ta luy dương ở Km1409 + 040 đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Đăk Man, huyện Đăk Glei, Kon Tum) với khối lượng hàng trăm khối đất đá tràn mặt đường, gây tắc giao thông hoàn toàn. Đây là tuyến đường huyết mạch từ Kon Tum xuống Quảng Nam nên đơn vị đã dốc toàn lực để khắc phục.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên,  ông Lê Minh Hoan, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện 1659 của Thủ tướng, chủ động thống kê thiệt hại để hỗ trợ cho người dân sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, đề nghị Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai phối hợp với Bộ Công Thương rà soát kiểm tra lại việc vận hành hồ chứa thủy điện trong đợt mưa lũ vừa qua.

Ông Hoan cũng lưu ý các địa phương không chủ quan vì lũ đang rút nhưng vẫn còn ở mức cao, cần cảnh giác ở các khu vực xung yếu như bờ sông, bờ suối, vùng trũng thấp.

 

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tính đến sáng 2/12, mưa lũ trên địa bàn các tỉnh miền Trung đã làm 18 người chết và mất tích (Bình Định 03 người, Phú Yên 10 người, Khánh Hòa 02 người, Kon Tum 01 người, Đắk Lắk 02 người).

Về giao thông, mưa lũ gây ngập và sạt lở gây ách ách tắc nhiều tuyến đường: Tỉnh Quảng Nam (Quốc lộ 14H, 40B, Trường Sơn Đông); tỉnh Quảng Ngãi (Quốc lộ 24, 24C); tỉnh Bình Định: Quốc lộ 1 (tuyến tránh An Nhơn) và một số vị trí tại Quốc lộ 27C (thuộc xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh); tỉnh Phú Yên (Quốc lộ 19C, 25, 27, 29); tỉnh Kon Tum: 02 điểm Trường Sơn Đông.

Mưa lũ làm 775 ha lúa bị thiệt hại (Bình Định 176ha, Phú Yên 455ha, Đắk Lăk 10ha, Gia Lai 134ha); 617 ha hoa màu bị thiệt hại (Quảng Nam 228ha, Quảng Ngãi 26,5ha, Bình Định 72ha, Phú Yên 90ha, Gia Lai 200,5ha); 2.858 gia cầm bị chết (Bình Định 1.250 con, Phú Yên 1.608 con).

Về thủy lợi, 1.540m kè và 23.843m kênh mương hư hỏng (Bình Định 25.383m, Gia Lai: 6.262m), 9.310m bờ sông, bờ suối bị sạt lở (Bình Định 5.410m, Quảng Ngãi 3.900m).

 

 

Quốc Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top