UBND tỉnh Quảng Nam vừa yêu cầu Cty Cổ phần nhiên liệu sinh học Tùng Lâm xử lý dứt điểm sự cố môi trường xảy ra tại Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân; chỉ đạo chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, người dân hợp tác với Nhà máy cồn Đại Tân.
Xử lý an toàn đối với 9.000m3 dầu tồn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh, Công ty Cổ phần nhiên liệu sinh học Tùng Lâm - đơn vị quản lý Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân, khẩn trương có phương án khắc phục sự cố tràn dầu fusel, tuyệt đối không để dầu tràn ra ngoài khu vực đã xảy ra sự cố; xử lý triệt để mùi hôi, không để phát tán thêm ra khu vực xung quanh; tuyệt đối không để xảy ra cháy nổ, bao gồm cả việc xử lý an toàn đối với 9.000m3 dịch tồn hiện nay.
Công ty Cổ phần nhiên liệu sinh học Tùng Lâm thực hiện phương án khắc phục phải có sự giám sát của chính quyền, người dân huyện Đại Lộc; lập phương án hoạt động đảm bảo an toàn đối với nhà máy sau khi khắc phục xong, cam kết bằng văn bản trước chính quyền địa phương, nhân dân trong quá trình hoạt động.
Nếu để sự cố môi trường tái diễn, nhà máy phải tự nguyện đóng cửa, không hoạt động cho đến khi hoàn thành việc di dời dân đến nơi ở mới.
UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, sự cố xảy ra tại nhà máy cồn Ethanol là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, trách nhiệm trước hết thuộc về Công ty Cổ phần nhiên liệu sinh học Tùng Lâm. Bên cạnh đó, UBND tỉnh thông tin đến các hộ dân về việc tập trung đông người cản trở công tác xử lý, khắc phục sự cố của nhà máy là không đúng pháp luật. Nếu không kịp thời khắc phục, có thể kéo theo nhiều hệ lụy khác, gây ảnh hưởng lớn đến công ty cũng như đời sống của người dân. UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các hộ dân khẩn trương hợp tác với chính quyền địa phương, các sở, ngành, Công ty Cổ phần nhiên liệu sinh học Tùng Lâm trong việc khắc phục sự cố này. Người dân cần phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát công tác thực hiện khắc phục sự cố của Công ty; từ đó, sớm xử lý triệt để sự cố môi trường tại Nhà máy cồn Đại Tân.
Sau ngày 19/9, nhiều người dân tại khu vực xã Đại Tân đã bỏ công việc, kéo đến trước cổng Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân phản đối không cho xe tải chở các nguyên vật liệu ra, vào; yêu cầu lãnh đạo nhà máy sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Bà Phùng Thị Ánh Vân, đại diện cho các hộ dân tại thôn Nam Phước, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc đã gửi đơn trình bày đến UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu đóng cửa Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân hoặc di dời dân đến địa điểm mới.
Theo đó, người dân tại đây cho rằng, Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân của Công ty Cổ phần nhiên liệu sinh học Tùng Lâm, trong quá trình sản xuất đã để xảy ra các sự cố cháy nổ, sự cố tràn dầu Fusel ra bên ngoài. Hoạt động của nhà máy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng về khói bụi, nguồn nước và không khí. Việc xảy ra sự cố tràn dầu Fusel, gây mùi hôi rất khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, cuộc sống của các gia đình sinh sống quanh khu vực nhà máy.
Người dân tại xã Đại Tân nghi ngờ, lợi dụng lúc trời mưa, nhà máy cồn đã xả thải ra môi trường khiến nước ở đây có màu đục ngầu, bốc mùi hôi thối. Việc này tái diễn nhiều lần khiến nhiều hộ dân bức xúc đòi đóng cửa nhà máy cồn Đại Tân.
Trưởng Phòng Tài Nguyên – Môi trường huyện Đại Lộc Hồ Thanh Phương cho biết, khi nhận được phản ánh của người dân, Phòng đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng đến kiểm tra, đánh giá tình hình thực tế tại cống xả của Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân; báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam. Hiện, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Lộc đang chờ chỉ đạo để thực hiện những bước tiếp theo.
Chính quyền xã Đại Tân phối hợp với lãnh đạo Nhà máy Ethanol Đại Tân đã tổ chức nhiều buổi đối thoại với người dân nhưng đều gặp bế tắc. Nhiều người dân phản đối gay gắt, dựng lều trước cổng nhà máy, ngăn cản công nhân vào khắc phục sự cố tràn dầu fusel.
Sớm quan trắc môi trường xung quanh Nhà máy Alumin Nhân Cơ
Ngày 27/9, ông Mai Chiến Thắng, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông (Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam) cho biết Công ty đang phối hợp với hai đơn vị quan trắc độc lập tiến hành quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường tại một số khu vực xung quanh Nhà máy Alumin Nhân Cơ (thuộc địa phận hai xã Nhân Cơ, Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông).
Việc đánh giá tổng thể chất lượng môi trường, mức độ ảnh hưởng, nguy hại (nếu có) bao gồm các tiêu chí về mùi hôi, nước thải, bụi, tiếng ồn...
Dự kiến, việc quan trắc, đánh giá tổng thể sẽ hoàn thành vào cuối quý 1/2020.
Theo ông Mai Chiến Thắng, khó khăn lớn nhất hiện nay là một số hộ dân không hợp tác với các đơn vị quan trắc. Nhiều người dân đã yêu cầu Công ty sớm lên phương án bồi thường nhà cửa, cây trồng, đất đai để họ chuyển đi nơi khác sinh sống. Lý do các hộ dân đưa ra là việc sản xuất của Nhà máy Alumin Nhân Cơ gây ô nhiễm môi trường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 13/9/2018, Tổng cục Môi trường có văn bản số 2988/TCMT-TĐ về việc xác định khoảng cách an toàn từ hồ bùn đỏ, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đối với các hộ dân xung quanh.
Tổng cục đồng ý tạm thời áp dụng khoảng cách an toàn về bụi và khí thải là 700m tính từ ống khói nhà máy. Khoảng cách an toàn từ hồ bùn đỏ đến đường giao thông được xác định lớn hơn hoặc bằng 500m.
Ngày 19/9/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông có công văn số 1857 về việc trả lời đơn thư kiến nghị của một hộ dân phản ánh Nhà máy Alumin Nhân Cơ gây ô nhiễm.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư, các ngành chức năng liên quan tiến hành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dời các hộ dân nằm trong bán kính bị ảnh hưởng môi trường từ Nhà máy Alumin Nhân Cơ theo quy định của pháp luật.
Sau văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, nhiều hộ dân hiểu là đất đai, nhà cửa, cây trồng trong phạm vi bán kính an toàn về môi trường (700m tính từ ống khói nhà máy, và lớn hơn hoặc bằng 500m tính từ hồ bùn đỏ) là được di dời, đền bù giải tỏa. Do đó, các hộ dân liên tục gửi đơn kiến nghị yêu cầu giải quyết.
Thậm chí, có thời điểm, người dân tập trung, kéo lên Công ty Nhôm Đắk Nông tố cáo việc Nhà máy Alumin Nhân Cơ phát sinh ra mùi hôi, bụi và tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Người dân yêu cầu Công ty, Nhà nước phải xem xét, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tài sản để người dân đi nơi khác sinh sống.
Liên quan tới vấn đề này, ngày 24/10/2018, tại công văn số 5369 về việc giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo Công ty Nhôm Đắk Nông thuê đơn vị quan trắc độc lập để đánh giá các thông số kỹ thuật liên quan đến khí thải của Nhà máy và các tiêu chí liên quan đồng thời đối chiếu với kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông để đi đến kết luận cụ thể về bán kính ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng của Nhà máy đến các hộ dân sinh sống xung quanh.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.