Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 9 năm 2022 | 11:4

Khẳng định ý nghĩa tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh

Tuy sự nghiệp cứu nước của Phan Châu Trinh không thành, nhưng chủ thuyết “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” do ông đề xướng và ra sức cổ súy vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay.

Sáng 9/9, tại TP Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh” nhân kỷ niệm 150 năm Ngày sinh Phan Châu Trinh (9/9/1872-9/9/2022).
 
Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu khách mời, đại biểu gia tộc nhà yêu nước Phan Châu Trinh và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu khách mời, đại biểu gia tộc nhà yêu nước Phan Châu Trinh và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

 

Hội thảo tập hợp gần 50 tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên cả nước, tập trung phân tích, khai thác về bối cảnh thời đại tác động đến tư tưởng của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh; tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh; sự ảnh hưởng của phong trào Duy tân và tư tưởng canh tân đối với xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX; đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm phát huy các giá trị tư tưởng canh tân, đổi mới của nhà yêu nước Phan Châu Trinh, nhất là tư tưởng về xây dựng ý chí tự lực tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.
 
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, trong lịch sử hình thành và phát triển, Quảng Nam được biết đến là vùng đất mở, nơi giao lưu, hội tụ của nhiều nền văn hóa lớn, cũng là vùng đất từng chịu biết bao thử thách khắc nghiệt của tự nhiên và chiến tranh… để từ đó đã sản sinh ra các nhà duy tân với tư duy sáng tạo, đổi mới.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phát biểu tại hội thảo
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phát biểu tại hội thảo.

 

Trong số đó, tiêu biểu là nhà yêu nước Phan Châu Trinh, người khởi xướng, vận động và lãnh đạo phong trào Duy tân nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, mà tên tuổi và sự nghiệp gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc của nhân dân ta vào đầu thế kỷ XX.
 
Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước đầy biến động, tuổi thơ của chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh đã trải qua nhiều gian nan cơ cực cùng với sự thăng trầm của lịch sử dân tộc.
 
Trước cảnh lầm than của nhân dân, Phan Châu Trinh chủ trương cứu nước phải từ nội lực của nhân dân; cứu nước trước hết phải cứu dân. Từ đó ông đưa ra chủ thuyết canh tân “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.
 
Sinh thời, Phan Châu Trinh đã nhận ra và chỉ rõ nguyên nhân khiến dân tộc ta mất nước và đã bao lần quật khởi vẫn chưa giành lại được độc lập, chủ quyền. Đó chính là do trình độ quốc dân.
 
Để có thể ngang bằng với các dân tộc khác trên thế giới, chí sĩ Phan Châu Trinh cho rằng phải khắc phục sự tụt hậu về trình độ. Bởi vậy, ông đã khởi xướng cuộc cách mạng xã hội rộng lớn, sôi nổi ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhằm giải phóng dân tộc.
 
Tuy sự nghiệp cứu nước của Phan Châu Trinh không thành, nhưng chủ thuyết “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” do ông đề xướng và ra sức cổ súy vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay.
 
Hơn 20 năm hoạt động cứu nước, nhà yêu nước Phan Châu Trinh đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho nhân dân, cho dân tộc, từ bị giam cầm trong lao tù, vất vả lao động nơi đất khách quê người và lúc trở về cõi vĩnh hằng nhưng trong lòng vẫn mong cho dân tộc được độc lập, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. 
 
Phan Châu Trinh tự là Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh ngày 9/9/1872, người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
 
Thân sinh cụ Phan là Phan Văn Bình, một võ quan nhỏ với chức Quản cơ sơn phòng, tham gia phong trào Cần Vương làm Chuyển vận sứ đồn A Bá (Tiên Phước) phụ trách quân lương. Mẹ Phan Châu Trinh là Lê Thị Trung, con gái nhà vọng tộc, thông thạo chữ Hán, ở làng Phú Lâm, huyện Tiên Phước.
 
Phan Châu Trinh đỗ cử nhân năm 1900. Năm 1901, ông đỗ Phó bảng, kỳ thi Hội, đồng khoa với Tiến sĩ Ngô Đức Kế và Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Năm 1902, ông vào học Trường Hậu bổ, sau ra làm Thừa biện Bộ Lễ, sau đó từ quan, kết giao với nhiều sĩ phu yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng và Phan Bội Châu.
 
Năm 1905, ông cùng với 2 bạn là Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng (đều đỗ tiến sĩ năm 1904) làm một cuộc Nam du, với mục đích xem xét dân tình, sĩ khí và tìm bạn đồng chí hướng. Sau khi dừng chân ở Bình Định, làm thơ, phú chống lại lối khoa cử Nho học, 3 ông tiếp tục đi vào các tỉnh phía Nam và kết giao với nhiều bạn đồng chí hướng nơi đây như Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi...
 
Sau cuộc Nam du, Phan Châu Trinh ra Nghệ - Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội để gặp gỡ và hội ý với các sĩ phu tiến bộ, rồi lên căn cứ Đề Thám quan sát tình hình. Năm 1906, ông bí mật sang Nhật Bản gặp Phan Bội Châu, khởi xướng Duy tân, cải cách nước nhà…
 
Năm 1917, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Tất Thành thành lập Hội người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Ngày 19/6/1919, ông cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành soạn “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Versailles, ký tên chung là Nguyễn Ái Quốc, làm nổ ra “quả bom chính trị” chấn động tại nước Pháp…
 
Phan Châu Trinh mất ngày 24/3/1926 tại Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh), hưởng dương 54 tuổi. Đám tang ông được cử hành trọng thể tại Sài Gòn. Lễ vọng điếu thụ tang được tổ chức hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Lễ truy điệu để tang Phan Châu Trinh là cuộc biểu dương tinh thần dân tộc - dân chủ của phong trào yêu nước lúc bấy giờ, bất chấp sự ngăn cản của thực dân.
 
Học giả Hoàng Xuân Hãn nhận xét đám tang của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh như một cuộc biểu dương lực lượng vĩ đại tinh thần yêu nước chống thực dân Pháp không phải chỉ của mười mấy vạn người ở Sài Gòn, mà của hàng triệu đồng bào cả nước.
 
 
 
 
Hải Yến - CTV
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top