Có thể nói, chưa bao giờ chức năng giám sát, phản biện xã hội của báo chí lại hoạt động hiệu quả và nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận như hiện nay. Từ báo chí, nhiều vụ tham nhũng, sai phạm lớn đã kịp thời được phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trong sự nghiệp phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam, báo Kinh tế nông thôn đã góp những viên gạch nhỏ, phản ánh, định hướng xã hội, đưa nhiều vụ việc sai phạm ra ánh sáng, lấy lại niềm tin cho nhân dân.
Sau khi báo Kinh tế nông thôn phản ánh, gần 270 triệu đồng UBND xã Cầu Lộc (Hậu Lộc - Thanh Hóa) thanh toán cho Công ty Đại Lộc đã bị thu hồi do sử dụng sai mục đích.
Khi hiệu trưởng ra tận tòa soạn để phản hồi!
Về lý thuyết, phản biện xã hội là nêu ra cái tiêu cực, không tốt để hoàn thiện, sửa chữa, bổ sung. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương hiện nay, khi phát hiện sai phạm, cácc chủ thể vi phạm lại tìm mọi cách che giấu, không nhìn thẳng vào sai phạm, khuyết điểm để sửa chữa, hoàn thiện, khiến sai phạm không được xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân.
Tôi còn nhớ, đầu tháng 9/2016, báo Kinh tế nông thôn nhận được đơn của một số giáo viên Trường Trung cấp nghề số 1 TP. Thanh Hóa (Thanh Hóa) phản ánh về những sai phạm đang diễn ra tại đây. Theo các giáo viên, họ đã gửi đơn đến một số cơ quan chức năng nhưng vì nhiều lý do khác nhau, sai phạm vẫn không được làm rõ.
Sau khi nhận đơn, báo đã cử phóng viên về xác minh và nhận thấy, việc các giáo viên phản ánh là có cơ sở. Theo đó, năm 2015, ông Trịnh Văn Ngãi, Hiệu trưởng nhà trường thành lập 3 lớp sơ cấp cơ khí hàn với 71 học sinh (đều là bộ đội xuất ngũ), thời gian học từ 18/4/2015 - 18/7/2015, từ ngày 6/7 - 10/7 mới kiểm tra kết thúc khóa học. Nhưng thực tế ông Ngãi đã ký và cấp chứng chỉ cho học sinh từ ngày 22/6/2015.
Vấn đề đặt ra là, ông Ngãi ký, cấp chứng chỉ nghề trước thời điểm học sinh kiểm tra kết thúc khóa học gần 1 tháng; Vậy, vị hiệu trưởng dựa vào đâu để cấp chứng chỉ cho học sinh, phải chăng việc cấp chứng chỉ sớm để kịp hoàn thiện 71 hồ sơ chuyển sang Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa (là hồ sơ khống-PV) nhằm chiếm đoạt tài sản của Nhà nước?.
Nghiêm trọng hơn, mặc dù chưa được Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho phép mở lớp dạy văn hóa chương trình THPT nhưng năm học 2015 - 2016, ông Ngãi vẫn mở 2 lớp với 74 học sinh, tự lên lịch, thời khóa biểu, bố trí giáo viên giảng dạy bình thường.
Thu thập đủ thông tin, báo có bài mở đầu: “Trường Trung cấp nghề số 1 TP. Thanh Hóa: Chưa kết thúc khóa học đã cấp chứng chỉ!”. Sau khi báo phát hành, nhiều tờ báo khác tại Thanh Hóa cũng vào cuộc phản ánh. Đặc biệt, trực tiếp ông Trịnh Văn Ngãi đã ra tận tòa soạn để phản hồi, ông cho rằng, bài báo phản ánh không đúng, vì chữ ký trong bài viết không phải chữ ký của ông.
Bằng tài liệu thu thập được cho thấy, ông Ngãi dùng song song 2 chữ ký, một trong hai chữ ký chưa được cơ quan chức năng cho phép. Cứ thế các bài viết nối tiếp nhau đến với bạn đọc, sai phạm của ông Ngãi dần được làm rõ. Trước sai phạm không thể chối cãi, Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Ngãi để thẩm tra, xác minh. Cuối cùng, Chủ tịch UBND TP.Thanh Hóa ký quyết định kỷ luật vị hiệu trưởng bằng hình thức cách chức.
Sau loạt bài viết của báo Kinh tế nông thôn, Ban giám hiệu Trường Trung cấp nghề số 1 TP. Thanh Hóa đã được kiện toàn, đặc biệt các nội dung tố cáo của các giáo viên đã được làm rõ, quyền lợi của giáo viên được đảm bảo. Theo tâm sự của một số giáo viên, nếu không có sự vào cuộc của báo Kinh tế nông thôn, chắc chắn sai phạm tại trường sẽ tiếp tục nối tiếp sai phạm.
Khi quan xã lạm quyền!
Hiện, ở nhiều địa phương, một số lãnh đạo xã đã lợi dụng, lạm quyền, bằng cách này hay cách khác trục lợi ngân sách Nhà nước. Nếu sai phạm không được xử lý nghiêm sẽ làm cho nhân dân mất niềm tin với chính quyền, mất niềm tin với Đảng.
Cuối năm 2016, báo Kinh tế nông thôn nhận được đơn của người dân phản ánh, ông Đỗ Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc (Hậu Lộc - Thanh Hóa) có dấu hiệu thông đồng rút tiền ngân sách Nhà nước hòng trục lợi. Theo tìm hiểu của báo, để lấy được tiền hỗ trợ làm đường giao thông nội đồng vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, thời điểm đó ông Đỗ Văn Tám đã hợp thức bằng cách lấy hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công, báo cáo kinh tế - kỹ thuật của Công ty Đại Lộc rút gần 1 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.
Điều đáng nói là, gần một nửa số tiền này đã bị ông Tám chi vô tội vạ, trong đó, có việc đối chiếu công nợ và thanh toán hợp đồng cho Công ty Đại Lộc gần 270 triệu đồng khiến nhân dân bức xúc. Bức xúc bởi hồ sơ thiết kế Công ty Đại Lộc thiết kế xong không sử dụng vì dự toán kinh phí quá cao. Trên thực tế, các làng tự lập hồ sơ thiết kế, hồ sơ dự toán và tự thi công, trong khi ông Tám lại chi cho Công ty Đại Lộc gần 270 triệu đồng là vô lý, có dấu hiệu thông đồng ăn chia.
Sau phản ánh của báo Kinh tế nông thôn, Huyện ủy Hậu Lộc đã vào cuộc xác minh và ra quyết định kỷ luật ông Đỗ Văn Tám bằng hình thức cảnh cáo; đặc biệt là thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 330 triệu đồng do sử dụng sai mục đích, tính sai nguồn vốn hỗ trợ, bước đầu đã lấy lại niềm tin cho nhân dân.
Cũng liên quan tới “quan xã”, có thể nói nổi nhất trong năm 2014 tại TP.Hải Phòng là vụ UBND xã Việt Tiến (Vĩnh Bảo) đã tự ý khai khống, ăn chặn tiền hỗ trợ của người dân khiến bà con bức xúc. Sau khi nhận được phản ánh, báo Kinh tế nông thôn cùng nhiều tờ báo khác đã vào cuộc tìm hiểu phản ánh đến dư luận. Kết quả là gần 10 cán bộ trong xã bị kỷ luật, hạ bậc lương, riêng Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND xã bị cách chức, Bí thư Đảng ủy xã bị khiển trách.
Chỉ đạo theo kiểu “nước đổ đầu vịt”
Trong thời kỳ bùng nổ thông tin, trước sức ép dư luận sau mỗi bài báo, chính quyền địa phương đã chủ động vào cuộc xác minh, xử lý sai phạm và đã nhận được ủng hộ cao từ nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều vụ việc sai phạm báo chí lên tiếng nhiều lần thì chính quyền mới vào cuộc chỉ đạo, xử lý. Trong đó, có nhiều vụ việc được chính quyền chỉ đạo theo kiểu cho có, vì sau đó sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại.
Chẳng phải đâu xa, ngay tại Hà Nội nhưng một sai phạm trong lĩnh vực xây dựng mà từ phường, quận, Sở Xây dựng, Phó chủ tịch UBND thành phố và trực tiếp ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố phải “xắn tay áo” ra văn bản chỉ đạo xử lý vi phạm. Tuy nhiên, lãnh đạo TP. Hà Nội càng chỉ đạo thì người dân và dư luận lại càng thấy thất vọng vì chẳng thu được bất cứ kết quả nào.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo xử lý vi phạm tại dự án Hòa Bình Green City.
Điển hình là dự án Hòa Bình Green City (ở địa chỉ 505 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) được thiết kế với 2 tòa tháp cao 27 tầng, xây dựng trên diện tích 1,7ha do Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư. Trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư ngang nhiên xây dựng trên nóc của 2 tòa nhà hai công trình có kiến trúc giống như hai ngôi chùa.
Đội Thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng đã lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm. Tuy nhiên, đến nay, hai công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại, chưa bị tháo dỡ theo đúng quy định, mặc cho Phó chủ tịch, Chủ tịch UBND thành phố nhiều lần có văn bản giao cho UBND quận Hai Bà Trưng, Sở Xây dựng xử lý sai phạm.
Hay những sai phạm trong công tác quản lý đất đai tại xã Đông Hội (Đông Anh - Hà Nội). Hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp, đất công ở thôn Đông Ngàn (Đông Hội) đã bị lấp, chiếm dụng và bán trái thẩm quyền. Những khu đất lấn chiếm này đã được xây tường bao xung quanh, xây nhà kiên cố… nhưng chưa hề bị xử lý. Trong số những người lấn chiếm đất công, xây dựng nhà trái phép có cả nguyên các lãnh đạo thôn. Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội có nhiều văn bản yêu cầu UBND huyện Đông Anh vào nhưng đến nay sai phạm vẫn chưa bị xử lý.
Trong xã hội hiện nay rất dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng nếu các cơ quan chức năng không kịp thời phát hiện, không xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hậu quả không chỉ dừng lại ở con số bao nhiều nghìn tỷ mà nghiêm trọng hơn là nhân dân mất niềm tin vào chính quyền, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong sứ mệnh lịch sử của mình, hơn lúc nào hết, báo chí cần làm tốt hơn nữa chức năng giám sát, phản biện xã hội, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, làm cho xã hội ngày càng phát triển tốt đẹp, tiến bộ hơn.
Hoàng Văn
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.