Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 1 tháng 11 năm 2017 | 5:9

Khởi công Nhà Quốc hội - công trình biểu tượng cho mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào

Sáng 1/11 tại Thủ đô Vientiane, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam và Lào phát lệnh động thổ, khởi công xây dựng Nhà Quốc hội Lào.


Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội Lào và Việt Nam tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Công trình là quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Chính phủ, hai Quốc hội và nhân dân hai nước Việt – Lào.

Tham dự buổi lễ, về phía Lào có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Volachith; Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou; Phó Thủ tướng Chính phủ Sonesay Siphandone cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Về phía Việt Nam, có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo một số ủy ban, cơ quan của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Đối ngoại Trung ương và các Bộ: Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài chính.

Lễ động thổ được tổ chức đúng vào dịp Lễ hội That Luang, một trong hai ngày lễ quan trọng nhất của Lào.

Năm 2016, nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thông báo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam quyết định tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào công trình Nhà Quốc hội tại Quảng trường That Luang, trung tâm Thủ đô Vientiane, trị giá khoảng 100 triệu USD theo hình thức “chìa khoá trao tay”.


Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Thời gian qua, các cơ quan của hai nước đã phối hợp chặt chẽ để thống nhất nhiều nội dung quan trọng. Mỗi nước đều đã thành lập Ban Chỉ đạo để trực tiếp phối hợp chỉ đạo các vấn đề liên quan. Về phía Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Phó Trưởng Ban Thường trực. Về phía Lào, Phó Chủ tịch Quốc hội Somphanh Phengkhammy làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Nhà Quốc hội cũ của Lào được sử dụng từ năm 1991 và đã phục vụ 7 khoá Quốc hội hoạt động. Đến nay, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, do đó Đảng, Nhà nước, Quốc hội Lào quyết định xây dựng mới công trình với những yêu cầu như có tính nghệ thuật, thẩm mỹ, bền vững, đảm bảo sử dụng lâu dài; kết hợp nhuần nguyễn giữa tính hiện đại với bản sắc văn hoá Lào; xứng đáng là công trình đại diện cho cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân các dân tộc Lào.

Công trình được xây dựng trên diện tích 23.400 m2, ngay trên nền nhà Quốc hội cũ tại Quảng trường That Luang - trung tâm Thủ đô Vientiane. Hiện nay, việc tháo dỡ nhà Quốc hội cũ, giải phóng mặt bằng đã hoàn thành.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội hai nước đều xác định đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Chính phủ, hai Quốc hội và nhân dân hai nước Việt – Lào.

Phát biểu tại lễ động thổ, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào Somphanh Phengkhammy bày tỏ sự biết ơn sâu sắc với món quà vô giá mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trao tặng cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.

“Nhà Quốc hội mới sẽ là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào – Việt Nam và sẽ trở thành tài sản vô giá để lại cho con cháu tiếp tục giữ gìn, học tập và nghiên cứu”, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào nói.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Việc xây dựng Nhà Quốc hội Lào là một trong những đóng góp quan trọng, làm cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng phát triển. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Phó Chủ tịch Quốc hội Somphanh Phengkhammy cho rằng, sự kiện ngày hôm nay sẽ đóng góp chung vào thành công của Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào -Việt Nam 2017, đồng thời khắc sâu hơn nữa mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hữu nghị truyền thống giữa hai nước anh em. Đây cũng là dịp để hai nước cùng nhau đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định Việt Nam luôn tự hào có Lào là người bạn thủy chung, người đồng chí anh em thân thiết trong quá trình đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc cũng như trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Quan hệ Việt Nam - Lào thực sự là một mối quan hệ mẫu mực, là tài sản vô giá cần nâng niu, trân trọng, truyền lại cho muôn đời sau.

“Việc xây dựng Nhà Quốc hội Lào trở thành một công trình kiến trúc tiêu biểu, có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hoá Lào, là trụ sở của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân các dân tộc Lào sẽ là một trong những đóng góp quan trọng, làm cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng phát triển, vì sự phồn vinh của hai dân tộc và hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”, Phó Thủ tướng nói.

Trước đó, vào chiều 31/10, tại cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Somphanh Phengkhammy, hai bên đã thống nhất cơ bản về các nguyên tắc, nội dung chính cũng như các vấn đề lớn cần ưu tiên thực hiện trong quá trình triển khai dự án.

“Chúng tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan của phía Lào và phía Việt Nam tập trung thực hiện các công việc liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ, đưa công trình vào vận hành năm 2021, năm diễn ra các sự kiện đặc biệt của Lào”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.


Binh đoàn 11 (Bộ Quốc phòng Việt Nam) - đơn vị được giao Tổng thầu xây dựng Nhà Quốc hội Lào- đã tập trung phương tiện, xe máy sẵn sàng thực hiện việc xây dựng công trình với chất lượng cao nhất. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, phía Việt Nam sẽ làm hết sức mình với quyết tâm chính trị cao nhất, cùng với các đồng chí Lào xây dựng công trình Nhà Quốc hội với kiến trúc thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa Lào đồng thời phải đảm bảo công năng cho các hoạt động của Quốc hội, với chất lượng tốt nhất, xứng tầm là trụ sở làm việc của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân Lào.

Theo Xuân Tuyến/Chinhphu.vn

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top