Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 17 tháng 1 năm 2016 | 1:42

Khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa

Khu tưởng niệm không chỉ làm ấm lòng những người ra đi mà còn là sự an ủi rất lớn đối với thân nhân của những chiến sĩ đã ngã xuống; rằng Tổ quốc, nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn những người con trung hiếu đã không tiếc máu xương cho sự toàn vẹn chủ quyền của đất nước.

Phối cảnh Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa.

Sáng nay (17/01), tại tại khu vực núi Thới Lới, huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức buổi lễ đặt viên đá, khởi công xây dựng Khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa”. Toàn bộ khu tưởng niệm được đặt trên diện tích 1,5 – 2 ha trên đỉnh núi Thới Lới, phía Đông Bắc đảo.

Khu tượng đài Nghĩa sĩ Hoàng Sa có tên “Người mẹ thắp lửa” do KTS Trần Văn Dũng - Công ty CP Tư vấn đầu tư bất động sản Việt Tín thực hiện, được chọn từ 100 bản vẽ, 5 mô hình, 21 bộ thuyết minh và đĩa CD mô phỏng công trình của 21 đơn vị, tập thể và cá nhân tham gia, trong cuộc thi phác thảo đồ án thiết kế xây dựng Khu tượng đài Nghĩa sĩ Hoàng Sa cách đây một năm, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động. 

Các tổ chức, cá nhân đóng góp để xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa.  

Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, biển đảo luôn là một phần thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt, đó là xương máu, là ý chí và khát vọng của tổ tiên ta. Bằng công sức, mồ hôi và cả tính mạng bao đời, các thế hệ người Việt đã xác lập, quản lý và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên Biển Đông; xác lập, quản lý, bảo vệ và khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 19/01/1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, 74 binh sĩ của Việt Nam Cộng hòa đã chiến đấu chống lại, họ đã tử trận, vĩnh viễn nằm lại ở vùng biển đảo này. Sau này, nhiều ngư dân của Việt Nam đánh bắt cá trên vùng biển thân yêu của tổ quốc đã nương vào quần đảo Hoàng Sa để ẩn náu tránh bão tố và nằm lại đây.

Năm nay, sau 42 năm, Hoàng Sa đau thương và mất mát, nhưng lịch sử đất nước sẽ tạc mãi trong tâm khảm, những người con Việt đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo. Họ đã ngã xuống trong mưa đạn, trong nỗi đau khôn cùng trước chủ quyền biển đảo bị mất. 14 năm sau, năm 1988, lịch sử lại lặp lại ở cuộc chiến bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa, giữa những chiến sĩ công binh của 03 tàu vận tải HQ- 604, HQ- 605, HQ-505 thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam, với lính Trung Quốc được trang bị vũ khí tại các đảo Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin, những hòn đảo phía Tây Nam cụm đảo Sinh Tồn. Trong cuộc chiến không cân sức, chúng ta giữ được đảo Cô Lin, nhưng 64 chiến sĩ công binh của chúng ta đã ngã xuống trong chiến trận này.

 

Quỹ Tấm lòng vàng hỗ trợ cho 10 chủ tàu cá của ngư dân Lý Sơn

Ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, bày tỏ: Xây dựng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa là nguyện vọng của nhân dân, đoàn viên công đoàn cả nước. Xây dựng Khu tưởng niệm để tưởng nhớ tổ tiên chúng ta là người đầu tiên phát hiện và xác lập chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa; tưởng nhớ những hùng binh năm xưa, theo lệnh của triều đình nhà Nguyễn thực hiện nhiệm vụ quản lý khai thác quần đảo này; những ngư dân của chúng ta đã nằm lại để bảo vệ Hoàng Sa, những người làm công tác khí tượng thủy văn và cả 74 binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đã chiến đấu chống lại sự lấn chiếm của Trung Quốc, họ vĩnh viễn nằm lại trong vùng biển Hoàng Sa trong cuộc hải chiến cách đây 42 năm. Dù khác nhau chiến tuyến, ý thức hệ, nhưng cuộc chiến đẫm máu và không cân sức ở Hoàng Sa - Trường Sa là minh chứng thiêng liêng - lòng yêu nước Việt của những con dân Việt, là duy nhất. Họ - những người lính Việt đã yên lặng vĩnh viễn trong sự thét gào mãi mãi của Biển Đông, những đêm giông tố, những ngày gió bão. Vị mặn của nước Biển Đông hơn 40 năm nay mặn đắng hơn, vì đó là vị mặn của muối, của máu và của nước mắt.

Đặc biệt, để tỏ lòng thành kính và biết ơn các anh hùng liệt sĩ hải quân, góp phần giáo dục bồi đắp lòng yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc, ngày 13/3/2015, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm “Chiến sĩ Gạc Ma” trên bờ biển tỉnh Khánh Hòa để ghi công 64 liệt sĩ đã hy sinh ngày 14-3-1988 trong trận chiến bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Công trình sẽ được hoàn thành vào năm 2016. Khu tưởng niệm sau khi được hoàn thành không chỉ làm ấm lòng những người ra đi mà còn là sự an ủi rất lớn đối với thân nhân của những chiến sĩ đã ngã xuống; rằng Tổ quốc, nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn những người con trung hiếu đã không tiếc máu xương cho sự toàn vẹn chủ quyền của đất nước.

Nối tiếp các hoạt động hướng về biển, đảo; thể theo nguyện vọng của đoàn viên, người lao động và nhân dân, Tỉnh ủy Quảng Ngãi và huyện đảo Lý Sơn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa.  Hy vọng rằng, Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa sau khi hoàn thành sẽ trở thành một trong những công trình lịch sử, văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước nhằm ghi danh, tưởng nhớ, tri ân những người con đất Việt đã bỏ mình bảo vệ biển đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chừng nào Hoàng Sa chưa trở về với Tổ quốc thì Khu tưởng niệm sẽ nhắc nhở cho muôn đời con cháu phải làm điều cần làm để non sông của cha ông thu về một mối.

Lãnh đạo Trung ương và tỉnh Quảng Ngãi đặt viên đá đầu tiên  xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa.  

Biểu tượng người mẹ với ngọn lửa là biểu tượng xuyên suốt của thiết kế của KTS Trần Văn Dũng. Ngọn lửa ở đây là ngọn lửa tưởng niệm những người đã ngã xuống bảo vệ Hoàng Sa, cũng là ngọn lửa thắp sáng nguồn hy vọng đấu tranh bảo vệ Hoàng Sa. Ngọn lửa phát sáng có hình trái tim trên tay người mẹ, đêm đến ngọn lửa ấy như ngọn hải đăng thắp sáng cho các ngư dân ra khơi. Người mẹ ấy thắp lửa, đốt đèn ngóng những người con sớm trở về đất liền, và người mẹ ấy cũng đang hy vọng mong ngóng một ngày quần đảo Hoàng Sa sẽ trở về với đất mẹ Việt Nam với một niềm tin son sắt Hoàng Sa - Trường Sa mãi là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam.

Nhân buổi lễ, Quỹ Tấm lòng vàng Báo Lao động trao hỗ trợ cho 10 chủ tàu cá của ngư dân Lý Sơn, với tổng kinh phí 462 triệu đồng; ông Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC tặng 50 xe đạp và 50 suất học bỗng (mỗi suất 3 triệu đồng) cho con em ngư dân Lý Sơn, tặng cho các đơn vị lực lượng vũ trang ở Lý Sơn 100 triệu đồng để ăn Tết…

                                                                                 Hải Yến

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top