Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 31 tháng 12 năm 2019 | 15:19

"Không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế"

Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề đạo đức xã hội trong kinh tế thị trường, không chỉ thông điệp "không đánh đổi môi trường lấy kinh tế" mà ông còn yêu cầu thêm là "không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế".

01.jpg
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tham dự Hội nghị.

Sau 1,5 ngày diễn ra Hội nghị Chính phủ với các địa phương với sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, bên cạnh các mô hình tốt, cách làm hay được nêu cũng đã có nhiều kiến nghị.

Thị trường quyết định tăng trưởng của ngành nông nghiệp

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2020 chỉ tiêu của ngành nông nghiệp khá cao, tốc độ tăng trưởng đạt từ 2,91 – 3%; xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt từ 41,5 – 42 tỷ USD...

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi thì cũng có nhiều thách thức lớn về thương mại, thị trường, biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp, trong đó thị trường được coi là khâu quyết định tới tăng trưởng của ngành.

Do vậy, Bộ trưởng cho rằng, việc nâng cao kỹ năng, năng lực ứng phó với các tình huống xảy ra được coi là giải pháp thường trực cần hướng tới.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các biện pháp, kế hoạch thực hiện để phấn đấu đạt được các chỉ tiêu cao nhất mà Nghị quyết của Chính phủ đề ra.

Ông Cường đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc phát triển thị trường, coi đây là khâu quyết định tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói riêng và tăng trưởng nền kinh tế nói chung. Bên cạnh các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, cần đặc biệt coi trọng hướng tới thị trường ASEAN.

Đối với thị trường thịt lợn, Bộ đang tập trung tái đàn dần ở các tỉnh để không xảy ra thiếu thực phẩm, tránh để chỉ số giá tiêu dùng tăng cao ngay từ quý đầu năm 2020.

Hà Nội: Một số cán bộ chấp hành pháp luật chưa tốt, bị xử lý hình sự

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong năm 2019 thành phố đã hoàn thành 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn có một số tồn tại, thách thức phát sinh trong quá trình xây dựng, phát triển của thành phố cần tiếp tục tập trung chỉ đạo trong thời gian tới như: ùn tắc giao thông; ô nhiễm không khí, xử lý một số sự cố cháy nổ, môi trường; công tác quản lý đô thị bước đầu có thay đổi nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Đặc biệt, Chủ tịch Hà Nội nhìn nhận, ý thức chấp hành pháp luật của một số cán bộ, công chức còn chưa tốt, có trường hợp phải xử lý hình sự.

Qua thanh tra, kiểm tra, năm 2016 đến nay đã xử lý 2.744 tập thể, riêng năm 2019 có 1.019 Đảng viên và cá nhân bị xử lý, chuyển cơ quan điều tra 37/40 vụ việc. Đã xử lý hành chính 1.403 cá nhân, thu hồi 1.902 tỷ đồng, thu hồi 1.788 ha đất, xử lý, khắc phục kinh tế 881,39 tỷ đồng.

Lãnh đạo Hà Nội đề xuất Chính phủ, các bộ quan tâm thủ tục để triển khai xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia tại xã Đông Hội, Đông Anh; cho phép thủ tục giải ngân vốn các dự án ODA theo tiến độ, để đảm bảo phần trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn – ga Hà Nội đi vào hoạt động từ quý 4/2020.

TP. HCM muốn thí điểm chính quyền đô thị

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, GRDP của thành phố này năm 2019 đạt 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 8,32% so với 2018. Năng suất lao động đạt 299 triệu đồng/người, thu ngân sách 412.474 tỷ đồng, thu hút 8,3 tỷ USD vốn FDI.

Năm 2020, thành phố sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế, tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng, kiềm chế ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, sử dụng ngân sách hiệu quả, giảm mạnh tội phạm…

Chủ tịch TP. HCM đề nghị Chính phủ quan tâm, xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị; xây dựng đề án tái cơ cấu tỷ lệ phân chia ngân sách, tỷ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn 2021-2025, tạo nguồn lực tương xứng và động lực mạnh mẽ hơn trong thời gian tới; xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế là kiến nghị tiếp theo của lãnh đạo Tp.HCM.

Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, rút ngắn việc tái định cư, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, kiến nghị  Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành phương án sử dụng đất sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Hải Phòng mong có cơ chế đặc thù

Theo ông Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, tăng trưởng GRDP của Hải Phòng đạt 16,68%, gấp 2,4 lần bình quân chung cả nước. Chỉ số phát triển công nghiệp, thu ngân sách, thương mại, du lịch, kim ngạch xuất khẩu, sản lượng hàng hóa qua cảng đều tăng trưởng rất cao.

Cùng với bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, trong 4 năm qua Hải Phòng đã ban hành một số cơ chế, chính sách mang tính đặc thù của địa phương để thực hiện chính sách an sinh xã hội, nhằm cải thiện và nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân. Đó là, cơ chế về hỗ trợ 100% học phí cho học sinh các cấp, từ mầm non đến THPT; cơ chế về hỗ trợ gạch, xi măng cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, hộ nghèo để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở; cơ chế hỗ trợ xi măng để nhân dân tự xây dựng đường thôn xóm, đường nội đồng,… giúp cho số hộ nghèo tại Hải Phòng giảm nhanh từ 3,86% năm 2016, xuống còn 0,22% vào cuối năm 2019.

Thành phố Hải Phòng đề nghị Chính phủ cho phép ban hành các cơ chế đặc thù cho Hải Phòng sớm hơn, trong năm 2020, tạo điều kiện cho địa phương tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.

Đến tháng 6/2020 phải thực hiện thủ tục không giấy tờ

Báo cáo về kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, đã có chuyển biến rõ rệt. Năm 2019, Chính phủ đã ban hành 9 nghị định cắt giảm hơn 300 điều kiện kinh doanh, hơn 6.700 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.

 

04.jpg

"Tổng chi phí xã hội mỗi năm tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công, tương đương hơn 6.300 tỉ đồng", ông Dũng thông tin.

Về xây dựng chính phủ điện tử, ông Dũng cho hay 95/95 cơ quan nhà nước đã nhận văn bản điện tử, 64/94 bộ ngành, địa phương, cơ quan gửi nhận văn bản điện tử ở 3 cấp chính quyền. Ước tính, ngân sách tiết kiệm được khoảng 1.200 tỉ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, ông Dũng nêu có một số bộ ngành, địa phương chưa quan tâm xử lý văn bản điện tử. Thậm chí, có địa phương còn không chấp nhận văn bản có chữ ký số.

Để cải cách thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị trong năm 2020, các bộ, ngành cần lên kế hoạch cụ thể để cắt giảm các thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

"Nguyên tắc là ban hành một văn bản mới thì phải bãi bỏ tối thiểu một văn bản cũ và cắt giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, nhất là việc giảm ban hành các thông tư hướng dẫn của các bộ, cơ quan ngang bộ", ông Dũng nêu.

Nói về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thực tế có cải tiến nhưng vẫn chậm trễ, vẫn nhũng nhiễu.

“Đặc biệt, những vấn đề liên quan đến người dân, doanh nghiệp còn gây khó khăn rất nhiều, bị người dân kêu ca đến tai Chính phủ, đến tai Thủ tướng", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, giải pháp căn cơ là hạn chế người trực tiếp làm thủ tục để chống tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt. Do đó, Thủ tướng giao đến tháng 6/2020, cơ quan nhà nước và địa phương phải thực hiện thủ tục không giấy tờ.

"Không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế"

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, Thực tế này cũng đặt ra yêu cầu các cấp ngành cần năng động, chủ động hơn trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tránh tình trạng "biết rồi, để đó, nói mãi". Đặc biệt khi vẫn còn nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, hợp tác xã còn khó khăn, liên quan đến mặt bằng, nguồn lực, an ninh trật tự.

Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề đạo đức xã hội trong kinh tế thị trường, không chỉ thông điệp "không đánh đổi môi trường lấy kinh tế" mà ông còn yêu cầu thêm là "không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế". 

 

05.jpg

“Cho nên, tại Hội nghị, chúng ta nhấn mạnh nhiều về kinh tế là đúng, kinh tế phải phát triển mạnh mẽ bởi vì người ta thường nói là có thực mới vực được đạo nhưng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần quan tâm hơn đến môi trường sống, môi trường văn hóa và văn minh xã hội để cùng phát triển kinh tế mạnh mẽ”. Các trường hợp đạo đức xuống cấp thời gian qua khiến chúng ta đau lòng. Kinh tế phát triển nhưng đạo đức xã hội tốt đẹp, truyền thống bản sắc dân tộc phải được gìn giữ, hành vi ứng xử của mọi công dân phải văn minh và nhân văn, ngoài ra chúng ta nhấn mạnh kinh tế thị trường định hướng XHCN phải là môi trường tốt cho việc hình thành nên những doanh nhân có tinh thần dân tộc, biết tôn trọng cội nguồn, tuân thủ pháp luật, hòa ý chí của mình vào khát vọng dân tộc về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng. Cho nên, ý Đảng, lòng dân và tinh thần doanh nghiệp cùng với kinh tế, xã hội và môi trường đều là công thức “3 trong 1” của sự phát triển thịnh vượng và bền vững.

Theo đó, một là phải phải kế thừa và phát huy những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử hơn 30 năm đổi mới và kết quả toàn diện đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay. “Nếu dừng lại, thỏa mãn non thì không bao giờ thành công”.

Thứ hai là tăng cường đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Từ đồng lòng, đoàn kết ấy mà quyết tâm tiến công vào công việc được Đảng, Nhà nước giao.

Thứ ba, tranh thủ sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, động viên kịp thời của cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tin báo chí để tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Thứ tư, đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cùng với kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể trở thành lực lượng nòng cốt để nâng cao năng lực nội sinh. Đó là khoa học công nghệ, là kinh tế số, là phủ sóng 5G, đặc biệt phải có chủ trương, chính sách giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển.

Về một số định hướng chỉ đạo, điều hành năm 2020, Thủ tướng gợi ý, không ngừng đổi mới tư duy xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, tạo mọi thuận lợi cho người dân doanh nghiệp. Phải chỉ rõ điểm nào trong văn bản, chính sách còn vướng mắc, kìm hãm sự phát triển chứ không nói chung là thể chế pháp luật tồn tại bất cập.

Có cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh phân cấp gắn với đề cao trách nhiệm và kiểm soát quyền lực, nhất là đối với người đứng đầu và có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm. Thủ tướng cho rằng, có tình trạng một số tỉnh, bộ, ngành không giữ vững kỷ cương kỷ luật, cho nên chủ trương rất nhiều nhưng việc tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần chưa được bao nhiêu, thậm chí còn kiềm chế.

Còn gần một tháng nữa là Tết Nguyên đán, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là những ngành có chức năng và các địa phương không để thiếu hàng hóa phục vụ Tết, kể cả thịt lợn, không được để đẩy giá, làm ảnh hưởng đến lạm phát quý I. Lo đảm bảo cho mọi nhà, mọi người đều có Tết, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Cần lưu ý đảm bảo an ninh, trật tự an toàn cho người dân trong dịp Tết.

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top