hiều 18/7, dự phiên họp định kỳ của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn lắng nghe các ý kiến về chính sách tỉ giá, lãi suất...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phiên họp của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng chủ trì.
Theo Thủ tướng, 2 năm qua, kinh tế tăng trưởng tốt, trong đó 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng ở mức cao nhất trong 7 năm qua. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề đặt ra, những tháng gần đây xuất hiện một số bất cập gây nhiều lo ngại.
“Tôi muốn nghe thêm ý kiến các chuyên gia độc lập phát biểu thẳng thắn về những vấn đề đặt ra về chính sách tài chính, tiền tệ để Chính phủ có kênh thông tin xử lý giải quyết kịp thời hơn”, Thủ tướng nói và đánh giá Hội đồng là một kênh thông tin hữu ích.
Trao đổi với các thành viên Hội đồng, Thủ tướng khẳng định tiếp tục kiên định các mục tiêu đề ra mà Đảng, Quốc hội đã giao Chính phủ điều hành, không điều chỉnh mục tiêu kế hoạch năm 2018, cho nên, các cấp, các ngành cần nỗ lực đổi mới, cải cách thực sự, hoạt động hiệu quả hơn, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội.
Với tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn các thành viên Hội đồng đóng góp ý kiến xem Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nên có quyết sách gì, giải pháp gì mới để điều hành kinh tế-xã hội.
Với mức tăng trưởng như hiện nay và các kịch bản tăng trưởng thời gian tới, lạm phát như thế nào và đánh đổi là gì trong trước mắt, trung, dài hạn? Giải pháp nào để đạt được mục tiêu đề ra? Sức ép lạm phát lớn nên chúng ta phải sử dụng đồng bộ các công cụ như thế nào, thời điểm, liều lượng ra sao? Thủ tướng đặt vấn đề và dẫn lại số liệu CPI tháng 6 tăng mạnh, 0,61% so với tháng trước, tăng 2,22% so với tháng 12/2017 và tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Một vấn đề nữa Thủ tướng muốn nghe các ý kiến góp ý của Hội đồng là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và các đối tác khác tác động thế nào đến Việt Nam trong bối cảnh nước ta có trao đổi thương mại lớn với hai quốc gia này, nhất là về xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán, đầu tư nước ngoài… “Chúng ta tính toán xem có xảy ra chiến tranh tiền tệ không và đối sách của Việt Nam như thế nào” khi hiện nay có thông tin Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ khoảng 4%.
Thủ tướng cũng mong muốn lắng nghe các ý kiến về chính sách tỉ giá, lãi suất nên làm gì để vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hay các giải pháp để phát triển bền vững các thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.
“Chúng tôi cũng mong muốn các đồng chí đóng góp thêm về động lực tăng trưởng cụ thể là gì và giải pháp nào? Chúng ta cần chuẩn bị điều kiện gì để tận dụng cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0? Từng ngành, từng lĩnh vực nào cần chú trọng hơn trong chỉ đạo điều hành để tăng trưởng bền vững, trong đó, Chính phủ cần làm gì, doanh nghiệp, người dân cần làm gì?”, Thủ tướng bày tỏ và lấy ví dụ về một số lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin có sự phát triển mạnh thời gian qua.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Hội đồng tham mưu, tư vấn về các vấn đề, các khía cạnh, phương diện trong điều hành kinh tế vĩ mô, tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thêm lựa chọn cân nhắc trong chỉ đạo điều hành.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tại cuộc họp, một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần phát huy nội lực và thị trường trong nước; ổn định lãi suất, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, chứng khoán; đẩy mạnh cải cách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, giải phóng sức sản xuất, coi thể chế, chính sách là động lực tăng trưởng…
Ghi nhận các ý kiến phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một trong những kênh thông tin quan trọng để Chính phủ xem xét, quyết định một số chủ trương, biện pháp điều hành trên các lĩnh vực khi mà “quyết định một chủ trương nào đó, chúng ta nghe rất nhiều kênh thông tin, nhất là những nhà tư vấn, nhà khoa học, người có kinh nghiệm, để những giải pháp đó sát với thực tiễn, phù hợp với quy luật của sự phát triển”.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu không để tình trạng bị động, bất ngờ xảy ra đối với điều hành chính sách tiền tệ; không để mất đà tăng trưởng. Nhà nước sẵn sàng can thiệp những lĩnh vực cần thiết để bảo đảm đất nước phát triển ổn định. Đến nay, chưa đặt vấn đề điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào, kể cả chỉ tiêu lạm phát.
Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi, hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ cho các thành viên Hội đồng.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.