Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 6 năm 2019 | 16:17

Không ngồi chờ, Hà Nội khẩn trương triển khai phòng, chống lụt, bão

Dự báo, năm 2019, tiếp tục là năm có thời tiết diễn biến phức tạp. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đang khẩn trương triển khai công tác phòng chống bão, lũ, giảm thiệt hại tối đa cho nhân dân.

tr16.JPG

 Kiểm tra rạn nứt đê sông Cầu, đoạn qua huyện Sóc Sơn.

 

Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, diễn biến phức tạp, bất thường. Còn nhớ, cơn bão số 3, số 4 năm 2018, hoành hành nhiều ngày liền tại các huyện ngoại thành Hà Nội, nặng nhất là Chương Mỹ, phải sơ tán nhân dân. Chưa kể, nhiều đoạn đê sông Cầu, sông Bùi  thuộc địa phận Hà Nội, phải duy tu, sửa chữa thường xuyên.

Khắc phục sự cố đê sông Cầu

Hà Nội là địa phương có nhiều đê điều, phần lớn tồn tại hàng thế kỷ nay. Đặc biệt, khi đất nước mở cửa, thông thương đi lại, xây dựng kiến thiết nhiều, việc xe trọng tải quá khổ, quá tải, lưu hành trên đê ngày càng gia tăng; khiến mặt đê rạn nứt, xuống cấp, phải tu sửa thường xuyên là điều không tránh khỏi. 

Ông Nguyễn Văn Bảo, Hạt trưởng Hạt quản lý đê số 7, từ Km 25 + 600 đến Km 25 + 750, đê Hữu Cầu (xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn), cho biết, tháng 3/2018, khi mực nước sông Cầu đang ở báo động số 1, qua kiểm tra, thấy ½ mặt đê (phía bờ sông), lún xuống 30cm. Đến cuối năm 2018, lún sâu hơn 1m, diễn biến ngày càng phức tạp.

Từ thực tế trên, thành phố yêu cầu huyện Sóc Sơn cấm xe cơ giới đi qua đê, lực lượng công an túc trực 24/24 giờ ở 2 đầu, suốt 3 tháng 9-10-11 năm 2018. Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT, Trưởng ban Phòng chống Lụt bão Hà Nội, đích thân đi kiểm tra; giao Ban duy tu các công trình nông nghiệp - PTNT làm chủ đầu tư, xử lý cấp bách sự cố trên.

Ngay sau đó, ông Đinh Công Sơn, Giám đốc Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và PTNT, đã cùng với Trường Đại học Thuỷ lợi tiến hành khoan, khảo sát, đánh giá, tìm phương án khắc phục. Cuối cùng, đi đến thống nhất, phải bóc lớp đất yếu đến cao trình + 8,5m (nghĩa là phải bóc đi 2m đất mặt đã yếu), đắp lại bằng đất tốt. Đồng thời, tiến hành đắp cơ phản áp hạ lưu (chân đê).    

Đầu năm 2019, toàn bộ sự cố lún sụt mặt đê hữu cơ nói trên được giao cho Công ty Xây dựng Quang Minh thi công cấp bách. Hiện, Công ty đã đắp đến cao trình + 10,1m, và rải đá vây trên mặt đê, đảm bảo giao thông đi lại. Mặt khác, phần cơ đê hạ lưu phải đắp chân rộng hơn mới đảm bảo an toàn, vì vậy, phải giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 3.000m2 đất nông nghiệp của xã Bắc Phú. 

“Hiện, phần cơ đê hạ lưu đang chờ GPMB để tiếp tục thi công. Đề nghị các đơn vị liên quan sớm bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công, sớm hoàn thành phần việc còn lại, đảm bảo an toàn đê trước mùa mưa, lũ 2019. Dự kiến, cuối năm 2019, sẽ rải bê tông, hoàn trả mặt đê như cũ”, ông Bảo nói. 

Ngoài tuyến đê sông Cầu, Ban duy tu còn được giao 11 dự án cần xử lý cấp bách tại tuyến đê sông Bùi, thuộc địa phận huyện Chương Mỹ với tổng chiều dài 16,34km, tổng kinh phí khái toán theo phương án xử lý cấp bách khoảng 219 tỷ đồng. Trong đó, 1 dự án đã hoàn thành 100%, 5 dự án trên 60%, dự kiến hoàn thiện từ 30/6 -15/7.  Các dự án còn lại, sẽ xử lý từ nay đến 15/8/2019.

“Rốn lũ” Chương Mỹ trước mùa mưa

Mùa mưa, lũ năm 2019 sắp đến, nhưng người dân Thủ đô vẫn chưa giải quyết hết thiệt hại do 2 trận bão, lũ liên tiếp đổ vào “rốn lũ” Chương Mỹ, năm 2017 và 2018, khiến địa phương ngập chìm trong biển nước nhiều ngày liền.

Theo đó, năm 2017 có 19.125m đê bị ngập; 4.136m bị sạt lở; 356 cầu cống bị cuốn trôi; 17.443m kênh mương hư hỏng, bồi lấp 43.730m đường giao thông nông thôn (GTNT); 15.342m đường GTNT bị sạt lở, hư hỏng; 22.300m đường giao thông nội đồng (GTNĐ) bị sạt lở; 3 trạm biến thế bị ngập, hư hỏng; 4 cột điện đổ. Chưa kể còn nhiều công trình, trường học, nhà văn hoá bị đổ nát, cuốn trôi.  

Năm 2018, đê sông Bùi ngập 25.605m; đoạn đê bị sạt lở 9.415m; 51 cầu cống, phai đập hư hỏng; 9.825m kênh mương bị bồi lấp, hư hỏng; 42.630m đường GTNT bị ngập; 17.398m đường GTNT sạt lở, hư hỏng; 72.480m đường GTNĐ bị ngập; 13.710m đường GTNĐ sạt lở.

Đặc biệt, có 42 thôn, xóm ngập chìm trong biển nước nhiều ngày liền; 280m2 nhà, công trình dân sinh sập, đổ. 2.842 hộ ngập 0,5 - 2m; 708 hộ bị ngập lối đi; có  6.097 người phải sơ tán; 1.734m tường bao sập đổ; chuồng trại ngập chìm 83.758m2; chuồng trại hư hỏng 15.000m2.  Ước thiệt hại 278,7 tỷ đồng, hiện vẫn còn nhiều hạng mục huyện Chương Mỹ chưa khắc phục, xử lý xong.

Các nhà khoa học cảnh báo, tố lốc, mưa đá, giông sét, nắng nóng khủng khiếp, nhiều trận lũ lụt có thể xuất hiện trong năm nay. Tính đến hết tháng 2/2019, lượng mưa đo được tại thị trấn Chúc Sơn là  27,0mm (cùng kỳ này năm 2018 không có mưa).

Hiện, hệ thống đê điều ở Chương Mỹ bị lún nhiều, không đảm bảo thiết kế, một số cống dưới đê bị hư hỏng, thẩm lậu. Các trạm bơm hiện có phần lớn chưa đảm bảo năng lực tiêu úng so với lượng mưa trên 250mm/trận. Các tuyến kênh tiêu bị sạt lở, bồi lắng, hoặc bị đăng chặn làm cản dòng chảy. Trong khi việc tiêu nước đòi hỏi nhanh, khẩn trương vì khả năng chịu ngập của lúa, hoa màu kém. 

Vùng bán sơn địa (vùng hữu Bùi) còn nhiều khu chưa có công trình tiêu chủ động, một số tuyến đê bao, đê hữu Bùi bị sạt lở, chưa được nâng cấp, sản xuất phần lớn vẫn phụ thuộc thiên nhiên. Những vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi chưa được xử lý dứt điểm.

Chương Mỹ đang kiểm tra, đánh giá chất lượng đê điều, thuỷ lợi trước mùa mưa lũ. Tập trung thi công, tu bổ đê, công trình thuỷ lợi đã được thành phố và huyện phê duyệt, đảm bảo chất lượng, yêu cầu kỹ thuật. Kiểm kê, bổ sung vật tư dự trữ cần thiết cho việc xử lý tại chỗ. Đồng thời, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai và Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi  

Ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, cho biết: “Huyện đã kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp, các tiểu ban theo quy định. Phân công, gắn trách nhiệm cụ thể của mỗi cấp ngành với từng đoạn đê, công trình trọng điểm. Tổ chức tổng kiểm tra cơ sở vật chất, việc phòng chống thiên tai; giải toả vi phạm làm ảnh hưởng việc tiêu, thoát nước. Hoàn thiện, bổ sung cống và thay cống sau dồn điền đổi thửa.

Tổ chức tập huấn cho lực lượng canh đê, xung kích... và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; hiệp đồng tác chiến với các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn để cùng ứng phó. Đồng thời, chủ động nguồn ngân sách nhất định; các xã, thị trấn chủ động nguồn ngân sách dự phòng, để giải quyết khi có tình huống xấu. Duy trì trực 24/24 giờ tại các Văn phòng Phòng, chống thiên tai giờ cao điểm”.

“Không ngồi chờ lũ”

Mùa bão năm nay có khả năng hoạt động muộn hơn so trung bình nhiều năm (TBNN), số cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông khả năng thấp hơn so TBNN, khoảng 8 - 11 cơn; TBNN 12 - 13 cơn.

Trong đó, bão và ATNĐ ảnh hưởng đến Việt Nam khoảng 4 - 5 cơn (TBNN: 5 - 6 cơn). Riêng Hà Nội, có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp 1-2 cơn bão, hoặc ATNĐ, thời gian ảnh hưởng từ tháng 7-9.  

Để phòng, chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, cập nhật, xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện phương án phòng, chống, ứng phó, đặc biệt là khắc phục hậu quả, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) phù hợp từng địa phương.

Tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng hồ đập, đê điều, cơ sở hạ tầng; công trình phòng chống thiên tai (PCTT), chủ động sửa chữa sự cố hư hỏng. Hoàn thiện cơ chế, triển khai thu, quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai Thành phố hiệu quả. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng lực Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp. Nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai; năng lực ứng phó, xử lý khi có thiên tai   

Mặt khác, chú trọng công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn, diễn tập, nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT và TKCN. Duy trì trực ban 24/24 giờ để theo dõi, tham mưu kịp thời biện pháp phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và TKCN.

Trao đổi với chúng tôi,  ông Chu Phú Mỹ cho biết: “Sở đã xây dựng phương án, kế hoạch, tổ chức lực lượng, phương tiện; trang thiết bị vật tư, sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Đồng thời, chủ động phối hợp với đơn vị liên quan, các sở, ngành, địa phương, tổ chức ứng phó sự cố đê điều, công trình thuỷ lợi và phục hồi sản xuất”.

Đồng thời, ông Chu Phú Mỹ đề xuất Chính phủ và các bộ ngành sớm bố trí ngân sách Trung ương hỗ trợ các công trình, nhằm xoá bỏ trọng điểm phòng, chống lụt bão như: Xử lý tổng thể khu vực cửa vào sông Đuống, xã Xuân Canh (Đông Anh); Dự án nạo vét sông Nhuệ, sông Đáy. Luật Đê điều sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2019, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm có định hướng để địa phương thực hiện.

Việc tiêu nước khu vực Ngũ Huyện Khê ra sông Đuống, qua cống Long Tửu, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo xử lý tiêu ra sông Đuống (trường hợp cần thiết). Đồng thời, đề nghị công an các tỉnh giáp ranh, có chung hành lang tuyến sông với Hà Nội, phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, xử lý khai thác cát, sỏi trái phép, ảnh hưởng đến thoát lũ, nhất là tuyến Sông Hồng.

Chỉ đạo và phát biểu tại buổi kiểm tra thực hiện Chương trình 02 - CTr/TU tại Chương Mỹ đầu mùa mưa bão, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, bà Ngô Thị Thanh Hằng, cho biết: “Cần làm tốt công tác phòng, chống lụt, bão; những công trình của sở, yêu cầu chỉ đạo tốt, không ngồi chờ lũ lụt, thành phố sẽ đi kiểm tra khu vực đê sông Bùi. Đề nghị Trưởng Ban 02 không để dân sống trong cảnh lũ lụt. Trong tháng 6 phải triển khai ngay công tác phòng chống lũ lụt của Chương Mỹ”.

 

 

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
Top