Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 7 năm 2016 | 12:31

Khu du lịch Tam Chúc, điểm đến của du khách

Khu du lịch Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) cách thành phố Phủ Lý chừng 12km về phía Tây, trên Quốc lộ 21A tiếp giáp với Hòa Bình, Ninh Bình và  TP. Hà Nội; cách khu du lịch Hương Sơn (Hà Nội) khoảng 3km đường leo núi. Với lợi thế địa hình thiên nhiên độc đáo, Khu du lịch Tam Chúc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là khu du lịch trọng điểm quốc gia.

Hồ Tam Chúc - Hà Nam.

Khu du lịch Tam Chúc  có diện tích hơn 5.100ha, bao gồm: Khu lòng hồ Tam Chúc, Khu văn hóa tâm linh, Khu trung tâm đón tiếp nghỉ dưỡng, sân golf 36 lỗ; Khu cây xanh và dịch vụ ven hồ; Khu bảo tồn di tích và cảnh quan thiên nhiên.

Nơi đây là vùng ngập nước núi đá khá độc đáo, với phong cảnh nước non hùng vĩ, vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên, hữu tình. Từ trên cao nhìn xuống, Tam Chúc đẹp như một bức tranh thủy mặc khổng lồ với những đường nét hoàn toàn tự nhiên do tạo hóa sắp đặt. Tam Chúc còn được nhiều nhà phong thủy đánh giá là vùng đất địa linh bởi cái thế lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra hồ. Hồ Tam Chúc có diện tích mặt nước rộng tới 600ha, là hồ nước ngọt tự nhiên rộng nhất nước ta, nơi trú ngụ của các loài động vật hoang dã. Cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ, ba mặt được bao bọc bởi dãy núi Thất Tinh hình tay ngai, dưới hồ có 6 ngọn núi đá mọc lên từ mặt nước nên hồ còn có tên hồ Lục Nhạc. Thong thả du thuyền giữa lòng hồ, du khách vừa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp núi non kỳ vĩ, vừa nghe những câu chuyện đầy màu sắc huyền thoại đã từng gắn bó hằng trăm năm với những địa danh nơi đây, như: hồ Lục Nhạc, núi Thất Tinh, chùa Ba Sao, thung Vạc, hồ Tay Ngai…

Ba Sao gắn với truyền thuyết “Tiền Lục nhạc - hậu Thất Tinh”. Trên dãy núi 99 ngọn nằm ở phía Tây Nam hướng về chùa Hương có 7 ngọn núi gần làng Tam Chúc. Trước đây, cả 7 ngọn núi này đều xuất hiện một đốm sáng lớn tựa như 7 ngôi sao, sáng suốt đêm ngày. Ánh sáng lung linh từ trên cao rọi xuống một vùng rộng lớn. Dân làng gọi đó là núi “Thất Tinh” và ngôi chùa ở đây được gọi là chùa “Thất Tinh”. Sau đó, có người đến núi Thất Tinh đục đẽo, hòng lấy đi 7 ngôi sao đặc biệt đó. Họ chất củi thành đống lớn và đốt nhiều ngày khiến cho 4 ngôi sao bị mờ dần đi, cuối cùng chỉ còn lại 3 ngôi sao. Vì thế, chùa “Thất Tinh” sau này được đổi thành chùa “Ba Sao” và thị trấn Ba Sao cũng được lấy tên gọi từ tích ấy.

Tam Chúc nằm trong vùng in đậm dấu ấn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: động Vòng, động Cô Đôi, chùa Thiên Phúc, chùa Bà Đanh, đền Lý Thường Kiệt, chùa Thi, Động Thủy, động Lim, động Đề Yêm, đền Lê Chân, chùa Ông, chùa Tam Giáo, chùa Kiêu, chùa Vân Mộng... Điểm nhấn của khu du lịch Tam Chúc là khu tâm linh được quy hoạch trên diện tích 147ha ở sườn núi phía Tây. Trong đó, mặt bằng xây dựng chùa Ba Sao rộng 44ha, bao gồm các hạng mục: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, cổng Tam Quan kết hợp các tòa tháp (gồm 1 tháp cao 150m; 2 tháp cao 100m bố trí đăng đối). Nơi đây địa thế cao trên 40m so với mặt hồ. Theo con đường mòn lên sườn núi Thất Tinh, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng một pho tượng Phật khổng lồ nặng 200 tấn và là pho tượng bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á hiện nay.

Phần diện tích đất còn lại là triền đồi, núi thoải sẽ trồng cây xanh và rừng mơ đặc sản Hà Nam bao khu vực chùa.  Khu du lịch động Cô Đôi và chùa Thiên Phúc sẽ được trùng tu, tôn tạo và hoàn thành các công trình phụ trợ, bảo tồn các giá trị cảnh quan phù hợp với công trình di tích cổ. Xung quanh hồ sẽ thiết kế dải trồng cây xanh với chiều rộng 100m, đường đi dạo giữa cây xanh tạo thành một công viên khổng lồ bao quanh hồ. Khu bảo tồn di tích, rừng và cảnh quan thiên nhiên cũng đã được quy hoạch với diện tích 2.415ha.

Hiện nay, hệ thống giao thông kết nối Hà Nội và Hà Nam khá thuận lợi. Để phát huy tiềm năng liên kết vùng, UBND tỉnh Hà Nam đã quy hoạch hạ tầng kết nối khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao với chùa Bái Đính, chùa Hương; đầu tư hệ thống giao thông đối ngoại, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách trong và ngoài nước.

Theo kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Hà Nam, mục tiêu phấn đấu đến năm 2017 hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình cơ sở hạ tầng và một số công trình, dịch vụ chính đưa vào sử dụng như: Khu du lịch văn hóa tâm linh, khu dịch vụ lưu trú đón tiếp khách, khu vui chơi giải trí, sân golf. Sau năm 2017, các khu dịch vụ du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng cuối tuần và các công trình dịch vụ khác tiếp tục hoàn thành, mục tiêu thu hút 5,4 triệu lượt khách mỗi năm.

Mặc dù đang trong giai đoạn đầu tư nhưng Tam Chúc được đánh giá là một trong những khu du lịch đầy tiềm năng, là gạch nối giữa khu du lịch chùa Hương (Hà Nội) và quần thể du lịch Vân Long - Hoa Lư - Tam Cốc - Bích động - Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình), tạo thành quần thể khu du lịch sinh thái ngập nước.

Với mục tiêu quản lý, khai thác có hiệu quả các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, đồng thời bảo tồn giữ gìn cảnh quan môi trường sinh thái bền vững, trong thời gian không xa, khu du lịch Tam Chúc sẽ tạo sự đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.                             

P.V

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top