Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 12 tháng 8 năm 2020 | 1:9

Kon Tum: Bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm rừng nguyên sinh

Rừng nguyên sinh huyện Kon Plông là nơi có nhiều động vật quý hiếm trong sách đỏ cần được bảo vệ khẩn cấp.

Rừng nguyên sinh huyện Kon Plông là nơi sinh sống của nhiều động vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.

 

quy-89.jpg

 Chà vá chân xám tại Kon Plông. Ảnh: ĐT

 

Hiện, đã có nhiều  cấp, ngành cùng tổ chức bảo tồn, nghiên cứu động vật hoang dã đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ các loài động vật quý hiếm có nguy cấp bị tuyệt chủng cao

Từ năm 2015 đến nay, Tổ chức bảo tồn động thực vật Quốc tế Fauna & Flora International (FFI) đã cùng với Trung tâm Bảo tồn da dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), Viện nghiên cứu động vật hoang dã - Vườn thú Leibniz (IZW - Cộng hòa Liên bang Đức) tiến hành khảo sát chuyên sâu và có hệ thống tại các khu vực rừng nguyên sinh huyện Kon Plông.

Kết quả cho thấy, rừng nguyên sinh Kon Plông có giá trị đa dạng sinh học rất lớn, với nhiều động vật hoang dã quý hiếm như: quần thể khoảng 500 cá thể chà vá chân xám (loài linh trưởng được xếp hạng cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ thế giới-IUCN).

Hơn 100 cá thể loài vượn đen má vàng Trung bộ (nguy cấp); các loài: gấu ngựa (sắp nguy cấp), rái cá vuốt bé (sắp nguy cấp), cầy vằn (nguy cấp), cu li nhỏ (nguy cấp) và các loài chim đặc hữu của Việt Nam và khu vực như: hồng hoàng (sắp nguy cấp), khướu Ngọc Linh (nguy cấp)…

Trong những năm qua, huyện Kon Plông cùng các tổ chức bảo tồn, nghiên cứu động vật hoang dã đã nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và tổ chức các hoạt động bảo tồn động vật nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn.

Ông Trương Minh Trung - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông cho hay, đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với các xã trên địa bàn để tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng; bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã quý hiếm, đặc biệt là loài chà vá chân xám.

Tổ chức tuần tra, truy quét, tháo, gỡ các loại bẫy, đồng thời thường xuyên truy quét đối tượng khai thác lâm sản trái phép, săn bắt, tàng trữ, mua bán các loài động vật hoang dã trên địa bàn, nên đã hạn chế được tình trạng người dân vào rừng săn bắt động vật hoang dã. 

Xã Đăk Tăng là 1 trong 4 xã có số lượng cá thể chà vá chân xám đang sinh sống nhiều nhất huyện. Vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm, được chính quyền và cộng đồng thực hiện với trách nhiệm cao.

Ông A Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng cho biết: Xã tích cực phối hợp với kiểm lâm, Lâm trường Măng Bút, Lâm trường Măng Cành 2 thường xuyên xuống tận thôn, làng tuyên truyền, vận động người dân  bảo vệ rừng.

Xã đã thành lập Câu lạc bộ bảo vệ động vật hoang dã, tổ chức các hoạt động truyền thông đến người dân, nhằm tạo sự đồng thuận, chung tay bảo vệ rừng, gìn giữ môi trường sống cho động vật hoang dã, nhất là động vật quý hiếm như chà vá chân xám… 

Mặc dù đã được ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân tích cực làm tốt công tác bảo tồn động vật hoang dã, nhưng các loài động vật này, vẫn có nguy cơ đối mặt với nhiều mối đe dọa khác.

Vì vậy, với hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam, Tổ chức FFI đang hỗ trợ tích cực cho tỉnh Kon Tum, nhằm thúc đẩy để sớm thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên tại huyện Kon Plông.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học, gắn với phát triển sinh kế bền vững, có sự tham gia của các sở, ban, ngành trong tỉnh và đại diện các Khu bảo tồn các tỉnh lân cận để chia sẻ kinh nghiệm.

Đồng thời, thảo luận xây dựng kế hoạch bảo tồn tổng thể mang tính thực tế và bền vững công tác bảo vệ rừng, và động vật hoang dã quý hiếm tại Kon Plông.

Qua đó, nhiều đại biểu cho rằng việc thành lập một Khu bảo tồn thiên nhiên tại đây là hết sức cần thiết và cấp bách.   

Gia Lai: Hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững

Theo đó, huyện Chư Sê (Gia Lai) đã  hỗ trợ hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.

   

de-33.jpg

Vợ chồng anh Đinh Reo đang chăm sóc đàn dê. Ảnh: Đinh Yến

 

Xã Bar Măih có 90% là đồng bào DTTS. Cùng với việc giải quyết đất sản xuất, đất ở, vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng KHKT  vào sản xuất, xã đã hỗ trợ 120 hộ đồng bào DTTS nghèo chuyển đổi 31,93 ha cà phê già cỗi sang trồng khoai lang Nhật và chuối lùn hiệu quả cao.

Chính quyền xã còn xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân về tiêu thụ sản phẩm, ổn định đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm. 

Ông Đinh Reo HTX Nông nghiệp Bar Măih-cho biết: Trước đây, kinh tế gia đình phụ thuộc vào  hồ tiêu, nhưng hồ tiêu chết, mất giá, thu nhập giảm sâu.

Đầu năm 2020, được HTX hỗ trợ 8 con dê giống, ông tích cực phát triển được 17 con. “Hiện, mình đang vay vốn ưu đãi 200 triệu đồng, trồng 10 ha chuối lùn. Hy vọng đàn dê và dự án trồng chuối mang lại hiệu quả ổn định”-ông Reo nói.

Còn ông Đinh Khanh chia sẻ: “Gia đình tôi tiên phong chuyển đổi diện tích đất trồng lúa rẫy kém hiệu quả, sang trồng chuối lùn, bình quân mỗi tháng thu 5-6 triệu đồng”.

Từ chỗ độc canh cà phê, hồ tiêu, người dân Chư Sê đã chuyển sang trồng khoai lang, chuối lùn, cây ăn quả, cây dược liệu, nấm... cho thu nhập ổn định.

Bà Lê Thị Ngọc-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Sê-cho biết: Đơn vị phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao như: trồng rau trong nhà kính, cây dược liệu, trồng chuối lùn, trồng nấm...

Trong 5 năm qua, Chương trình giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ các xã, thị trấn triển khai dự án với tổng kinh phí 41,906 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay ưu đãi với tổng dư nợ trên 64,4 tỷ đồng. 

Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá: Các chương trình của Nhà nước, cùng với vốn vay ưu đãi, bình quân 16-25 triệu đồng/hộ, đã giúp hộ nghèo sản xuất, mở rộng kinh doanh dịch vụ, nâng chất lượng cuộc sống. Góp phần ngăn chặn tình trạng vay nặng lãi ở nông thôn, nhất là đồng bào DTTS. 

Để phát huy vốn, huyện đã xây dựng, nhân rộng  mô hình sản xuất hàng hóa; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn chi tiêu tiết kiệm cho hộ nghèo, cận nghèo. Huyện còn hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm xuất khẩu lao động, để tăng thu nhập cho người nghèo.

Nhờ đó, sau 5 năm, đã giảm 4.727 hộ nghèo, bình quân mỗi năm 3,6%. Nếu năm 2016, thu nhập bình quân hộ nghèo 7,86 triệu đồng/người/năm; cận nghèo 8,95 triệu đồng/người/năm. Dự kiến, cuối năm 2020, hộ nghèo ước đạt 9,36 triệu đồng/người/năm, cận nghèo 12,57 triệu đồng/người/năm.

“Thời gian tới, Chư Sê tiếp tục rà soát đánh giá chính xác số hộ nghèo, cận nghèo cùng các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ để lồng ghép, phối hợp thực hiện hiệu quả hơn. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân”, bà Lê Thị Ngọc xác định.

Đắk Nông: Lập nghiệp với mô hình nuôi dúi trong nhà

Cách đây 3 năm, anh Nguyễn Xuân Thành, ở khối 2, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) đã chọn nuôi dúi khởi nghiệp. Đến nay, mô hình đã mang lại hiệu quả cao, có địa chỉ tiêu thụ ổn định, thu nhập cao.

 

dui-29.jpg

Nhờ chăm sóc tốt, dúi phát triển nhanh, khoảng 1- 2 kg sẽ xuất bán

 

Qua tìm hiểu trên báo chí, tham quan mô hình nuôi dúi, năm 2017, anh Thành bỏ vốn hơn 15 triệu đồng mua dúi về nuôi. Anh xây chuồng theo hình thức ô vuông 50 cm x 50 cm bằng gạch men, bảo đảm độ trơn để dúi không leo ra ngoài được.

Chuồng được xây trong hiên nhà, tránh ánh sáng trực tiếp, thuận tiện  chăm sóc cả ngày lẫn đêm. Từ 15 cặp dúi giống, anh đã cho phối để nhân rộng số lượng đàn

Dúi là loài gặm nhấm, thức ăn là thân tre nứa, hạt ngô, thân mía, cỏ voi… nên anh tận dụng để giảm chi phí. Nhờ hiểu đặc tính của dúi nên không mất công chăm sóc, chi phí thấp; dúi không cần uống nước nên khá sạch sẽ.

Theo anh Thành, so các vật nuôi khác dúi rất ít bệnh, dễ chăm sóc, sức đề kháng tốt. Dúi con nuôi được 6 - 7 tháng  có thể ghép đôi để giao phối. Thời gian sinh sản của dúi ngắn, từ khi giao phối đến sinh sản 45 ngày.

Dúi nuôi được 45 ngày thì tách mẹ nuôi thành dúi thịt. Sau 3 tháng có thể xuất bán được, mỗi năm dúi mẹ sinh sản 3 - 4 lứa, mỗi lứa 2 – 5 con.

Để dúi phát triển tốt, phải thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại. Mùa hè nên phun sương, có thêm quạt điện để làm mát, mùa đông phải bảo đảm kín gió.

Hiện, khu nuôi dúi rộng 100m2 của anh Thành duy trì thường xuyên hơn 300 con. Không gian thoáng mát, sạch sẽ, không có mùi hôi. Thịt dúi là đặc sản, được nhiều người ưa thích nên giá tương đối cao, ổn định.

Giá dúi thịt 650.000 đồng/kg, dúi giống 1 – 2 triệu đồng/cặp. Đầu ra chủ yếu ở địa phương và TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Cần Thơ… Mỗi tháng, anh Thành có thu nhập thường xuyên từ 20 – 40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí.

Theo anh Thành, mặc dù nuôi dúi khá đơn giản nhưng phải chuyên tâm, chăm sóc, theo dõi thường xuyên. Đặc biệt là tách đàn dúi con, ghép đôi bố mẹ phải phù hợp, tránh làm gián đoạn vòng sinh sản của dúi mẹ.

Thức ăn cũng phải bảo đảm liên tục, để phù hợp với đặc tính của loài dúi. Chuồng phải khô ráo, không ẩm ướt, tránh mắc bệnh tiêu chảy. Người nuôi cần thường xuyên quét dọn, xử lý phân thải, thức ăn cũ thừa, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Cần chú ý hai loại bệnh thường gặp là đường ruột và hô hấp cho dúi…

Do đầu ra ổn định anh còn thu mua dúi của các hộ bán ra thị trường. Vừa cung cấp giống, anh vừa theo dõi, giúp bà con chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, nhân giống dúi để có sản phẩm tốt xuất ra thị trường.

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top