Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 17 tháng 6 năm 2018 | 20:48

Kỳ họp Đại hội đồng GEF lần thứ 6 sẽ diễn ra tại Đà Nẵng

Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (Kỳ họp Đại hội đồng GEF6) và các sự kiện liên quan sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng trong 7 ngày (23-29/6).

GEF tài trợ cho Việt Nam 15 triệu USD để giả quyết các vấn đề về hóa chất và chất thải…

Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 có sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu, bao gồm các bộ trưởng phụ trách môi trường và các quan chức cấp cao khác từ 183 quốc gia thành viên, cùng lãnh đạo các cơ quan Liên hợp quốc, các ngân hàng phát triển khu vực, các tổ chức chính trị - xã hội và lãnh đạo doanh nghiệp, để cùng chia sẻ ý tưởng, giải pháp và hành động cần thiết hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường toàn cầu. 

Đặc biệt, Kỳ họp còn có sự tham dự của Thủ tướng chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương và địa phương; các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học; các doanh nhân đang hoạt động hoặc quan tâm đến đầu tư trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường của Việt Nam. 

th1.jpg
TP. Đà Nẵng sẽ đăng cai tổ chức Kỳ họp Đại hội đồng GEF lần thứ 6. Ảnh tuoitre.vn

 
Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 được tổ chức với các chuỗi sự kiện bao gồm: Phiên họp Đại hội đồng GEF6; Phiên họp của Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF); Phiên họp bàn tròn cấp cao (14 phiên); Diễn đàn và các cuộc họp của các tổ chức chính trị - xã hội; các cuộc họp kỹ thuật của các cơ quan thuộc GEF (17 cuộc họp); các sự kiện bên lề (khoảng 70 sự kiện), các gian hàng triển lãm; tham quan thực địa các dự án do GEF tài trợ. 

Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 sẽ xem xét, phê chuẩn các định hướng giải pháp cho các vấn đề môi trường toàn cầu hiện nay, xây dựng và tăng cường các mối quan hệ hợp tác chiến lược đầu tư, đồng thời phê duyệt, phân bổ nguồn lực cho các dự án môi trường trong chu kỳ 7 (giai đoạn 2018-2022). 

Đến nay đã có gần 30 quốc gia cam kết dành 4,1 tỷ USD cho chu kỳ 7 của GEF (GEF7), nhằm mục đích bảo vệ tốt hơn nữa tương lai của hành tinh và sức khỏe con người. 
Việc Việt Nam được lựa chọn làm quốc gia đăng cai tổ chức Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 khẳng định vai trò chủ động, tích cực và vị thế của Việt Nam trong GEF, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, trong công cuộc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, trong đó có việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. 

Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 còn truyền đi thông điệp, quảng bá đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững, đặc biệt trong việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về môi trường mà Việt Nam là thành viên. 

Ngoài ra, Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 là cơ hội để Việt Nam tăng cường, thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương và đa phương, đồng thời tìm kiếm các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực: ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, hóa chất, suy thoái đất, vùng nước quốc tế, quản lý rừng bền vững; giới thiệu, quảng bá du lịch, văn hóa, danh lam, thắng cảnh và con người Việt Nam. 

Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) được thành lập năm 1991 nhằm giải quyết các vấn đề môi trường nóng trên phạm vi toàn cầu. Từ khi thành lập, GEF đã viện trợ 14,5 tỉ USD và huy động thêm 75,4 tỉ USD cho gần 4.000 dự án về môi trường.

Với 183 quốc gia thành viên, GEF là tổ chức tài chính độc lập, cung cấp nguồn vốn công lớn nhất trên thế giới cho các dự án về môi trường. Hiện GEF hỗ trợ tài chính để thực hiện các dự án liên quan tới các lĩnh vực trọng tâm: bảo tồn đa dạng sinh học; biến đổi khí hậu; các vùng nước quốc tế; suy thoái đất; hóa chất và chất thải; quản lý rừng bền vững và tiếp cận tổng hợp. 

Việt Nam là một trong những thành viên sớm gia nhập GEF (5/12/1994), đã và đang chủ động, tích cực triển khai các chính sách đổi mới của GEF như xây dựng các dự án tổng hợp đa lĩnh vực, tham gia có hiệu quả các diễn đàn và các hoạt động đánh giá các dự án của GEF. Để điều phối các hoạt động hỗ trợ của GEF tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối GEF quốc gia. 

Kể từ khi hoạt động, GEF Việt Nam đã vận động tài trợ được 457,18 triệu USD để thực hiện 107 dự án về môi trường trong nhiều ngành, lĩnh vực và tại nhiều địa phương, đóng góp quan trọng và tích cực trong việc giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam nói riêng, giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu nói chung.

Trong đó có 56 dự án quốc gia với tổng kinh phí là 153,8 triệu USD và 47 dự án khu vực và toàn cầu với tổng tài trợ là 294 triệu USD. Ngoài ra còn có 4 dự án từ Quỹ Biến đổi khí hậu đặc biệt (SCCF) cho 2 dự án quốc gia, với tổng tài trợ khoảng 8 triệu USD và 2 dự án khu vực/toàn cầu với tổng tài trợ khoảng 1 triệu USD. 

Trong Chu kỳ 6 của GEF, Việt Nam được phân bổ hơn 26 triệu USD cho 3 lĩnh vực: Biến đổi khí hậu hơn 11 triệu USD, Suy thoái đất hơn 1,5 triệu USD và Đa dạng sinh học hơn 13 triệu USD.

Đến hết năm 2016, Văn phòng GEF Việt Nam đã đồng thuận 15 dự án với số kinh phí trong hệ thống phân bổ nguồn lực minh bạch (STAR) là 24,6 triệu USD, trong đó GEF toàn cầu đã đồng thuận 6 dự án với tổng số kinh phí trong STAR là hơn 18,8 triệu USD.

Trong Chu kỳ này, GEF còn tài trợ cho Việt Nam gần 15 triệu USD đối với các lĩnh vực hóa chất và chất thải, các vùng nước quốc tế, quản lý rừng bền vững, các cách tiếp cận tổng hợp.

1.800 học sinh, sinh viên hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới

Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2018 với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng và bỏ chất thải nhựa, nilon. Trường ĐH Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Bộ GD-ĐT đã tổ chức lễ mít tinh Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới.

Ông Lê Trọng Hùng, Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Bộ GD&ĐT đã đề nghị tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, nhận thức và trách nhiệm của các cán bộ, giảng viên, giáo viên và học sinh, sinh viên đối với công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng; quản lý tài nguyên, bảo vệ tài nguyên môi trường và tài nguyên môi trường biển, hải đảo; bảo tồn đa dạng sinh học; quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải, trong đó chú trọng đến việc xử lý rác thải nhựa.

Bên cạnh đó, PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ kêu gọi toàn thể công chức, viên chức, người lao động và học viên, sinh viên nhà trường hãy luôn nâng cao nhận thức về hậu quả của ô nhiễm chất thải nhựa; quan tâm truyền thông mạnh mẽ và chia sẻ trách nhiệm để cùng nhau bảo vệ môi trường; bằng những hành động cụ thể, thiết thực để cùng nhau thay đổi thói quen trong việc hạn chế sử dụng túi nilon, ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần cải thiện môi trường sống ngay từ bây giờ.

th2.jpg
Ông Lê Trọng Hùng, Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Bộ GD&ĐT tham gia trồng cây trong khuôn viên Trường ĐH Quy Nhơn. Ảnh dantri.vn

 

Đối với các em HS, SV ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường cần phải ý thức, tự giác trách nhiệm bảo vệ môi trường. Đồng thời, tích cực tham gia và làm tốt công tác tuyên truyền vận động người thân trong gia đình và cộng đồng xã hội thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng, giảm thiểu dùng các sản phẩm từ nhựa, nói không với nhựa dùng một lần và túi nilon.

“Về lâu dài, các em HS, SV cần quan tâm nhiều hơn đến ngành công nghiệp môi trường, nỗ lực học tập, tìm tòi nghiên cứu, có những ý tưởng sáng tạo trong khởi nghiệp theo hướng phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát môi trường…”, ông Mỹ nhấn mạnh.

Kết thúc buổi lễ, hơn 1.800 sinh viên cùng đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo nhà trường và cán bộ, giảng viên ra quân trồng cây xanh trong khuôn viên nhà trường, tham quan khu trưng bày các sản phẩm từ rác thải được các bạn sinh viên chế tạo ra.

Quảng Ngãi xây dựng hành lang an toàn bờ biển

Là một tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung bộ, Quảng Ngãi  có bờ biển dài hơn 130km, có nhiều dãy núi nhô ra biển hình thành các eo vịnh, đầm phá.

Với những nét đặc thù của vùng biển khu vực miền Trung, bờ biển Quảng Ngãi có đường bờ và địa hình đáy phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi các mũi đất và các đầm, vịnh.

Bên cạnh những lợi thế và tiềm năng to lớn từ biển mang lại thì vùng biển của Việt Nam nói chung cũng như vùng biển của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng đang chịu nhiều tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ra. Ngoài sự chịu tác động của tự nhiên, vùng bờ Quảng Ngãi vẫn đang tồn tại nhiều bất cập trong việc quy hoạch, phát triển kinh tế bền vững.

Đó là ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường của cộng đồng dân cư, các tổ chức, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay, dọc bờ biển, Quảng Ngãi có 3 vùng quy hoạch lớn gồm: khu kinh tế Dung Quất với việc quy hoạch các cụm cảng, khu công nghiệp, đô thị và du lịch; khu thành phố Quảng Ngãi chủ yếu qui hoạch đô thị, khu du lịch và khu phát triển nghề cá và các dịch vụ hậu cần nghề cá.

Thực tế, hiện, Quảng Ngãi cũng như hầu hết các địa phương trong cả nước, vùng bờ biển hiện đang bị chồng lấn nhiều lợi ích giữa các ngành trong cùng một địa phương (du lịch, cảng biển, nuôi trồng, đánh bắt hải sản…). Đơn cử như việc phát triển du lịch đồng nghĩa với sự gia tăng lượng khách du lịch, tăng cường hoạt động xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, gia tăng nhu cầu sử dụng các giá trị tài nguyên thiên nhiên như: các nguồn nước, cảnh quan tự nhiên, bãi biển, hồ nước...

Song song với phát triển du lịch, phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Quảng Ngãi trong quá trình phát triển kinh tế. Tại khu vực khu kinh tế Dung Quất đã có một số ngành công nghiệp chính phát triển là công nghiệp lọc hóa dầu, hóa chất, công nghiệp gia công kim loại, đóng tàu biển....

Các khu kinh tế, khu công nghiệp nói chung đều ở các vị trí thuận lợi, gần biển, ưu đãi về thiên nhiên và tài nguyên, nhưng ảnh hưởng khá lớn đến môi trường và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp và cuộc sống của người dân ở những vùng xung quanh…

th3.jpg
Hệ thống cảng biển tại KKT Dung Quất là lợi thế lớn cho việc phát triển công nghiệp của Quảng Ngãi. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN



Để giải quyết bài toán này, Quảng Ngãi đã và đang tiến hành xây dựng dự thảo thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển được nhiều nhà nghiên cứu, quản lý thống nhất. Theo đó, dự thảo này sẽ hình thành một vùng đệm giữa khu vực phát triển ven bờ với nước biển nhằm góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đặc biệt, dự thảo này sẽ tính toán, các khu vực dọc bờ biển cần thiết lập khoảng cách (hay chiều rộng) của hành lang bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển và bảo vệ hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên trong khu vực. Người dân sống ở vùng giáp biển sẽ có nguồn sinh kế phụ thuộc vào biển có quyền được tiếp cận với biển một cách dễ dàng không bị hạn chế, cản trở bởi các hoạt động kinh tế khác như du lịch, công nghiệp...

 

 

PV. (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top