Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 11 năm 2021 | 10:34

Kỷ niệm 190 năm Ngày thành lập tỉnh Tuyên Quang

Ngày 4/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tuyên Quang, diễn ra Lễ kỷ niệm 190 năm Ngày thành lập tỉnh Tuyên Quang (04/11/1831 - 04/11/2021), 30 năm tái lập tỉnh Tuyên Quang (1991-2021) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh uỷ Tuyên Quang, cho biết, Tuyên Quang là vùng đất có lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời. Địa danh Tuyên Quang lần đầu tiên xuất hiện trong thư tịch cổ vào thời nhà Trần với tên gọi Lộ Tuyên Quang. Thời nhà Hồ gọi là Trấn Tuyên Quang. Năm 1466, vua Lê Thánh Tông chấn chỉnh cơ cấu hành chính Nhà nước đổi thành Thừa tuyên Tuyên Quang.

Tháng 11 năm 1831, vua Minh Mệnh tiến hành cải cách bộ máy hành chính, chia định địa hạt, từ Quảng Trị trở ra thành 18 tỉnh, trong đó có tỉnh Tuyên Quang. Tuyên Quang chính thức trở thành một tỉnh của Nhà nước Việt Nam. Ngày 4 tháng 11 năm 1831 được chọn làm ngày thành lập tỉnh Tuyên Quang.

 Toàn cảnh buổi lễ.

 

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang là nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ ở và lãnh đạo cuộc Cách mạng của dân tộc; là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, quyết định vận mệnh của dân tộc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang cùng với Đảng bộ, nhân dân các tỉnh an toàn khu luôn làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Tuyên Quang, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, 13 trong tổng số 14 bộ, cơ quan ngang bộ và hơn 60 cơ quan Trung ương đã đóng trụ sở làm việc trong những năm tháng hào hùng đó.

Hòa bình lập lại, Tuyên Quang và Hà Giang được sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Sau 16 năm hợp nhất, ngày 1/10/1991, tỉnh Tuyên Quang được tái lập. Qua 30 năm tái lập tỉnh, Tuyên Quang đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, với nền tảng kinh tế - xã hội phát triển vững chắc. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.

So với năm 1991, năm 2020 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tăng 30 lần; thu ngân sách tăng gần 30 lần; quy mô, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 220 lần. Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển mạnh, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung có hiệu quả kinh tế cao được hình thành với giá trị sản xuất bình quân đạt 96 triệu đồng/ha đất trồng trọt.

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại buổi lễ.

 

Tiêu biểu là vùng trồng cam trên 8.000 ha, chè 8.000 ha, lạc trên 4.000 ha, trên 180.000 ha rừng trồng sản xuất gỗ nguyên liệu và các chuỗi liên kết chăn nuôi, tạo nền móng cho phát triển công nghiệp chế biến, góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân. Kinh tế du lịch phát triển tích cực, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Hết năm 2021, sẽ có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đến nay, 100% số xã và 99% thôn, bản có đường ô tô; trên 97 % đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã được nhựa hoá. Với phương thức "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ", từ năm 2011-2020, toàn tỉnh bê tông hóa trên 4.200km đường giao thông nông thôn. 100% xã, phường, thị trấn có kết nối internet; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 98%. Hạ tầng đô thị được quan tâm phát triển, thành phố Tuyên Quang được công nhận là đô thị loại II, trung tâm 06 huyện đều đạt tiêu chuẩn đô thị loại V….

Dự và phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho biết: Tuyên Quang là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, lịch sử lâu đời, có vị trí chiến lược quan trọng của Tổ quốc. Trong tiến trình phát triển, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã xây đắp, gìn giữ, lưu truyền những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, anh dũng, kiên cường, góp phần làm rạng danh trang sử hào hùng của dân tộc ta.

Ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh uỷ Tuyên Quang phát biểu tại buổi lễ.

 

Địa danh Tuyên Quang đã gắn với những sự kiện trọng đại, mốc son chói lọi của lịch sử cách mạng nước ta. Những năm đầu cách mạng, Trung ương Đảng, Bác Hồ đã chọn Tuyên Quang làm Thủ đô Khu Giải phóng, trung tâm căn cứ địa cách mạng của cả nước, nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, có ý nghĩa quyết định thành công của Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Bước vào giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là sau 30 năm tái lập tỉnh, từ tỉnh thuần nông, xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, đời sống nhân dân nhiều khó khăn, song Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh đã phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, chủ động đổi mới, sáng tạo, khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động nguồn lực, giành được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên sự đổi thay rõ rệt trên quê hương cách mạng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tiếp tục được duy trì với tốc độ khá cao, quy mô nền kinh tế có bước phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tính đến năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng gần 80 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 30 lần so với năm 1991. Tuyên Quang là một trong những tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng, diện tích rừng trồng và sản lượng khai thác đứng đầu cả nước… Đến năm 2020, Tuyên Quang cơ bản đạt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc…

  Ông Võ Văn Thưởng Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho tỉnh Tuyên Quang.

 

Những thành tựu to lớn mà Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đạt được rất đáng tự hào; góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với những phần thưởng, danh hiệu cao quý đã được trao tặng, hôm nay, Tuyên Quang một lần nữa vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của toàn thể đồng chí, đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.

Tôi đề nghị, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh Tuyên Quang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu học tập, quán triệt, xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể của địa phương, đơn vị mình để thực hiện có hiệu quả Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương và Kế hoạch thực hiện của Bộ Chính trị, qua đó, tạo chuyển biến thực sự trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh Tuyên Quang, thêm sức mạnh, niềm tin thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Với truyền thống 190 năm xây dựng và trưởng thành, tự hào là quê hương, chiếc nôi của cách mạng Việt Nam, tôi tin tưởng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, ngày càng giàu đẹp, văn minh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. 

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top