Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 13 tháng 7 năm 2022 | 10:33

Kỷ niệm 50 năm chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị

Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị vừa tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972 - 2022).

Trong không khí hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày thương binh, liệt sỹ, Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm sự kiện ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972 – 2022). Đây là hoạt động thường niên tưởng niệm và tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và đồng bào nạn nhân chiến tranh.

Thành cổ Quảng Trị gắn liền với chiến công hiển hách 81 ngày đêm năm 1972 với sự chiến đấu và hy sinh của hàng vạn quân và dân, góp phần làm nên thắng lợi vang dội trong công cuộc chống địch tái chiếm thị xã Quảng Trị. Ước tính, địch đã dội xuống đây hơn 328.000 tấn bom đạn, tương đương 7 quả bom nguyên tử. Đã 50 năm trôi qua nhưng âm hưởng của cuộc chiến đấu 81 ngày đêm mùa hè lịch sử năm 1972 ở Thành cổ Quảng Trị vẫn vang vọng mãi.

1.jpg
Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm.

 

Nơi đây trở thành tượng đài bất tử, mãi là cội nguồn cho những cuộc hành hương ngược dòng lịch sử cho những ai muốn chiêm nghiệm lẽ sống và sự hy sinh cao cả. Từ khúc tráng ca lịch sử ấy, hàng vạn người con ưu tú của Tổ quốc đã đổ xương máu trên chiến trường và thân xác hàng nghìn liệt sĩ hòa tan vào đất đai, sông nước Việt Nam. Hàng chục nghìn chiến sĩ trở về với đời thường mang trong mình đầy thương tích và bệnh tật nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị mong rằng, những hoạt động phong phú, hiệu quả, đầy nghĩa tình đồng đội của Hội sẽ tiếp tục được nhân lên để động viên hơn nữa thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ, chăm sóc hội viên đau ốm, gặp khó khăn.

2.jpg
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại lễ kỷ niệm.

 

Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị chúng ta đang đứng hôm nay là một mét máu và sự hy sinh của chiến sĩ bảo vệ Thành cổ, của cán bộ và nhân dân Quảng Trị. Những cựu chiến binh bảo vệ thành cổ năm xưa: 76.100 bộ đội, 1.300 dân quân du kích, 2.600 dân công, rất nhiều chiến sĩ đã mãi nằm lại trên mảnh đất này, dòng sông Thạch Hãn này - đều lý giải sự hy sinh anh dũng của các anh, đó là lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là sức mạnh của ý chí và tinh thần để bất chấp hiểm nguy của mưa bom bão đạn, sẵn sàng vượt sông bảo vệ Thành cổ mà không tiếc thân mình, xem cái chết cũng nhẹ nhàng như hòa mình vào dòng nước chảy, hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc, cho sự trường tồn của đất nước.

Xương máu các anh đã hòa vào lòng đất Mẹ, vào dòng Thạch Hãn, linh hồn các anh luôn bất tử trong dòng lịch sử anh hùng của dân tộc Việt nam. Để xứng đáng với sự hy sinh của các anh trên mảnh đất này, trách nhiệm của mỗi cấp uỷ, chính quyền và người dân Quảng Trị nói riêng, cả nước nói chung là phải làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, triển khai hiệu quả các hoạt động chăm sóc nghĩa trang, phần mộ liệt sĩ, thăm động viên gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách với yêu cầu: Không để gia đình chính sách nào trên địa bàn gặp khó khăn mà thiếu sự quan tâm, nhất là vấn đề nhà ở, sinh kế, học hành, khám - chữa bệnh.

3.jpg
Ban tổ chức trao quà và sổ tiết kiệm cho các đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.

 

Sau 50 năm phát triển, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều thay đổi. Những khu công nghiệp, nhà máy, những cánh đồng điện gió đang hình thành và đưa vào hoạt động để hiện thực hóa quyết tâm biến khó khăn thành lợi thế để phát triển, đưa Quảng Trị thoát nghèo, trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình khá vào năm 2025.

Nhân dịp này, nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp đã trao tặng quà, sổ tiết kiệm cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng 10 nhà “ấm tình đồng đội” với tổng trị giá 500 triệu đồng cho thị xã Quảng Trị.

 

 

 

Lê Cử
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top