Ngày này cách đây 50 năm, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao - sự kiện trọng đại, đánh dấu trang sử mới trong quan hệ hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP/Hải Minh
Về phía Campuchia có Chủ tịch Danh dự Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Campuchia, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết và Phát triển Campuchia Samdech Heng Samrin; Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hội hữu nghị Campuchia-Việt Nam Men Sam An.
Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Việt Nam, Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ truyền thống gắn bó lâu đời, được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp bằng công sức và xương máu của nhiều thế hệ người Việt Nam và Campuchia, là tài sản chung vô giá của hai dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin bày tỏ cảm ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ giúp đỡ quý giá mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho nhân dân Campuchia. Ảnh: VGP/Hải Minh
Ngày này cách đây 50 năm, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao - sự kiện trọng đại, đánh dấu trang sử mới trong quan hệ hai nước.
Trong bức điện gửi Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk ngày 23/6/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ việc đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta là biểu hiện rực rỡ của mối tình hữu nghị thân thiết và đoàn kết chiến đấu. Đó là sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam-Capuchia, một nhân tố tích cực trong việc giữ gìn hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á.
Việc thiết lập quan hệ ngoại giao đã tạo nên các điều kiện thuận lợi để nhân dân hai nước tiếp tục sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và cùng giành thắng lợi lịch sử vào mùa xuân năm 1975.
Nhưng bè lũ Pol Pot đã phản bội lại chiến thắng của nhân dân Campuchia. Với chính sách diệt chủng tàn bạo, Pol Pot và đồng bọn đã giết hại hàng triệu người dân Campuchia.
Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân và dân Việt Nam lại tiếp tục sát cánh cùng các lực lượng yêu nước và nhân dân Campuchia để giải phóng đất nước, cứu nhân dân Campuchia, ngăn chặn chế độ diệt chủng quay trở lại và mang lại sự hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp, vì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP/Hải Minh
Sau cuộc Tổng tuyển cử năm 1993, quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Campuchia chuyển sang một giai đoạn mới, phù hợp với tình hình của mỗi nước. Lãnh đạo và nhân dân hai nước tiếp tục nỗ lực củng cố và tăng cường quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.
Với định hướng đó, quan hệ hai nước không ngừng phát triển, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin cho rằng việc tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Việt Nam-Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao là sự kiện lịch sử trọng đại, cho thấy mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước từ trước đến nay đã mang lại lợi ích chung cho hai dân tộc, nhất là trong việc giành được hòa bình, ổn định và phồn vinh.
Một tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm tái hiện sự ủng hộ, giúp đỡ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia. - Ảnh: VGP/Hải Minh
Theo Chủ tịch Samdech Heng Samrin, Việt Nam và Campuchia từng có “lịch sử cùng nhau chiến đấu, đồng cam cộng khổ, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc vì sự nghiệp cao cả, vì nền tự do, hòa bình và độc lập ở mỗi nước”.
Sau ngày giải phóng 7/1/1979, nhờ có sự ủng hộ, giúp đỡ hết sức mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam anh em và của các nước bè bạn khác, Campuchia đã có cơ hội khôi phục, xây dựng và phát triển đất nước phát triển như ngày hôm nay. Thực tiễn và sự anh dũng này đã gắn chặt trong thẳm sâu trái tim của mọi người dân Campuchia và không thể nào quên.
Thay mặt nhân dân Campuchia, một lần nữa Chủ tịch Quốc hội Campuchia bày tỏ cảm ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ giúp đỡ quý giá mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho nhân dân Campuchia trong việc khôi phục và kiến thiết đất nước để có được sự phát triển như ngày hôm nay, nhất là “sự hy sinh to lớn của bộ đội tình nguyện Việt Nam thực hiện “nghĩa vụ quốc tế” giúp giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot./.
Hải Minh/Chinhphu.vn
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.