Rừng cây lộc vừng cổ hơn 300 năm tuổi được ví như “lá chắn xanh”, “lá phổi xanh” của làng Siêu Quần (xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Khu rừng này tồn tại được là nhờ đạo đức, trách nhiệm của tất cả các thành viên trong làng.
Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 40km về phía Bắc, làng Siêu Quần nổi tiếng khắp vùng do được bao bọc bởi rừng lộc vừng cổ thụ trên 300 năm tuổi (người làng Siêu Quần gọi là cây mưng) với 3 hàng cây lộc vừng xanh mướt chạy dài dọc cánh đồng.
Nhiều người dân kể rằng, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, rừng lộc vừng làng Siêu Quần đã như “tấm áo giáp” chở che cho các đơn vị bộ đội, dân quân du kích. Mới đây nhất, trong những đợt mưa lụt diễn ra vào cuối năm 2020, dù bị ngập nhưng nước lũ tại làng Siêu Quần không bị chảy siết do đã có rừng cây lộc vừng che chắn…
Qua những sự việc trên, người dân làng Siêu Quần càng thêm phần cảm phục “Ngài Khai Canh” (người lập làng - PV) đã để lại cho họ “lá chắn xanh” vô cùng quý giá này. Bà Nguyễn Thị Dịu kể lại, làng Siêu Quần xưa kia được lập ra vào năm 1306 thuộc phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa. Sau khi đắp đê ngăn mặn, các bậc tiền bối xưa đã trồng những cây lộc vừng. Tiếp đến, nhận thấy các cây có thể che nắng gió và có những đặc tính phù hợp với thổ nhưỡng nên dân làng quyết định nhân giống từ các cây đã trồng từ trước để giữ đất, chắn sóng.
Theo ông Lê Kỳ Thanh, trưởng làng Siêu Quần, lúc ấy, để khuyến khích người dân trồng lộc vừng thì “Ngài Khai Canh” đã đưa ra quy ước là ai trồng càng nhiều lộc vừng sẽ được thưởng nhiều gạo và áo. Người dân sau khi trồng lộc vừng được thưởng gạo nhưng không thấy thưởng áo thì đem lòng thắc mắc? Thời gian trôi qua, khi cây lộc vừng tươi tốt chúng đã trở thành “tấm lá chắn” chở che cho làng Siêu Quần trong những thời điểm thiên tai, bão lụt thì người dân mới hiểu ra “tấm áo” mà “Ngài Khai Canh” đã tặng cho họ.
Hiện tại, để bảo vệ khu rừng lộc vừng này, trưởng làng Siêu Quần quả quyết, “không đếm xuể có bao nhiêu cây lộc vừng cổ hơn 300 tuổi trong làng. Người ở khắp nơi đến hỏi mua cây cổ với giá hàng trăm triệu đồng nhưng chúng tôi không bán dù là cây nhỏ nhất”.
Cùng với đó, người làng Siêu Quần quy định rõ trong hương ước: “Ai chặt hoặc đào bán lộc vừng trong làng sẽ bị phạt tiền theo giá trị của cây đó, đồng thời phải có mâm câu, rượu đưa ra đình làng tạ lỗi với dân làng và bị nêu tên”. Và, rừng lộc vừng tồn tại đến bây giờ là nhờ đạo đức, trách nhiệm của tất cả các thành viên trong làng, trưởng làng Siêu Quần khẳng định.
Nói về khu rừng lộc vừng tại đây, lãnh đạo xã Phong Bình chia sẻ, làng Siêu Quần có 320ha rừng cây thì cây lộc vừng đã chiếm đến 70% diện tích và có khoảng 1.000 cây có tuổi đời trên 300 năm tuổi, những cây nhỏ vài chục năm tuổi thì nhiều vô kể.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.