Sự việc diễn ra hơn 1 năm nay, bất chấp các quy định của pháp luật về quy định hành lang lưới điện, luật điện lực... người dân vẫn sinh sống dưới đường điện 500kV. Đã đến lúc cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân “vô trách nhiệm” ở đây.
Người dân thẳng thắn tố cáo: lúc chưa kéo được đường dây 500kV, ông Trần Quang Vinh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc đến tỉnh Lai Châu, đến huyện Nậm Nhùn và gặp người dân “nỉ non”, hứa hẹn làm tốt công tác GPMB ở địa phương. Khi kéo xong đường dây 500 kV tuyến Sơn La – Lai Châu đi qua huyện Nậm Nhùn đã xong cũng là lúc TCty truyền tải này bỏ mặc dân sống dưới “lưỡi hái tử thần”...
Cột 500 kV có dấu hiệu làm sai thiết kế, lệch vị trí đã được phê duyệt?
"Trăm voi không được bát... nước xáo"
Bức xúc khi trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn An, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng An, có địa chỉ tại Thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn cho biết: Trước khi tiến hành xây dựng trụ sở của Doanh nghiệp, vào tháng 7, năm 2014, Cty Hoàng An có làm tờ trình lên UBND Huyện Nậm Nhùn để xin ý kiến về việc quy hoạch đất xây trụ sở Doanh nghiệp. Sau đó UBND huyện Nậm Nhùn có Tờ trình số 206/TTr-UBND ngày 01/8/2014 của Ủy ban nhân dân huyện Nậm Nhùn về việc xin trích quy hoạch lô đất giao cho Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng và Thương mại Hoàng An.
Trong văn bản này, Ủy ban nhân dân huyện ghi rõ: Căn cứ Quyết định số 350/QĐ-UBND ngày 16/4/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Nậm Hàng, huyện Mường Tè - Nay là Thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn. Tiếp đó, Sở Xây dựng Lai Châu có Văn bản số 616/SXD-KTQH ngày 19/8/2014 về việc giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng cho Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng và Thương mại Hoàng An. Trong văn bản này, Sở Xây dựng ghi rõ: Sau khi xem xét và đối chiếu với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Nậm Hàng, huyện Mường Tè - Nay là Thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và đã tiến hành cấp phép xây dựng cho Doanh nghiệp Hoàng An. Từ đó, Sở Xây dựng Lai Châu đã ra Giấy phép xây dựng tạm số 18/GPXDTM, cấp ngày 18/9/2014 cho Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng và Thương mại Hoàng An để doanh nghiệp tiến hành thi công xây dựng dự án: Xây dựng Trụ sở, nhà hàng từ ngày 01/10/2014 và hoàn thành ngày 05/01/2015.
Ông Lê Văn An tại khu nhà của doanh nghiệp ngay dưới đường dây 500kV
Sau một thời gian, đến ngày 22/01/2015, Doanh nghiệp Hoàng An bất ngờ được mời lên họp UBND huyện Nậm Nhùn họp để thông báo đường dây 500kv sau khi điều chỉnh hướng tuyến đã đi qua trụ sở Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng và Thương mại Hoàng An. Đến lúc này, Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng và Thương mại Hoàng An mới “ngã ngửa” ra khi biết Trụ sở của doanh nghiệp lại nằm dưới tuyến đường điện 500 kV thuộc dự án đường dây 500KV Sơn La - Lai Châu đoạn tuyến 309 đến 310 qua địa bàn huyện Nậm Nhùn. Trong Biên bản làm việc gồm: UBND huyện Nậm Nhùn, Ban QLDA các công trình Điện Miền Bắc, Tổng Công ty truyền tải Điện Quốc gia, Công ty Cổ phần Xây dựng Điện I, Công ty TNHH Tư vấn Đo đạc Bản đồ Chiến Thắng, Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng và Thương mại Hoàng An cùng thống nhất như sau: Ban QLDA các công trình Điện Miền Bắc: Thực hiện bồi thường cho các tổ chức bị ảnh hưởng thuộc hành lang tuyến điện. Cắm và bàn giao mốc hành lang lưới điện đoạn tuyến 309 đến 310. Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng và Thương mại Hoàng An: Nhất trí trả lại hành lang đường điện và không xây dựng, cơi nới mới trong hành lang lưới điện kể từ ngày 22/01/2015. Thực hiện di dời trước tháng 9/2015 sau khi được đền bù. Tuy nhiên, kể từ khi Doanh nghiệp Hoàng An để cho Ban Quản lý dự án thi công vượt lên trên nóc nhà doanh nghiệp cho đến nay thì cũng là lúc các cán bộ này “bặt vô âm tín”...
Ông Lê Văn An tại khu nhà của doanh nghiệp mà trên đầu là đường dây 500kV
iếp tục điều tra, phóng viên được biết: Việc BQL dự án chây ì tiền đền bù GPMB ảnh hưởng đến quyền lợi cho hơn 30 công nhân trong công ty cũng như quyền lợi của một số người dân khác bị ảnh hưởng. Đơn thư kiến nghị tới các cơ quan chức năng về những khuất tất trong việc giải quyết hỗ trợ tiền đền bù GPMB của dự án Đường dây 500kV Sơn La - Lai Châu cũng như việc điều chỉnh mốc lộ giới đường điện để rồi đặt vị trí các cột điện 500 Kw không đúng quy hoạch trước đó. Ban Quản lý đã đặt sai quy hoạch thiết kế trước đó đã được UBND tỉnh Lai Châu phê duyệt quy hoạch đô thị, và gây ảnh hưởng đến trụ sở của Công ty Hoàng An cũng như đời sống người dân.
Bức xúc, ông Lê Văn An tố cáo: Phía TCty Truyền tải điện quốc gia mà đại diện là Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc đã “lừa dối” doanh nghiệp chúng tôi để kéo đường dây điện 500 kV đi phía trên đầu Trụ sở doanh nghiệp chúng tôi. Kéo xong, đóng điện rồi bỏ mặc, vừa gây nguy hiểm cho mấy chục công nhân đang làm việc ở doanh nghiệp cũng như gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho doanh nghiệp Hoàng An cần phải được xử lý nghiêm.
Toàn cảnh đường dây 500kV đi qua thị trấn Nậm Hàng
Dấu hiệu khuất tất cần làm rõ
Trao đổi với phóng viên, luật sư Hà Thị Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Căn cứ Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện và có hiệu lực kể từ ngày 15/4/2014. Theo Điều 18, Điều 19, Điều 20 khoản 1 điểm a, điểm b thì khu đất của Công ty Hoàng An hay bất kể hộ dân nào bị ảnh hưởng vẫn được nhận đền bù theo quy định hiện hành của pháp luật. Căn cứ theo điều 51 của Luật Điện lực: “Bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không”, mục 3 ghi rất rõ: không cho phép tồn tại nhà ở và công trình có người thường xuyên sinh sống, làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn đường dẫn điện trên không từ 500kv trở lên. Như ở trường hợp của Doanh nghiệp Hoàng An là cấm tuyệt đối. Vậy tại sao BQL dự án vẫn “nhùng nhằng”, không dứt điểm. Nếu xảy ra chuyện gì với người dân, trách nhiệm chính thuộc về ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch HĐQT và ông Vũ Ngọc Minh, TGĐ TCTY Truyền tải điện quốc gia”, luật sư Thanh nhấn mạnh...
Nhà dân sinh sống ngay dưới đường dây 500 kV
Trao đổi với phóng viên, hầu hết những công nhân của Doanh nghiệp Hoàng An cũng như một số hộ dân sinh sống trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đều bất bình vì cách hành xử của Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Bắc, trực thuộc TCty Truyền tải điện quốc gia. Mọi người cho biết: hơn 1 năm qua, kể từ ngày đường dây 500 kv đóng điện, cuộc sống của bà con, doanh nghiệp sinh sống phía dưới bị đảo lộn. Ngày nắng thì còn đỡ, nhưng ngày mưa thì quá khốn khổ, tiếng điện chạy phía trên “rít ù ù”, ai cũng lo sợ đến tính mạng, nhưng không biết làm thế nào. Chuyển đi nơi ở khác thì không có đất, không có tái định cư, chưa được trả tiền GPMB thì lấy đâu ra mua đất mới. Mà chỉ biết kêu lên UBND huyện, huyện lại bảo chờ... BQL Dự án. Vậy là cứ chờ hết tháng này sang tháng khác.
Tiếp tục điều tra về dự án này, phóng viên đã phát hiện ra những dấu hiệu khuất tất khó hiểu ở đây. Tại sao lúc trước thiết kế, phê duyệt tuyến 500 kV đi ở một vị trí khác, và lúc thực hiện lại chuyển đi một vị trí khác? Phải chăng có điều gì bất thường ở đây?. Có hay không dấu hiệu việc làm trái các quy định của Nhà nước? Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc, xác minh, làm rõ.
Theo Hà Thúy – Nhật Lam/baotainguyenmoitruong.vn
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.