Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 6 năm 2017 | 1:52

Lâm Đồng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho cây cà phê

Nhằm tạo môi trường đề kháng cho cây cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật Lâm Đồng đang chủ động dự tính dự báo gắn với các biện pháp phòng trừ tổng hợp các loài dịch hại mới phát sinh.

Một vườn cà phê ở Nam Ban, Lâm Hà ngăn chặn rửa trôi, xói mòn nhờ giữ lại lớp thực bì trên mặt đất.

Gia tăng 4 loài dịch hại phổ biến

Đến nay, tổng diện tích cà phê toàn tỉnh Lâm Đồng ước gần 160.000ha, năng suất bình quân khoảng 3 tấn/ha.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều vùng cà phê trọng điểm của Lâm Đồng đã gia tăng chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, hạn hán và lũ lụt khiến cho nhiều loài dịch bệnh trên cây cà phê có môi trường phát triển, gây ra những thiệt hại khó lường như bệnh vàng lá, rệp sáp, sâu đục thân và bọ xít muỗi.

Đơn cử như bệnh vàng lá do tuyến trùng gây hại cà phê mức độ nặng trong 3 năm gần đây với diện tích lần lượt từ gần 2.000ha lên gần 3.000ha và giảm xuống vẫn còn nhiễm bệnh gần 1.300ha. Trong 3 năm qua, dịch hại rệp sáp xuất hiện ở các vùng cà phê Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc, diện tích nhiễm bệnh ít nhất đã lên gần 1.800ha/năm; nhiều nơi lên đến 9.300ha/năm.

Tiếp theo, bệnh sâu đục thân mình trắng tăng diện tích nhiễm bệnh nặng hàng năm từ 70ha (năm 2014) lên 500ha rồi 810ha (năm 2015 và 2016).

Đáng chú ý, dịch bọ xít muỗi gây hại đã lây lan trên diện rộng, riêng năm 2016 có 2.850ha bị thiệt hại.      

Cần những giải pháp phòng trừ tổng hợp

Kết quả điều tra trên 8 vùng cà phê của Lâm Đồng gồm: Đà Lạt, Lạc Dương, Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và Bảo Lộc, mỗi vùng với diện tích từ 1.000- 9.000ha, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã xác định 9 đối tượng dịch hại xuất hiện hàng năm, cần phải dự tính dự báo định kỳ, gồm: bọ xít muỗi, vàng lá, nấm hồng, rệp sáp, sâu đục thân, mọt đục cành, ve sầu, gỉ sắt và khô cành khô quả. 

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã khuyến cáo người sản xuất tích cực sử dụng các hoạt chất đặc trị để rải đều hoặc tưới trên bầu đất để phòng trừ tuyến trùng gây hại.

Thống kê trong 4 năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện tái canh trồng mới và ghép cải tạo hơn 37.000ha cà phê. Qua rà soát, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng thường xuyên hướng dẫn nông dân luân canh các loại cây trồng khác trước khi xuống giống cà phê trồng mới tái canh. Đối với những vườn cà phê già cỗi, ít nhiễm sâu bệnh, khi nhổ bỏ xong phải vệ sinh sạch sẽ, sử dụng các chế phẩm sinh học để cải tạo đất rồi mới đào hố, xuống giống cà phê trồng tái canh mới.

Đồng thời khuyến khích nông dân nhân rộng hình thức trồng cuốn chiếu tái canh cà phê ngay trong mùa mưa hàng năm - sau khi đã xử lý tuyến trùng và nấm bệnh trong đất, đào hố, bón lót phân chuồng...Hiện, nhiều mô hình trồng cà phê tái canh không luân canh ở Lâm Đồng theo hình thức cuốn chiếu đã bước sang năm thứ 3, thứ 4, sinh trưởng tốt và thích ứng với biến đổi khí hậu, dự báo sẽ cho năng suất cao.

Ngoài ra, với việc chọn nguồn giống mắt ghép sạch bệnh, khỏe mạnh, không lây nhiễm dịch hại, nhiều nông hộ đã thực hành các kỹ thuật ghép cải tạo vào những gốc cây cà phê dưới 20 năm tuổi, kết quả  cây phát tán cành trên phạm vi rộng, đề kháng nhiều loại bệnh tật.

“Các biện pháp tái canh cà phê kết hợp với trồng cây che bóng, chắn gió, trồng cây đai rừng, cây che phủ đất hợp lý, đồng thời ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, chống xói mòn, rửa trôi đất, đã và đang mang lại thu nhập cao cho người sản xuất ở Lâm Đồng. Trên cơ sở này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng kiến nghị cơ quan chức năng sớm hoàn chỉnh và ban hành các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, quy phạm sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu ở Lâm Đồng.

Văn Việt

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top