Nhiều năm trở lại đây, nông dân huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã đưa giống gà Tiên Yên (giống gà có từ lâu đời ở vùng đất này) để nuôi và phát triển. Việc làm này không chỉ giúp bảo tồn nguồn gen quý mà còn giúp bà con nâng cao thu nhập, thực sự đổi đời nhờ nuôi gà.
Gà Tiên Yên đang giúp nhiều nông dân nơi đây làm giàu.
Chúng tôi tìm về thôn Hội Phố, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, nơi có phong trào chăn nuôi gia cầm phát triển nhất huyện Tiên Yên và cảm nhận được sự phấn khởi của các hộ nuôi gà nơi đây, khi mấy năm trở lại đây, gà Tiên Yên đã có thương hiệu và luôn bán được giá cao. Nhiều hộ nhờ nuôi giống gà này mà có nhà cao cửa rộng, có của ăn của để.
Mô hình nuôi gà bắt đầu phát triển mạnh ở Tiên Yên từ năm 2015. Với nhiều nỗ lực, chính quyền và các ngành chức năng huyện đã khuyến khích các hộ gia đình tham gia nuôi gà bản địa Tiên Yên, trong đó đặc biệt quan tâm đến dự án thụ tinh nhân tạo cho gà. Việc làm này không chỉ đảm bảo chất lượng và duy trì nguồn gen quý của đàn gà bản địa Tiên Yên mà còn đáp ứng về mặt số lượng con giống cho người dân chăn nuôi theo đúng định hướng phát triển đàn gà của huyện, mục tiêu đạt khoảng 200.000 con/năm.
Bà Phạm Thị Dự (60 tuổi), chủ một trang trại nuôi gà Tiên Yên, chia sẻ: “Được sự giới thiệu từ người quen, gia đình tôi quyết nuôi thử 100 con gà của Công ty CP Phát triển nông - lâm nghiệp Phúc Long. Sau 4 tháng nuôi, gà phát triển khỏe mạnh. Việc chăn nuôi tiến triển thuận lợi, gia đình đã mở rộng chuồng trại và chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp hơn”.
Hiện, gia đình bà nuôi thêm 1.000 con gà nữa . Bằng việc mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia đình bà có nguồn thu nhập ổn định, lợi nhuận gần 50 triệu đồng/năm.
Ông Đinh Quang Tưởng, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, chia sẻ: “Khi bắt đầu chăn nuôi, gia đình lựa chọn giống gà Tiên Yên vì nhận thấy gà dễ nuôi, bệnh tật ít, đầu ra ổn định. Tôi đã mạnh dạn đầu tư làm chuồng và nuôi hơn 2.000 con, cứ sau 4 tháng, gà lại được bán. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình thu lãi từ trên 70 đến 100 triệu đồng”.
Hiện, huyện Tiên Yên có gần 10 hợp tác xã chăn nuôi gà với số lượng từ 1.500 - 4.000 con gà/HTX. Chị Nguyễn Thị Hồi ở thôn Sán Xế Nam, xã Đông Ngũ, phấn khởi cho biết: “Được sự hỗ trợ của Nhà nước, tháng 4/2009, gia đình đầu tư một máy ấp trứng, đến nay đã ấp nở thành công và xuất ra thị trường hơn 2 vạn con gà giống. Với nhu cầu nuôi giống gà Tiên Yên mạnh như hiện nay thì gia đình không cung cấp đủ gà giống cho các hộ gia đình trên địa bàn và các huyện lân cận. Hàng năm, việc bán gà giống và gà thương phẩm đã đem về cho gia đình một khoản thu nhập lớn”.
Hiện, hầu hết các gia đình trong vùng Dự án phát triển đàn gà Tiên Yên ở 3 xã Đông Hải, Đông Ngũ và Phong Dụ đều nuôi trung bình từ 30 - 50 con gà, thậm chí có hộ nuôi từ 100 con trở lên. Sau hơn 2 năm triển khai, nhân rộng, Dự án phát triển đàn gà Tiên Yên bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nếu như năm 2007, đàn gà của Tiên Yên mới đạt trên 98.000 con thì đến năm 2010 đã đạt trên 106.000 con; ấp nở được trên 50.000 gà con từ máy ấp nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Người dân trong vùng dự án đã biết kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng trừ bệnh cho gà, đặc biệt là cách úm gà con (chăm sóc gà con dưới 1 tháng tuổi) hiệu quả.
Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, ông Vũ Hùng Thắng, khẳng định: “Việc triển khai Dự án phát triển đàn gà Tiên Yên đã tạo bước đột phá mới trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi toàn huyện, chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá quy mô lớn, tập trung, nhận được sự đồng thuận cao từ phía các gia đình. Không những thế, việc nuôi gà còn đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương. Thời gian tới, huyện tiếp tục nhân rộng, phát triển giống gà đặc sản này, tiến tới làm thủ tục đăng ký bản quyền gà Tiên Yên”.
Hiện, tỉnh Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế huyện Tiên Yên đẩy mạnh việc quảng bá và đưa sản phẩm gà Tiên Yên ra thị trường. Không chỉ là đặc sản, gà Tiên Yên còn là sản phẩm của huyện tham gia chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh năm 2016.
Long Vũ
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.