Từ bao đời nay, chiếu Cà Mau luôn gắn liền với người dân, từ thời chiến cho tới thời bình. Thế nhưng vài năm trở lại đây, do điều kiện khách quan, nghề làm chiếu đã dần bị mai một, thay vào đó là những mô hình phát triển kinh tế mới, cho thu nhập cao hơn.
Phơi lát, công việc nặng nhọc nhất trong quá trình làm chiếu.
Nghề sản xuất thủ công truyền thống
Từ xa xưa, nhiều người đã biết đến làng nghề làm chiếu ở xã Tân Thành (TP.Cà Mau), bởi chiếu Tân Thành không chỉ nổi tiếng về chất lượng, màu sắc phong phú, bền đẹp, mà còn gắn liền với hình ảnh người phụ nữ chịu thương, chịu khó. Dù nghề chiếu đã dần mai một nhưng Tân Thành hiện còn 62 hộ làm nghề do chị em phụ nữ ấp 5 đảm nhiệm.
Bà Nguyễn Kim Y, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 5, cho biết: “Trước đây, ở ấp 5 có nhiều hộ làm nghề dệt chiếu. Nhưng khi các công ty mở ra quá nhiều, chị em đổ xô đi làm công nhân, còn lại một số làm nhỏ lẻ chứ không còn rầm rộ như xưa. Nhiều chị em tha thiết với nghề nên chúng tôi thành lập tổ dệt chiếu truyền thống, vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập vừa giữ nghề truyền thống của quê hương”.
Đã bao đời nay, gia đình bà Trịnh Thị Chắm ở ấp 5 luôn gắn bó với nghề dệt chiếu. Từ lúc 19 tuổi, bà đã được cha mẹ truyền nghề, tuy nhiên, do thu nhập từ nghề bấp bênh nên gia đình bà chuyển sang nuôi cá chình, cá bống tượng.
Chia sẻ về quá trình dệt chiếu, bà Chắm nói: “Trước khi dệt chiếu, tôi thường chẻ lát ra làm ba, đem phơi cho khô, rồi bó lại thẳng, sau đó nhuộm màu, tiếp tục bó lại cho thẳng rồi chấp chân dệt”.
Cũng theo bà Chắm, khi làm chiếu, công đoạn cực nhất là lúc chẻ lát, phơi lát. Vào dịp gần Tết, gặp những lúc trời mưa, lát phơi không kịp sẽ không hoàn thành đủ số lượng chiếu cho thương lái. Đặc biệt, nghề này phù hợp với chị em phụ nữ vì đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Trong quá trình dệt chiếu, nếu sai một công đoạn nào đó thì phải dệt lại từ đầu.
Hướng mở cho nghề dệt chiếu
Những người phụ nữ cần mẫn giữ nghề truyền thống.
Hiện, chiếu lát có giá khoảng 400.000 đồng/đôi, tùy theo hoa văn được dệt trên chiếu phức tạp hay đơn giản thì chiếu được bán với giá cao - thấp khác nhau. Chiếu được dệt trong 1 ngày và có thể sử dụng trong 1 năm.
Ngày nay, làng chiếu Tân Thành đã không còn hưng thịnh như trước, thay vào đó, các hộ dân phát triển mô hình nuôi cá bống tượng, cá chình, vì làm chiếu thu nhập bấp bênh, đầu ra không ổn định. Bà Nguyễn Kim Y mong mỏi: “Chị em phụ nữ mong muốn chiếu Tân Thành có đầu ra thì mới có thể làm nhiều trở lại”.
Tuy nghề dệt chiếu rất cực và tốn nhiều thời gian, nhưng bù lại chiếu được làm thủ công nên sản phẩm làm ra rất đẹp và sắc sảo. Chị Lê Kim Kỵ, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Thành, phân tích: “Để làm ra những đôi chiếu đẹp, chị em phụ nữ đã bỏ cả tâm huyết của mình. Nghề chiếu hiện nay đã không còn chỗ đứng, nhưng với những chị em nào yêu nghề, muốn gắn bó với nghề thì họ luôn dành một khoảng đất riêng để trồng lát, xen với những ao cá chình, cá bống tượng, nhằm tạo nguồn thu nhập thêm”.
Để giúp đỡ chị em phát triển nghề dệt chiếu truyền thống, bà Huỳnh Trúc Duyên, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Cà Mau cho biết: “Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố sẽ liên hệ với các thương lái để cùng hợp tác, thúc đẩy tiêu thụ chiếu. Ngoài ra, Hội sẽ thành lập tổ dệt để đáp ứng số lượng thương lái thu mua”.
Ông Phùng Sơn Kiệt, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, nhận định: “Sắp tới, Chi cục sẽ tiến hành rà soát lại quy hoạch, xem những hộ nào còn làm nghề thì hỗ trợ nguồn vốn, đầu ra, cho đi tập huấn, tạo điều kiện cho họ giữ nghề truyền thống. Đồng thời xây dựng những điểm du lịch gắn với nghề truyền thống ở địa phương, qua đó tạo thu nhập cho người dân và quảng bá làng nghề, các sản phẩm của làng nghề”.
Dệt chiếu là nghề sản xuất thủ công, lâu nay trở thành nghề truyền thống có tiềm năng ở Tân Thành. Với lực lượng lao động sẵn có, cùng với nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, những người thợ lành nghề bên khung dệt đã làm ra những chiếc chiếu xinh xắn, đẹp mắt. Chiếu Tân Thành nổi tiếng đẹp và bền, giữ được nét riêng, đã tạo ra thương hiệu chiếu nổi tiếng bao đời.
Nhật Minh
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.