Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, các trường học trên cả nước đều triển khai lớp học online.
Tại các thành phố lớn, việc học online có thể triển khai dễ dàng và nhanh chóng, song đối với nhiều miền quê nông thôn, miền núi, để tổ chức được buổi học online không phải nơi nào cũng thuận lợi, muốn là học được.
Vật lộn với học online
Ngày 12/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 793/BGDĐT-GDTrH về việc tăng cường dạy học qua internet và trên truyền hình trong thời gian học trò nghỉ đến trường để phòng, chống Covid-19. Tuy nhiên, thực trạng triển khai ở các địa phương, trường học rất khác nhau.
Nhằm ôn lại kiến thức và giảng những bài học mới cho học sinh trong những ngày nghỉ học chống dịch Covid-19, thầy cô giáo các trường đã không ngại ngần thức đêm hôm để soạn giáo án điện tử, lên các chương trình bài học, bộ đề để kịp hướng dẫn các học sinh trong các buổi học online.
Tuy nhiên, việc khó nhất không phải là những đêm cặm cụi soạn bài hay là việc đôn đốc các em học sinh tham gia học online, mà tại những vùng quê còn nhiều khó khăn như ở 2 huyện Anh Sơn, Con Cuông (Nghệ An), thì thiết bị hỗ trợ các trò học online cũng là những trăn trở của thầy cô giáo nơi đây.
Cô Nguyễn Thị Lài, giáo viên Trường Tiểu học Lĩnh Sơn (Anh Sơn) chia sẻ: “Không phải phụ huynh nào cũng sẵn các thiết bị như laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh để phục vụ việc học qua phần mềm internet cho học sinh. Chưa kể nhiều vùng sâu, vùng xa mạng internet cũng còn rất khó khăn”.
Để tổ chức được một buổi học online, cô Lài cho biết, cô phải gọi điện thông báo đến từng phụ huynh về kế hoạch và thời gian dạy và học trước vài ngày để phụ huynh còn sắp xếp bố trí phương tiện cho con học tập.
“Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng buổi học và số lượng học sinh tham gia. Có em vào học được, có em vì điều kiện gia đình nên cũng không thể tham gia buổi học, chúng tôi cũng trăn trở lắm, vì như thế sẽ có những học trò không được nghe giảng dẫn đến bị hụt kiến thức so với cả lớp. Khó đảm bảo được sự đồng đều trong chất lượng dạy học cho các em”, cô Lài bộc bạch.
Các trường hợp không tham gia học online trực tiếp được, thầy cô giáo còn chuẩn bị các bộ đề và chụp ảnh gửi cho các học sinh, hoặc in ra và báo phụ huynh đến nhà cô để lấy đề về cho con làm bài. Các bài được chụp ảnh gửi lại hoặc gửi trực tiếp để giáo viên chấm bài, nhận xét và kiểm tra sự tiếp thu của các học trò.
Với tâm lý, ai cũng muốn cho con cái được học hành cho bằng bạn bằng bè, nhiều bậc phụ huynh cũng bấm bụng “đầu tư” chiếc điện thoại thông minh cho con học tập.
Chị Nguyễn Thị Thủy (thôn 5, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn) cho hay, vừa qua chị đã phải quyết định đầu tư “sắm” chiếc điện thoại thông minh về cho con học bài, vì cô giáo thông báo từ nay sẽ triển khai việc học qua internet.
“Bình thường không có dịch bệnh thì các con được đi học nghe giảng trực tiếp, nay nghỉ ở nhà, bố mẹ vừa tốn kém hơn, vừa mất thêm thời gian ngồi kèm việc học cho các con, sốt ruột lắm nhưng các con nghỉ học lâu cũng lo con bị hổng kiến thức, khó khăn thật nhưng cũng phải mua cho con để có cái mà học”, chị Thủy cho hay.
Ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế vốn đã khó khăn, nay phải chi thêm khoản mua điện thoại thông minh, có lẽ với nhiều gia đình nông thôn đó là gánh nặng không hề nhỏ.
Còn đối với khu vực thành thị, nhiều cháu cũng được bố mẹ gửi về quê, nên việc học cũng gián đoạn và khó đồng bộ. Như trường hợp anh Nguyễn Văn Chiến (Hoàng Mai - Hà Nội) cho hay: “Nghỉ học, con tôi về quê với ông bà. Ông bà ở quê làm sao biết máy móc mà mở cho con xem. Mà nhà ông bà cũng không kết nối mạng để học trực tuyến. Cuối tuần về kiểm tra bài in gửi về cho con tự làm tôi thấy con hổng kiến thức nhiều quá, gần như không nắm được bài”.
Thậm chí nhiều phụ huynh như chị Phạm Thị Nguyệt (Thanh Trì - Hà Nội) cũng lo lắng cho hay: “Con mình học lớp 5 và nhà trường cũng chủ động triển khai hình thức học trực tuyến tại nhà. Tuy nhiên, sau mỗi bài giảng mình hỏi cháu có hiểu không, cháu lắc đầu, ngại ngùng bảo: cô dạy nhanh, con chẳng hiểu”.
Thiết nghĩ khó khăn nhất trong việc học online hiện nay đó là vấn đề làm sao để việc học đạt được hiệu quả tốt nhất?
Tích cực chủ động
Tổ chức giảng dạy trực tuyến theo đúng thời khóa biểu của nhà trường, học sinh phải có mặt đúng giờ để điểm danh, tuy nhiên, trong thời gian nghỉ dịch, các con ở nhà không được bố mẹ quản lý sát sao nên việc bỏ lỡ các tiết học là điều dễ hiểu.
Đấy là chưa kể, trong quá trình học con gặp rất nhiều vấn đề như: kết nối mạng không ổn định, không có mic, không tương tác với giáo viên, không tập trung vào bài giảng,… Chính những yếu tố ngoại cảnh tác động khiến các tiết học không đạt được hiệu quả cao.
Để làm ra một bài giảng chất lượng, bên cạnh việc đầu tư về nội dung, hình ảnh thì các cô còn phải học cách diễn xuất trước ống kính, tìm hiểu những phương pháp truyền tải sinh động, hấp dẫn để tiết học không bị nhàm chán, gượng gạo. Thực tế chứng minh việc tự tưởng tượng ra một lớp học có học sinh ngồi dưới là điều không hề dễ dàng.
Thế mới biết, để sản xuất ra một bài giảng chất lượng khó khăn đến mức nào, việc nhắc nhở gián tiếp để các em nghiêm túc thực hiện còn khó khăn hơn nhiều. Có không ít thầy cô giáo ngán ngẩm vì chiêu trò hoặc thái độ không tập trung của học sinh.
Nhiều bậc phụ huynh và thầy cô giáo đều cố gắng để thực hiện giúp các con có những giờ học online hiệu quả tối đa, tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, việc học online vẫn khó áp dụng phổ cập và đây chỉ là giải pháp tình thế tạm thời.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay: Rõ ràng dạy và học trực tuyến thì không thể nào chất lượng như dạy và học trên lớp được. Nhất là lứa tuổi học tiểu học cần nhiều sự hỗ trợ của thầy cô, cha mẹ thì việc học trực tuyến lại khó khăn hơn. Tuy nhiên, khi học sinh nghỉ học dài ngày, ngành giáo dục phải triển khai nhiều biện pháp để học sinh có kênh trau dồi kiến thức, kết nối với giáo viên thường xuyên. Khi học sinh trở lại trường, giáo viên sẽ rà soát các mức độ học sinh đã đạt được đến đâu để bổ sung kiến thức cho các em.
Không thể phủ nhận những ưu điểm của việc học online giữa mùa dịch, song, để đạt được hiệu quả thì cần sự tích cực chủ động phối hợp của rất nhiều bên, không chỉ giữa thầy cô giáo, phụ huynh và các em học sinh mà còn cần sự nỗ lực của các nhà mạng để đường truyền ổn định.
Qua theo dõi một số buổi học online của con, một phụ huynh cho rằng, các thầy cô nên chia lớp thành nhiều nhóm, có vậy, sự tương tác thầy - trò mới nhiều hơn..
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.