Tối 8/6, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Việt Nam, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản, theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Đây là chuyến công tác “3 trong 1” của Thủ tướng và đoàn, bao gồm thăm chính thức Nhật Bản; dự Hội nghị Tương lai Châu Á lần thứ 23 và dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam.
Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản.
5 ngày với gần 50 hoạt động
Chỉ trong 5 ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có gần 50 hoạt động, trong đó có hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe; hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, gặp lãnh đạo các chính đảng Nhật Bản; tiếp nhiều lãnh đạo các địa phương, tổ chức kinh tế và lãnh đạo các tập đoàn lớn của Nhật Bản.
Tại hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe, hai Thủ tướng nhất trí thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế thông qua việc mở rộng hợp tác trong đó có các lĩnh vực đầu tư, thương mại, ODA, nông nghiệp công nghệ cao, lao động; nhất trí phối hợp thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam thông qua triển khai hiệu quả Giai đoạn VI Sáng kiến chung Việt - Nhật và tăng cường hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP); đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn về cơ sở hạ tầng như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, khu công nghệ cao Hòa Lạc, đường sắt đô thị; triển khai chính sách công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ và cải cách doanh nghiệp Nhà nước.
Lãnh đạo hai nước bày tỏ quyết tâm nâng gấp đôi kim ngạch thương mại vào năm 2020 (hiện ở mức 30 tỷ USD), trong đó trước mắt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để trao đổi các sản phẩm như vải, nhãn của Việt Nam và cam, quýt của Nhật Bản vào thị trường của nhau. Cùng với đó, hai Thủ tướng cũng đã nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác địa phương.
Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai Thủ tướng khẳng định hai bên phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương. Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, các bên liên quan không có những hành động đơn phương bao gồm quân sự hóa, làm thay đổi nguyên trạng, làm phức tạp, mở rộng tranh chấp tại Biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) có hiệu lực.
Gặp gỡ báo chí sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về kết quả tốt đẹp của hội đàm và hai bên thống nhất ra Tuyên bố chung với nhiều nhận thức quan trọng về phương hướng và biện pháp làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hai bên nhất trí tăng cường tin cậy chính trị. Việt Nam khẳng định coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài. Hai bên duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc ở các cấp, đặc biệt là cấp cao; phối hợp chuẩn bị tổ chức tốt lễ kỷ niệm 45 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2018. Hai bên cũng đã trao đổi nhiều biện pháp và giải pháp cụ thể, thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế, nhất là tăng cường kế nối đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.
“Ngài Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế xã hội, tập trung vào các dự án trọng điểm xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao; đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu…”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một người bạn thân đến thăm Nhật Bản lần thứ hai trên cương vị Thủ tướng, và khẳng định hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao.
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tôi tiến hành cuộc hội đàm lần thứ 5 và đã trao đổi ý kiến một cách thẳng thắn. Tiếp theo chuyến thăm của tôi vào tháng 1/2017,, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Nhật Bản. Trên cơ sở tiếp xúc cấp cao thường xuyên như vậy, những năm gần đây mối quan hệ Nhật Bản và Việt Nam đã và đang phát triển đáng kể. Để đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển đó, hôm nay, tôi đã bày tỏ quyết tâm của Nhật Bản sẽ đóng góp vào xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, cải thiện môi trường đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam với sử dụng công nghệ, kinh nghiệm vượt trội của Nhật Bản và qua đó, tạo ra cơ hội kinh doanh mà hai bên cùng có lợi” – Thủ tướng Shinzo Abe cho biết.
Với kết quả hội đàm tốt đẹp, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết sẽ cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ”nắm chặt tay nhau” để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Hai Thủ tướng đã chứng kiến cơ quan chức năng hai nước trao đổi 14 văn kiện ký kết, bao gồm các công hàm trao đổi cho 4 dự án vốn vay ODA trị giá hơn 100 tỷ Yên, tương đương 900 triệu USD.
Trong các hoạt động tiếp xúc cấp cao, sự kiện mang nhiều ý nghĩa của chuyến thăm, đồng thời thể hiện tình cảm, sự coi trọng đặc biệt của lãnh đạo và nhân dân Nhật Bản đối với lãnh đạo và nhân dân Việt Nam, khắc họa sâu đậm tình hữu nghị hai nước, là cuộc hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân. Cuộc hội kiến được bố trí tại một địa điểm thân mật trong Hoàng Cung và diễn ra dài gần gấp đôi so với thời gian dự kiến trong sự trọng thị và cảm kích của Nhà Vua, Hoàng hậu và Hoàng gia Nhật Bản.
Một sự kiện quan trọng nữa của chuyến đi là Thủ tướng tham dự Hội nghị tương lai Châu Á lần thứ 23. Với chủ đề “Chủ nghĩa toàn cầu giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của Châu Á”, hội nghị đã tập trung thảo luận về các xu thế, yếu tố ảnh hưởng lớn tới tương lai của Châu Á như làn sóng chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tuý, quan hệ giữa các nước lớn và thay đổi trật tự thế giới, sự phát triển của ASEAN, Trung Quốc và khu vực Nam Á, tình hình an ninh của Châu Á… Đây là diễn đàn có uy tín và điểm đặc biệt là hội nghị năm nay, Thủ tướng được mời có bài phát biểu chính khai mạc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thực tế lịch sử cho thấy, toàn cầu hóa là xu thế tất yếu. Nêu lên những thách thức đối với Châu Á trong quá trình toàn cầu hóa, Thủ tướng đã đề xuất ba nhóm giải pháp. Đó là cần duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong bối cảnh Châu Á đang có những thay đổi mang tính cấu trúc; đó là giải quyết bài toán về mô hình phát triển thúc đẩy mô hình tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và bao trùm; tối ưu hoá nguồn lực, phối hợp và phát huy vai trò tích cực của các định chế quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, cho biết, bài phát biểu của Thủ tướng được các đại biểu tham dự hội nghị, giới truyền thông Nhật Bản và quốc tế rất quan tâm và đánh giá cao. Tại hội nghị, Thủ tướng đã chia sẻ về quá trình đổi mới phát triển kinh tế của Việt Nam luôn gắn với quá trình thúc đẩy hội nhập quốc tế và liên kết kinh tế. Bài học của Việt Nam hàng chục năm qua, cho thấy quá trình toàn cầu hóa, liên kết kinh tế có những yếu tố tích cực mà các quốc gia có thể tranh thủ, đồng thời giải quyết các mặt tiêu cực.
"Thủ tướng cũng đã trình bày rất rõ về chủ trương đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và quyết tâm của Việt Nam xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, tạo điều kiện cho toàn bộ nền kinh tế phát triển. Qua đó tạo điều kiện liên kết kinh tế và hội nhập quốc tế” – ông Lê Hoài Trung nói.
Đánh dấu một giai đoạn hợp tác mới trong lĩnh vực kinh tế
Chuyến đi này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh dấu một giai đoạn hợp tác mới trong lĩnh vực kinh tế. Lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe cùng tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam với quy mô lớn. Hội nghị có sự tham dự của khoảng 1.300 doanh nghiệp Nhật Bản và khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam. Việc cả hai Thủ tướng tham gia sự kiện này chính là thông điệp đối với doanh nghiệp, ủng hộ mạnh mẽ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.
Tại Hội nghị tương lai Châu Á lần thứ 23, Thủ tướng đã đề xuất ba nhóm giải pháp giải quyết thách thức của Châu Á. |
Tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo các Bộ ngành của Việt Nam đã trực tiếp giải đáp các vấn đề mà nhà đầu tư nêu ra nêu lên những thuận lợi về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản hãy tin tưởng vào những cố gắng không mệt mỏi của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam muốn chia sẻ tầm nhìn hợp tác chiến lược không chỉ trong 5-10 năm tới mà là cho các thế hệ con cháu mai sau.
Đáng chú ý là trong hàng loạt các cuộc làm việc, tiếp xúc của Thủ tướng với các tổ chức kinh tế và lãnh đạo tập đoàn hàng đầu của nhật Bản, cả ở Tokyo và Osaka, các nhà đầu tư Nhật Bản bày tỏ sự thiện cảm về đất nước, con người Việt Nam; đánh giá cao môi trường đầu tư hấp dẫn của Việt Nam.
Bà Yuri Sato, Phó Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết: ”Hàng năm JETRO đều khảo sát doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư khu vực Châu Á và Châu Đại Dương, lợi thế của Việt Nam là môi trường đầu tư kinh doanh. 63% số doanh nghiệp cho rằng Việt Nam có chính trị và xã hội ổn định, quy mô của thị trường lớn và tăng trưởng cao. Khi được hỏi các doanh nghiệp đã đầu tư tại Việt Nam, cứ 3 doanh nghiệp thì có một doanh nghiệp mong muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Đó là do doanh nghiệp Nhật Bản tăng trưởng doanh thu khi đầu tư vào Việt Nam và đánh giá thị trường Việt Nam rất triển vọng”.
Trong chuyến thăm này của Thủ tướng, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã ký 43 văn kiện hợp tác trị giá trên 22 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, đánh giá: ”Các nhà đầu tư Nhật Bản, các chính giới và nhà nghiên cứu đều cho rằng, cả về hợp tác phát triển, cả về đầu tư có lẽ đã bước sang giai đoạn mới cao hơn. Điều đó có thể thấy thông qua việc hợp tác trong các lĩnh vực đáp ứng nhu cầu đổi mới về thể chế kinh tế của Việt Nam, phục vụ những ưu tiên của Việt Nam như cải cách doanh nghiệp Nhà nước, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân. Họ không những tăng về mặt số lượng mà mở sang nhiều lĩnh vực khác mà chúng ta rất quan tâm. Đó là phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Các nhà đầu tư Nhật Bản cho rằng đó cũng là lợi ích của họ”.
Trong chuyến đi, cùng với hoạt động xúc tiến đầu tư, Thủ tướng cũng dành thời gian thị sát hàng hóa Việt Nam được bán tại Trung tâm thương mại Aeon Laketown ở tỉnh Saitama, qua đó tìm hiểu thực tế để tìm biện pháp tăng cường đưa hàng Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.
Chuyến công tác của Thủ tướng đã thành công tốt đẹp, mang lại kết quả thiết thực, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước. Cùng với thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, giáo dục thì còn thúc đẩy giao lưu nhân dân góp phần thắt chặt thêm tình cảm giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.