Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 11 tháng 7 năm 2016 | 2:48

Làm vườn cây trái để ngàn năm…

Trong hơn 20 năm giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Trìu đã đặt chân đến nhiều vùng miền của đất nước để tham quan, đánh giá những mô hình kinh tế điển hình của hội viên, kịp thời động viên những sáng kiến, nỗ lực của họ. Suốt những năm tháng đó, ông dành nhiều tâm huyết cho tổ chức Hội và mô hình kinh tế VAC với ước mong, nông dân có thể giàu lên từ nghề vườn và mỗi vùng quê là một màu xanh trù phú của hoa thơm trái ngọt.



Những viên gạch đầu tiên

Từ mô hình “vườn cây - áo cá” của Bác Hồ, ý tưởng thành lập một tổ chức hội nghề nghiệp, tập hợp những người có đam mê nghề vườn được nhen nhóm trong đầu Chủ tịch Nguyễn Ngọc Trìu, khi đó đang là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp thời đó. Khi Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 31-BT ngày 22/2/1986, ông cũng luôn theo sát từng bước đi của Hội ngay từ những ngày đầu gian khó. Những năm sau này, khi công tác tại HLV trên cương vị chủ tịch, ông như được trở về mái nhà của mình. Hơn 20 năm qua, bước chân ông đã đến khắp mọi miền đất nước, cả những vùng miền núi xa xôi, hiểm trở, kịp thời phát hiện, động viên những nhân tố, điển hình mới trong phong trào phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại. Ông bảo, chính những nhân tố ấy đã góp phần khẳng định vị thế của mô hình VAC trong nông nghiệp, nông thôn, chứng tỏ phát triển VAC là một lựa chọn đúng đắn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi.

Trong những cuộc trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Trìu thường hay nhắc đến những gian khó của Hội ngày đầu mới thành lập. Từng bước vững chắc, những cơ sở Hội ở các địa phương cứ thế lan tỏa, như khẳng định sức sống mãnh liệt của mô hình kinh tế VAC, vốn được tiếp thu và phát triển từ nghề làm vườn truyền thống của cha ông. Nhưng điều quan trọng hơn là, sự lớn mạnh của tổ chức HLV cùng mô hình kinh tế VAC qua năm tháng đã chứng tỏ những nghi ngại của một số ý kiến cho rằng tổ chức Hội chỉ là nơi những người già vui thú điền viên là không cần thiết. Bởi theo Chủ tịch, thực tế đã chứng minh, VAC là mô hình sinh thái khép kín không có vật thải, đầu ra của loại này có thể là thức ăn của loại khác nên đảm bảo thân thiện với môi trường. Sự phát triển đa dạng các loại hình vườn sao cho phù hợp với từng vùng sinh thái cũng chứng tỏ sự sáng tạo của hội viên, vượt ra khỏi mảnh vườn, vuông ao chật hẹp (với mục tiêu ban đầu là đảm bảo dinh dưỡng trong bữa ăn của mỗi gia đình), giờ đây kinh tế VAC đã có đóng góp đáng kể trong kinh tế hộ, giúp nhiều nông dân thoát nghèo, làm giàu, không những thế còn đóng góp nhiều nông sản xuất khẩu có giá trị.

Giờ đây, trên khắp mọi miền đất nước, đâu đâu cũng thấy những mô hình kinh tế VAC do nông dân, hội viên HLV xây dựng và phát triển dựa trên đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng miền. Vị chủ tịch giàu tâm huyết và nhiệt tình không giấu được niềm tự hào khi nhắc đến những miền hoa thơm trái ngọt, được hình thành từ bàn tay vun xới của người nông dân, từ ý chí vượt khó vươn lên. Này là vùng vải thiều trải dài từ Thanh Hà (Hải Dương) đến Lục Ngạn (Bắc Giang); này là vườn nhãn ngọt Phố Hiến (Hưng Yên); rồi đến những vườn thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở Bình Thuận, những miệt vườn sum suê hoa trái ở Tiền Giang, Đồng Tháp, những vuông tôm, ao cá cho thu nhập bạc tỷ,… Ngay cả ở những vùng miền núi khó khăn, mô hình VAC cũng bén rễ và nảy nở, với những cách làm sáng tạo, được đúc kết từ chính thực tiễn sản xuất của hội viên và nông dân. Nhiều hội viên HLV đã trở thành những ông, bà chủ năng động, nhanh nhạy trong làm ăn, phát triển kinh tế.

Cơ hội mới, thách thức mới

Trải qua 28 năm hình thành và phát triển, qua 5 kỳ đại hội, dẫu còn muôn vàn gian khó, HLV vẫn khẳng định được vị thế là tổ chức xã hội nghề nghiệp lớn mạnh trong khối nông nghiệp, nông thôn. Trong sự lớn mạnh ấy có dấu ấn rất quan trọng của vị chủ tịch nhiều đam mê, tâm huyết, dành trọn thời gian cho mô hình kinh tế VAC, cùng hội viên, nông dân tiếp tục phát triển mô hình lên tầm cao mới.

Điều đáng ghi nhận là đến nay cả nước đã có 15 tỉnh Hội được công nhận là Hội có tính chất đặc thù, được hưởng trợ cấp thường xuyên từ ngân sách nhà nước. Điều đó chứng tỏ vai trò đóng góp của Hội trong sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội được chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao.

Chủ tịch Nguyễn Ngọc Trìu cho biết, trong 5 nhiệm kỳ qua, tổ chức Hội không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Khi mới thành lập, Hội chỉ có chỉ có 4 tổ chức Hội ở 4 tỉnh, thành phố, 4 huyện, 12 xã với 125 hội viên; đến năm 2013 có trên 820.000 hội viên, 18.481 chi Hội, 6.197 Hội cấp xã và 493 Hội cấp huyện. So với cuối nhiệm kỳ trước tăng 30.000 hội viên, 6.149 chi hội cấp thôn, bản. Điều đáng ghi nhận là, đến nay cả nước đã có 15 tỉnh Hội được công nhận là Hội có tính chất đặc thù, được hưởng trợ cấp thường xuyên từ ngân sách nhà nước. Điều đó chứng tỏ vai trò đóng góp của Hội trong sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội được chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao.

Một điểm nhấn quan trọng trong hoạt động Hội nhiệm kỳ qua, theo Chủ tịch Nguyễn Ngọc Trìu là, bên cạnh việc đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, xây dựng các mô hình kinh tế VAC hàng hóa cho giá trị thu nhập cao, lãnh đạo Hội các cấp còn vận động hội viên và nông dân phát triển sản xuất theo hướng GAP (thực hành nông nghiệp tốt) để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, phong trào này đặc biệt phát triển ở các tỉnh phía Nam, nơi có những vùng sản xuất cây ăn trái tập trung như: An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An, Trà Vinh, Bến Tre, Đồng Tháp... Chính điều này đã góp phần “nâng tầm” cho mô hình kinh tế VAC, kinh tế trang trại, giúp cho các loại nông sản của nhà vườn có cơ hội vươn xa.

Theo Chủ tịch Nguyễn Ngọc Trìu, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, phong trào xây dựng nông thôn mới cũng đang phát triển rầm rộ ở các địa phương, chính vì vậy, trong nhiệm kỳ tới, hoạt động của Hội cũng phải bám sát chủ trương này.

Củng cố và phát triển tổ chức Hội luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng nhưng trong thời gian tới, phải đặt trọng tâm vào việc củng cố tổ chức Hội và chi Hội ở cấp xã và thôn, bản. Phát triển các mô hình tổ chức hoạt động có hiệu quả, phát huy được vị thế Hội như mô hình câu lạc bộ trang trại, hợp tác xã cổ phần, công ty dịch vụ VAC, giúp hội viên phát triển sản xuất và kinh doanh dịch vụ... Rà soát, chấn chỉnh lại tổ chức, khắc phục tình trạng sinh hoạt lỏng lẻo.

Để đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Trìu cho rằng, với kinh nghiệm chỉ đạo vận động và xây dựng các mô hình kinh tế VAC, kinh tế trang trại, HLV có thể đề xuất xây dựng các chương trình, dự án phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho hội viên và nông dân, một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Phát triển kinh tế VAC theo hướng GAP đã trở thành phong trào ở nhiều vùng, nhất là ở vùng chuyên sản xuất hàng hoá đã được cấp chứng chỉ VietGAP, Global GAP đủ tiêu chuẩn xuất sang thị trường EU, Mỹ, Nhật , Hàn Quốc... Nhiều mô hình trồng cây ăn quả theo hướng GAP đã gắn kết được với các doanh nghiệp xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm ổn định. Đây là hướng triển khai làm kinh tế VAC thích hợp với xu thế hội nhập quốc tế cần được vận động và phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các cấp Hội cần hướng hội viên đến những mô hình sản xuất an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường.

Trước thềm Đại hội VI, vị chủ tịch lão thành của Hội vẫn còn ngổn ngang nhiều suy tư nhưng cũng đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển vững mạnh của Hội trong thời gian tới. Và ông mong muốn, mỗi làng quê Việt Nam sẽ là những bức tranh nông thôn mới hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ được nét truyền thống với ao, vườn, với màu xanh ngút ngàn của hoa trái. Màu xanh ấy không chỉ tạo nên nét riêng biệt của nông thôn Việt mà còn mang lại ấm no. Tất nhiên, để đạt được điều đó, không chỉ cần nỗ lực của nông dân mà còn cần hệ thống chính sách đồng bộ giúp nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững mà không đánh mất bản sắc, hiện đại hóa không đồng nghĩa với “nhà máy hóa” những cánh đồng, những khu vườn, mảnh ruộng và “bê tông hóa” những mái nhà.

 

Những mốc son

- Đại hội đại biểu toàn quốc HLV Việt Nam lần thứ I được tổ chức ngày 13/1/1986. Khi Hội mới thành lập, chỉ có 4 tổ chức Hội ở 4 tỉnh, thành phố, 4 huyện, 12 xã với 125 hội viên. Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương do ông Nghiêm Xuân Yêm làm Chủ tịch.

- Đại hội đại biểu toàn quốc HLV Việt Nam lần thứ II (8-10/10/1992) có 110 đại biểu tham dự. Đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội.

- Đại hội đại biểu toàn quốc HLV Việt Nam lần thứ III được tổ chức từ ngày 25-26/12/1997 tại Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội.

- Đại hội đại biểu toàn quốc HLV Việt Nam lần thứ IV (24-25/12/2003) có 400 đại biểu tham dự. Đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội.

- Đại hội đại biểu toàn quốc HLV Việt Nam lần thứ V (25-26/3/2009) có 350 đại biểu tham dự. Đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội.

- Đại hội đại biểu toàn quốc HLV Việt Nam lần thứ VI (14-15/4/2014) có khoảng 500 đại biểu tham dự.

Khánh Nguyên

(bài viết đăng trên KTNT năm 2014)

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top