Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 27 tháng 1 năm 2018 | 1:36

Làng nghề Quảng Trị mùa Tết

Những ngày tháng Chạp vẫn còn mưa phùn lắc rắc và rét ngọt, nhiều làng nghề truyền thống chuyên phục vụ Tết ở huyện Hải Lăng (Quang Trị) đang “đỏ lửa”, huy động tối đa nhân lực, vật lực để hoàn thành những mẻ hàng cuối cùng trong năm để kịp thời cung ứng ra thị trường.

Làng nghề làm mứt gừng ở Mỹ Chánh, xã Hải Chánh vào vụ Tết.

Làng mứt gừng Mỹ Chánh “đỏ lửa”

Thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh những ngày này dường như rộn rã hơn. Đi qua những đường làng ngõ xóm nghe thoang thoảng mùi thơm cay nồng của mứt gừng dậy lên từ những bếp than rực lửa hồng. Ghé thăm cơ sở sản xuất mứt gừng của gia đình anh Hồ Văn Tuấn, chúng tôi cảm nhận không khí hối hả, vui tươi. Anh Tuấn cho biết, bắt đầu từ đầu tháng Chạp đến nay cơ sở của anh tập trung nhân lực, nguyên liệu để sản xuất mứt. Mỗi ngày cơ sở của anh có đến 40 nhân công làm việc. “Năm nay cơ sở của gia đình tôi sản xuất khoảng 12 tấn mứt gừng. Giá bán sỉ năm nay khoảng 43.000 đồng/kg, cao hơn so với năm trước nên gia đình rất phấn khởi. Dự kiến sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có lãi khoảng 100 triệu đồng, thế là có một cái Tết sung túc, ấm cúng”, anh Tuấn vui vẻ nói.

Trong hơn một tháng sản xuất cao điểm này, cơ sở của anh Tuấn không chỉ tạo được thu nhập cho gia đình mà nhân công làm việc ở đây cũng có thu nhập từ 120.000 - 150.000 đồng/ngày công.

Gia đình ông Hồ Văn Trai những ngày này cũng tất bật sản xuất mứt gừng để kịp bỏ mối cho khách hàng đã đặt trước. Ông Trai cho hay, hiện cơ sở của ông thu hút khoảng 20 lao động. Bình quân mỗi ngày cơ sở của ông sản xuất được 3-4 tạ mứt gừng thành phẩm. “Nghề mứt gừng chỉ làm rộ trong 1 tháng cuối năm nhưng thu nhập gần bằng cả năm làm nông nghiệp nên ai cũng cố gắng hết sức. Điều quan trọng là phải đảm bảo được uy tín, giữ tốt chất lượng sản phẩm thì sẽ được khách hàng ưu tiên lựa chọn”, ông Trai nói.

Được biết, các cơ sở sản xuất mứt gừng ở thôn Mỹ Chánh lấy nguồn gừng nguyên liệu từ các tỉnh Tây Nguyên nên chi phí sản xuất cao hơn. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ mứt gừng Tết của Mỹ Chánh ngày càng mở rộng, nên bà con rất phấn khởi, đặc biệt là từ khi làng nghề mứt gừng truyền thống Mỹ Chánh được UBND tỉnh công nhận vào năm 2012.

Anh Bùi Văn Sinh, Phó chủ tịch UBND xã Hải Chánh, cho biết, mùa mứt Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 này, sản lượng mứt gừng thành phẩm của làng nghề Mỹ Chánh xuất ra thị trường ước đạt từ 60-70 tấn, mang lại tổng doanh thu trên 30 tỷ đồng. Hiện toàn thôn Mỹ Chánh có khoảng 20 hộ làm nghề, trong đó có 12 cơ sở quy mô lớn với sản lượng 5-15 tấn mứt/cơ sở. Mỗi vụ mứt Tết làng nghề thu hút và giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho khoảng 200 lao động nhàn rỗi tại địa phương và các xã lân cận.

“Sản phẩm mứt gừng Mỹ Chánh ngày càng được thị trường đón nhận, hiện sản phẩm đã được bày bán ở một số siêu thị, chợ, cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Tin vui nữa là năm nay riêng gừng tươi được trồng tại địa phương đã tự cung ứng được khoảng 20% nguyên liệu cho bà con sản xuất mứt. Những năm tới chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng phát triển mô hình trồng gừng trong bao xi măng để tiến tới chủ động dần nguồn nguyên liệu”, anh Sinh khẳng định.   

Rượu Kim Long: Nâng cao chất lượng, đẩy mạnh quảng bá

Rượu làng Kim Long.

Gia đình ông Nguyễn Dõng, một trong những hộ sản xuất rượu lâu năm và quy mô lớn ở thôn Kim Long, xã Hải Quế những ngày này thường trực bên bếp lửa để nấu rượu phục vụ Tết. Ông Dõng cho biết, Tết năm nay gia đình ông chuẩn bị sẵn cho khách đặt với số lượng khoảng 1.000 lít rượu các loại. Ông Dõng vui vẻ nói: “Mỗi năm gia đình tôi nấu tổng cộng khoảng 2.000 lít, riêng mùa Tết thì rượu xuất bán đã chiếm 1/2. Năm nay gia đình tôi làm các loại rượu đặc sản như rượu gạo thảo dược, gạo thường và rượu nếp địa phương. Giá bán tại gia đình là 75.000 đồng/lít rượu thảo dược, 55.000 đồng/lít rượu nếp và 25.000 đồng/lít rượu gạo thường”.

Các gia đình ở Kim Long nấu rượu theo cách thủ công truyền thống, người dân tự sản xuất men kết hợp với nguồn nước tại địa phương, đun bằng củi phi lao nên cho ra những mẻ rượu đậm đà, thơm dịu, để càng lâu càng ngon.

Anh Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc HTX Kim Long, cho biết, làng nghề rượu Kim Long sản xuất rượu quanh năm nhưng vào mùa Tết sản lượng thường vượt trội. Năm nay, các hộ chuyên nấu rượu ở thôn Kim Long chuẩn bị cung ứng cho thị trường Tết hàng chục nghìn lít rượu các loại. “Làng nghề hiện có khoảng 150 hộ chuyên nấu rượu, trong đó có 50 hộ nấu số lượng trên 1.000 lít/năm. Thị trường tiêu thụ rượu của làng ngày càng được mở rộng, bình quân mỗi năm có khoảng  20.000 -30.000 lít rượu của làng được xuất bán ra thị trường. Các gia đình nấu rượu thường kết hợp lấy phụ phẩm, hèm rượu để chăn nuôi lợn nên đã mang lại nguồn thu nhập ổn định”, anh Phước cho biết.

Để nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm làng nghề, thời gian qua, HTX Kim Long đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Bên cạnh việc động viên bà con tuân thủ nghiêm ngặt cách thức nấu rượu thủ công truyền thống, HTX còn mạnh dạn quy hoạch vùng nguyên liệu lúa, nếp đặc sản để cung cấp cho bà con nấu ra sản phẩm rượu có chất lượng thơm ngon hơn. Tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, những ngày cuối năm này, HTX Kim Long đã hoàn thành gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm rượu Kim Long ngay trung tâm của làng để quảng bá đến du khách gần xa. “HTX cũng vừa tiếp nhận 2 máy lọc khử aldehyd trong rượu với công suất lọc khử 50 lít/giờ/máy nhằm cung ứng sản phẩm ra thị trường đạt tiêu chuẩn. Thời gian tới, HTX sẽ đóng dấu chứng nhận sản phẩm rượu của các hộ gia đình đã qua lọc khử trước khi xuất bán, để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và uy tín của rượu Kim Long”, anh Phước chia sẻ.

Đức Việt

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top