Theo thông lệ, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trong tháng Giêng, Hai và Ba, nhiều lễ hội lớn nhỏ sẽ diễn ra từ Bắc vào Nam.
Tuy nhiên, năm 2021, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mùa lễ hội không còn rộn ràng, nhộn nhịp như trước. Nhiều địa phương thông báo tạm dừng khai hội, đóng cửa các di tích, nơi thờ tự. Có những lễ hội chỉ còn phần lễ, tạm dừng phần hội...
Vắng lặng
Anh T.H.T, người dân sinh sống tại khu vực Hà Đông (Hà Nội), chia sẻ: “Mọi năm, cả gia đình đều đi chùa Trấn Quốc (Tây Hồ, Hà Nội) để làm lễ cầu một năm mới an khang, thịnh vượng vào mùng 1 Tết nhưng năm nay, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chỉ mình tôi đi để tránh đông người”.
Tại phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), lượng khách đến làm lễ cũng giảm so với năm ngoái. Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn An (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: “Mùng 1 Tết, tôi đến phủ làm lễ nhanh, gọn để tránh tụ tập đông người. Vì an toàn bản thân và cộng đồng, tôi hy vọng mọi người chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng”.
Ghi nhận tại chùa Bằng (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), lượng du khách vắng vẻ hơn so với mọi năm, người dân ý thức mang khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào chùa xin lộc, lấy vía may mắn đầu năm mới. Ban tổ chức luôn túc trực để nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, sát khuẩn tay.
Vốn là một trong những di tích đón hàng vạn lượt khách mỗi dịp năm mới, giờ chỉ vài chục khách đến tham quan Văn Miếu trong ngày. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văm Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, khi đại dịch ập đến, di tích hụt mất khoảng 80% du khách so với năm 2019. Đầu năm 2021, khách giảm sâu 90% do mấy tuần đóng cửa để thực hiện phòng, chống dịch.
Anh Phí Văn Khánh, xã Yên Phú (Hàm Yên - Tuyên Quang) tâm sự: Tết năm nào gia đình cũng đi lễ đền Thác Cái. Năm nay dịch bệnh nên tôi đi một mình để hạn chế đông người nơi công cộng. Tôi tuân thủ đeo khẩu trang phòng dịch bệnh, thực hiện sát khuẩn theo đúng hướng dẫn của Ban Quản lý đền.
Theo anh Khánh, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhà chùa đã bố trí người nhắc nhở người dân khi vào chùa phải đeo khẩu trang và thực hiện sát khuẩn. Bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, nhà chùa không tổ chức nấu ăn cho khách thập phương như mọi năm để hạn chế đông người. Những người chưa chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch đều được nhà chùa nhắc nhở, thậm chí không cho vào nếu tuân thủ không tốt.
Thay đổi cách thức tổ chức
Để đáp ứng nhu cầu của người dân vào dịp đầu Xuân, nhiều cơ sở thờ tự đã thử nghiệm tổ chức các nghi lễ Phật giáo như cầu an, cúng dường, công đức bằng hình thức online.
Đến vãn cảnh chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội), sư trụ trì cho biết, đại lễ cầu an năm nay đã được nhà chùa tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đại lễ được phát trực tiếp cùng thời điểm trên fanpage và kênh Youtube của nhà chùa để người dân không tập trung đông tại chùa. Phương thức này, vừa đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, vừa thỏa mãn yếu tố tâm linh cho nhân dân.
“Chùa Hoa Yên, khu danh thắng Yên Tử, thay vì tổ chức lễ khai mạc hội Xuân như hàng năm, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành các nghi lễ khai Xuân với số lượng người tham gia hạn chế theo quy định phòng, chống dịch. Các nghi thức dâng hương, lễ phật, đóng dấu thiêng Yên Tử… diễn ra đầy đủ, ngắn gọn và trang nghiêm, tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã hướng dẫn các chùa và phật tử không tổ chức các nghi lễ tôn giáo tập trung đông người”, Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Với khu di tích đền Trần (Nam Định), mọi năm lượng khách thập phương đổ về đây tham gia Lễ khai ấn rất đông. Tuy nhiên, năm nay đền Trần cũng hủy phần Lễ khai ấn nhằm hạn chế người dân tụ tập.
"Việc tổ chức Lễ khai ấn là việc phải làm để vinh danh các bậc tiền nhân có công với đất nước, nhưng hiện nay chúng ta đang chống dịch Covid-19 nên đền Trần hủy toàn bộ phần hội. Đền vẫn đón khách về Lễ nhưng với lượng khách quản lý được", ông Trần Huy Chiến, đại diện khu di tích đền Trần, cho biết.
Ông Chiến cho biết thêm, năm nay dù Lễ khai ấn đền Trần hủy tổ chức công khai, tuy nhiên nội bộ ban quản lý đền khoảng 35 người vẫn thực hiện việc khai ấn để giữ gìn truyền thống.
Theo ông Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, việc thực hiện các nghi lễ Phật giáo theo hình thức trực tuyến là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải thay đổi hình thức tổ chức các hoạt động Phật sự, các hoạt động thuần tuý Phật giáo.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo cũng cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra hơn một năm qua, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới đều tổ chức thực hành các nghi lễ tôn giáo bằng hình thức trực tuyến. Việc tổ chức các nghi lễ tôn giáo bằng hình thức trực tuyến sẽ tiết kiệm chi phí. Đồng thời, có thể truyền tải đến số lượng đông đảo tín đồ và trên một phạm vi rộng lớn hơn nhiều so với tổ chức trực tiếp. Trong bối cảnh dịch bệnh và những điều kiện tương tự khác, việc tổ chức những nghi lễ tôn giáo bằng hình thức trực tuyến là lựa chọn phù hợp.
Nâng cao ý thức
Có thể nói, việc dừng hay thu hẹp quy mô tổ chức lễ hội không chỉ là thiệt hại với địa phương, ban tổ chức mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, chúng ta không thể đánh đổi kinh tế lấy sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Đặc biệt, đã có trường hợp một số đối tượng bất chấp dịch bệnh chạy theo kinh tế đưa “chui” du khách vào đền, chùa để cúng bái. Cụ thể, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) vừa ra quyết định xử phạt hành chính 2 người dân địa phương bất chấp lệnh cấm, đưa khách vào chùa Hương bằng đường tắt với giá hơn 1 triệu đồng/người và đưa tin trên loa phát thanh xã Hương Sơn.
Từ trường hợp ở trên có thể nhận thấy tâm lý chủ quan đối với dịch bệnh ở một bộ phận người dân khi tham dự lễ hội vẫn đang tồn tại. Do vậy, để công tác phòng chống dịch hoạt động hiệu quả hơn nữa thì ý thức của mỗi người là điều quan trọng hơn hết.
Trong giai đoạn dịch bệnh đang hoành hành thì mỗi cá nhân, tập thể nên tự ý thức để bảo vệ chính mình và cộng đồng. Cần thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là ở nơi công cộng, trong đó có hoạt động du xuân vãn cảnh đền, chùa như đeo khẩu trang y tế đúng cách, hạn chế tiếp xúc với người bệnh viêm đường hô hấp cấp, giữ ấm cơ thể, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng, không tụ tập đông người...
Cùng với đó, chính quyền các địa phương và cả những người có chức trách ở các cơ sở tôn giáo cần phải thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đối với việc phổ biến, tuyên truyền, kêu gọi, khuyến cáo và thực hiện việc ngăn chặn người dân tụ tập đến lễ bái. Đối với những trường hợp cố ý tập trung đông người nơi công cộng trái quy định của pháp luật làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sau nhiều ngày không có ca mắc Covid-19 mới tại Hà Nội, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã đồng ý để các quận, huyện, nếu đủ điều kiện có thể mở cửa các di tích, cơ sở tôn giáo trở lại từ ngày 8/3.
Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về việc quản lý trên địa bàn.
UBND Thành phố yêu cầu, các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, đáp ứng nhu cầu tâm linh đầu năm của nhân dân cần có sự sắp xếp phù hợp về quy mô; khuyến khích các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, điểm nhóm tín ngưỡng tổ chức tập trung các nghi lễ dưới hình thức trực tuyến online, đồng thời chia nhỏ quy mô cuộc lễ, vừa bảo đảm sự tôn nghiêm vừa bảo đảm phòng, chống dịch.
Tại Bắc Ninh, UBND tỉnh cho phép các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, các di tích văn hóa-lịch sử, điểm du lịch tại tỉnh được hoạt động trở lại từ ngày 8/3.
UBND tỉnh yêu cầu các sự kiện văn hóa chỉ được tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội và phải đảm bảo khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 1m.
Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch, tỉnh Bắc Ninh khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm “5K” (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế) của Bộ Y tế và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.