Dưới thời ông, Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ với các nước lớn trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ, gia nhập ASEAN, và khởi động quá trình hội nhập quốc tế. Ông sống giản dị, gần gũi, chân tình, nhưng rất sâu sắc và nhân văn".
LTS: Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Sanh Châu từng là người phiên dịch cho các lãnh đạo cao cấp thời Việt Nam bắt đầu hội nhập, trong đó có Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Tuần Việt Nam xin giới thiệu cuộc trò chuyện với đại sứ Phạm Sanh Châu về những kỷ niệm về ông Lê Đức Anh.
Ông Lê Đức Anh cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (khi ấy là Phó Thủ tướng) trong lễ mừng thọ năm 2014 của ông. Ảnh: VietNamNet |
Ông bắt đầu phiên dịch cho Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ khi nào?
Ông nhậm chức từ năm 1991 và kết thúc nhiệm kỳ năm 1997; còn tôi bắt đầu dịch cho ông từ năm 1993 và nhiều nhất là vào giai đoạn 1995-1997.
Dịch cho Chủ tịch Lê Đức Anh khác với những lãnh đạo khác thế nào?
Trong số 10 nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam mà tôi được phục vụ với tư cách phiên dịch viên, Chủ tịch Lê Đức Anh đã để lại trong tôi một dấu ấn hoàn toàn riêng biệt.
Thứ nhất, ông rất cao lớn, bề thế, tướng mạo lừng lững. Là vị Đại tướng kinh qua nhiều năm tháng trận mạc, ông tạo ra một uy rất lớn của người lãnh đạo.
Thứ hai, ông nói rất ít. Câu ngắn, ít từ, nhưng rất xúc tích. Trước khi nói, hoặc giữa các câu, thời gian lặng để ông chọn ra từ thích hợp rất lâu. Trong khi đó, ông Võ Văn Kiệt thường chỉ nói đại ý, ý ra trước từ ra sau, tôi phải hiểu ý ông để triển khai chuyển tải thành mạch câu. Ông Đỗ Mười thì nói hóm hỉnh, gần gũi, dân gian và hay pha trò.
Do cách diễn đạt của ông Lê Đức Anh, người nghe rất hồi hộp xem ông nói gì. Nhờ có thời gian làm quen với tư duy của ông nên khi ông nói ra tôi hiểu ngay ý ông. Tôi chỉ việc tìm từ hợp lý để dịch. Những câu nói của ông Lê Đức Anh rất sâu sắc và tôi cảm thấy sự từng trải của một người lính dày dạn trận mạc.
Khi dịch cho ông Lê Đức Anh câu chuyện luôn cẳng thẳng nặng nề vậy sao?
Cũng không hẳn. Có những lúc, câu chuyện của ông cũng nhẹ nhàng, nói chung là tùy theo bối cảnh. Có lần, gặp nguyên thủ một nước, ông nói một câu mà tôi rất ấn tượng: “Việt Nam chúng tôi còn rất nhiều khó khăn, mà một trong những khó khăn đó là chúng tôi phải giải quyết hậu quả chiến tranh…”
Mệnh đề “giải quyết hậu quả chiến tranh” hồi đó các vị lãnh đạo hay nói lắm mà…
Đúng vậy, nhưng ấn tượng là ở câu giải thích tiếp theo. Ông nói: “Có lẽ, chẳng có nhiều nước như Việt Nam, dành dụm được bao nhiêu tiền lại phải dành một nửa trong số đó để chi trả cho những nạn nhân chiến tranh, hay gia đình những người đã hy sinh vì đất nước”. Tức là nước khác kiếm được tiền thì dành phần nhiều cho phát triển, còn Việt Nam phải dành một nửa để tri ân quá khứ.
Hay một lần, ông gặp Fidel Castro tại Hội nghị Các nước không liên kết ở Cartagena de Indias (Colombia) năm 1995. Lúc đó, Việt Nam đã mở cửa gần chục năm, còn Cuba hoàn toàn đóng cửa và họ hiểu lầm rằng Việt Nam đã đi chệch hướng chủ nghĩa xã hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra.
Không giải thích nhiều, ông Lê Đức Anh chỉ nói với Fidel một câu: “Bác Hồ của chúng tôi có nói một câu “dĩ bất biến ứng vạn biến” và chúng tôi cứ theo phương châm đó mà làm thôi”. Ông đã nhắc lại câu này trong chuyến đi thăm Cuba sau đó.
Thông điệp trong câu đó rất mạnh, tức là Việt Nam phải xác định được cái gì là nguyên tắc cốt lõi, và cái gì được phép linh hoạt, nếu không nhân dân ắt sẽ khổ. Fidel chỉ ghi nhận thôi, chứ Cuba đến 20 chục năm sau mới mở cửa.
Tức là ông Lê Đức Anh, khi nói chuyện với từng đối tượng khác nhau, luôn có cách nói khác nhau?
Đúng. Khi nói chuyện, ông luôn ngồi suy nghĩ xem ứng xử thế nào cho thích hợp, đưa ra ý kiến cá nhân của ông, bên cạnh việc sử dụng các kiến nghị phát biểu do các cơ quan chức năng chuẩn bị. Tôi rất thích ông ở đặc điểm này.
Trong những lần tháp tùng Chủ tịch nước Lê Đức Anh ra nước ngoài, ông nhớ nhất chuyến đi nào?
Tất nhiên, đó là chuyến đi New York (Mỹ) vào tháng 9/1995, Chủ tịch Lê Đức Anh tham dự phiên họp của Liên Hợp Quốc. Việt Nam mới bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ vào tháng 7 và chưa bổ nhiệm Đại sứ, mà chỉ có Đại sứ Ngô Quang Xuân, Trưởng Phái đoàn Đại diện của Việt Nam tại New York.
Đại sứ Ngô Quang Xuân đã khóc, khi lần đầu tiên thấy máy bay Việt Nam, do phi công Nguyễn Thành Trung (người ném bom xuống Dinh Độc lập tháng 4/1975) lái, hạ cánh xuống đất Mỹ, và anh Trung đã vẫy cờ Việt Nam ra từ trong buồng lái, lúc máy bay lăn bánh vào bãi đỗ.
Trong chuyến đi đó, Chủ tịch Lê Đức Anh đã thay mặt chính phủ và nhân dân Việt Nam tặng Liên Hiệp Quốc một phiên bản trống đồng, và đã đọc một bài diễn văn rất ý nghĩa. Tổng thư ký LHQ Boutros Boutros-Ghali đã đáp từ bằng một bài diễn văn giàu cảm xúc.
Cũng trong chuyến đó có một kỷ niệm tôi cho rất sâu sắc, khi Chủ tịch Lê Đức Anh quyết định đi thăm thành phố Harlem, nằm cạnh New York. Đây là thành phố toàn người nghèo, nơi Bác Hồ đã từng đến. Tất cả mọi người đều không đồng ý, kể cả an ninh Mỹ vì không có trong chương trình. Nhưng cái chính là họ sợ không đảm bảo được an ninh vì Harlem có nhiều tội phạm. Tuy nhiên, Chủ tịch Lê Đức Anh đã quyết và mọi người phải nghe theo.
Vì không có địa chỉ cụ thể, Chủ tịch bảo cứ đi đến khu đó vì ông muốn thăm nơi Bác Hồ đã từng sống. Lúc đến khu vực Harlem, tôi ngồi trên xe với vệ sĩ của đoàn, và thấy tất cả các sĩ quan tháp tùng của Mỹ đồng thời lên đạn hết các loại súng và cho mở tất cả cửa xe trong khi ô tô đang chạy. Họ sẵn sàng nhảy xuống và nổ súng, nếu gặp bất trắc.
Sau đó, Chủ tịch Lê Đức Anh bảo xe dừng lại, ông đi xuống xe và lên vỉa hè đi về phía một người da đen trông rất nghèo khổ. Mọi người nín thở chờ đợi, trong khi ông cứ thản nhiên hỏi chuyện người da đen ấy. Tôi lúc ấy phải đến bên cạnh để dịch. Đúng là ông tướng chiến trường có khác, tôi thầm nghĩ, chẳng coi chuyện mà an ninh Mỹ lo sợ là gì.
Sau Bác Hồ, ông Lê Đức Anh là Chủ tịch nước duy nhất nắm cả quốc phòng, an ninh và ngoại giao. Điều đó tạo ra sự khác biệt ở ông?
Tôi có cảm nhận điều đó khi đi dịch cho cả ba vị lãnh đạo tối cao lúc đó.
Tổng Bí thư Đỗ Mười chuyên về tư tưởng, đường lối. Cá nhân ông cũng đọc rất nhiều và quan tâm đến đường lối phát triển kinh tế. Thủ tướng Võ Văn Kiệt thiên về các biện pháp mạnh mẽ, táo bạo nhằm đổi mới kinh tế. Chủ tịch Nước Lê Đức Anh nắm cả ba lĩnh vực, như anh nói. Lúc đó Bộ Ngoại giao thường báo cáo với Chủ tịch nước Lê Đức Anh để xin chủ trương.
Có phải trong việc bình thường hóa với Trung Quốc năm 1991, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh có vai trò khơi mào quan trọng, nên sau khi lên Chủ tịch nước ông nắm luôn là ngành ngoại giao?
Lúc đó còn trẻ và còn là phiên dịch viên, nên tôi chỉ biết đó là phân công trong Bộ Chính trị. Vào thời điểm đó, Việt Nam chưa bình thường hoá quan hệ với các nước lớn, chưa hội nhập với khu vực và thế giới, việc trao trọng trách như thế cũng thuận.
Mãi đến năm 1995, Việt Nam mới bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập ASEAN, cũng như ký Hiệp định Hợp tác với Liên minh châu Âu... Một đồng chí lãnh đạo cấp cao vào thời điểm đó phụ trách ba ngành an ninh, quốc phòng và ngoại giao khiến mọi việc được quyết định đồng bộ hơn.
Ông Lê Đức Anh và phu nhân thăm trung đoàn không quân 937 vào tháng 5-1996. Ảnh: Tư liệu/ SGGP |
Một nhà báo có nói rằng, thời kỳ ba ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt là thời “tam nhân phân quyền”. Ông có cảm thấy điều đó không?
Tôi có quan sát, và lại thấy nhiều quyết định quan trọng đều do ba ông bàn với nhau, quyết định về chủ trương, rồi phân công cho người phụ trách lĩnh vực đó xử lý cụ thể, hay phát biểu ra bên ngoài, tùy hoàn cảnh. Đương nhiên có các cơ chế khác của Đảng bao gồm Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Hội nghị Trung ương và Đại hội Đảng quyết định đường lối chung.
Tôi nhớ có một lần đi tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt dự Hội nghị Cấp cao không chính thức tháng 11/1996 tại Jakarta (Indonesia), Thủ tướng nói Tổng Bí thư và Chủ tịch nước giao ông một nhiệm vụ quan trọng mà ông không phải là người trực tiếp phụ trách.
Đó là việc gì?
Là đến nhà riêng để chia buồn với Tổng thống Suharto vì vợ ông ta mới mất, và tác động với Tổng thống để có thể sớm kết thúc đàm phán về thềm lục địa chồng lấn với Indonesia (bây giờ vẫn chưa xong – PV).
Đi dịch cho ba vị lãnh đạo ấy, ông thích làm việc với ai nhất?
Trong số 10 nhà lãnh đạo tôi đi dịch, tôi thích ông Lê Đức Anh nhất, mặc dù thời gian đi dịch không nhiều.
Vì sao?
Về quan hệ tình cảm, tôi khá gần với Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải. Nhưng Chủ tịch Lê Đức Anh là người đầu tiên cho tôi ân tình giữa người lãnh đạo và người phiên dịch.
Khi được giới thiệu là phiên dịch viên đi cùng ông, tự nhiên ông cầm lấy tay tôi và hỏi han về gia đình rất ân cần, rất kỹ lưỡng và rất lâu. Đó không phải tác phong của Tổng Bí Thư Đỗ Mười hay của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Ông ngồi hỏi cặn kẽ “ba cháu làm gì, mẹ cháu làm gì, nhà cháu ở đâu, anh em cháu thế nào, vợ con ra sao”. Tôi cảm nhận đó là sự chân tình rất thật, chứ không phải hỏi xã giao. Ông hỏi để biết con người sẽ phiên dịch cho mình là con người thế nào. Tôi cảm thấy rất ấm áp và trân trọng sự ân cần và tình cảm của ông. Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy thực sự xúc động trong lòng, khi làm việc với lãnh đạo cấp cao.
Sau đó, có một câu chuyện xẩy ra trong chuyến đi của Chủ tịch nước tới thăm căn cứ Subic của Philippines, sau khi ông thăm chính thức thủ đô Manila năm 1995. Khi sang Subic, Thống đốc Subic mở đại tiệc hoành tráng đón tiếp ông. Tham dự có các quan chức đi cùng. Về nguyên tắc, phiên dịch viên như tôi phải ngồi phía sau, không có ghế trong bàn tiệc.
Nhưng tự nhiên ông Lê Đức Anh hỏi: “Ghế của phiên dịch của tôi đâu?” Họ chỉ ở phía sau và ông không đồng ý. Họ rất bối rối vì chưa có tiền lệ như vậy. Để chiều ông họ buộc phải mang thêm ghế lên cho tôi ngồi cạnh ông trong bàn ăn.
Lần thứ ba là chính ông Lê Đức Anh đã viết thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Ngoại giao, đề nghị giúp đỡ tôi ứng cử vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO.
Khi đang làm Đại sứ tại EU ở Bruxel (Bỉ), tôi thấy bà Bokova người Bulgaria, một nước nhỏ vừa gia nhập Liên minh Châu Âu, ra ứng cử vị trí Tổng giám đốc UNESCO thành công. Tôi mới nghĩ tại sao mình không thử xem.
Trong một chuyến về nước công tác, tôi chia sẻ ý định đó cho các vị lãnh đạo mà tôi quen biết. Mọi người đều ủng hộ bằng lời nói, nhưng chỉ có nguyên Chủ tịch Lê Đức Anh thể hiện bằng hành động thiết thực - đó là viết thư cho Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao.
Đương nhiên thư của Chủ tịch chỉ có giá trị giới thiệu và tham khảo, vì quyết định giới thiệu một ứng cử viên của một quốc gia vào một vị trí lãnh đạo cao nhất của một tổ chức chuyên môn thuộc LHQ là một chuyện lớn, một quyết định có ý nghĩa quan trọng ở tầm quốc gia, nên phải cân nhắc thuận - nghịch, được - mất nhiều mặt, phải có qui trình tham khảo các bộ, ngành, phải thăm dò khả năng thắng cử và phải khảo sát khả năng đề cử của các quốc gia khác...
Hơn nữa, phải tổng hợp các ý kiến để trình Thủ tướng xin chủ trương. Sau khi Thủ tướng đồng ý lại trình xin ý kiến Ban Bí thư. Chuyện đó dài lắm, lúc nào tôi sẽ kể cho anh sau.
Xin hỏi ông câu cuối cùng. Là người có phong cách làm việc là gần gũi các lãnh đạo để giúp cho công việc phiên dịch tốt hơn, ông thấy ông Lê Đức Anh là người như thế nào?
Ông là người bình dị, ăn mặc đơn giản. Từ khi đi với ông, tôi cố gắng chọn bộ quần áo trang trọng mà giản dị để tôn vinh ông.
Thứ hai là ông luôn cố gắng tự làm mọi việc, mặc dù đôi khi sức khỏe ông không được tốt. Có những lúc thấy ông đi liêu xiêu, tôi muốn đỡ ông, nhưng ông bảo để ông tự đi. Có lẽ, năm tháng của đời lính đã rèn giũa ông có phẩm chất như vậy.
Thứ ba là ông rất kỷ luật về giờ giấc về tác phong. Khi họp ông ngồi nghe chăm chú từ đầu đến cuối, không bao giờ bỏ ra ngoài. Ông bảo phải tôn trọng họ ngay cả khi ông họp Hội nghị Cấp cao Liên hiệp quốc, nơi các nhà lãnh đạo khác chỉ đến khi họ phát biểu và rời ngay phòng họp khi phát biểu xong.
Nhưng trên hết cả, ông là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược. Dưới thời ông, Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ với các nước lớn trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ, gia nhập ASEAN và khởi động quá trình hội nhập quốc tế.
Ông là người lãnh đạo giản dị, gần gũi, chân tình, nhưng rất sâu sắc và nhân văn.
Xin cám ơn ông về cuộc nói chuyện chân tình này.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.