Vừa qua, đã có không ít vụ cháy nổ xảy ra gây thiệt hại lớn về người và của. Trong đó có những vụ cháy khiến dư luận bàng hoàng, đau xót, gióng lên hồi chuông báo động cho công tác PCCC.
Hậu quả đau lòng
Liêp tiếp hơn chục vụ cháy lớn nhỏ đã xảy ra trong 1 tuần trở lại đây tại Hà Nội. Chiều tối 13/8, một vụ cháy lớn xảy ra ở nhà kho của một gia đình thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội) khiến nhiều đồ đạc bị thiêu rụi.
Theo Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, vào hồi 18h cùng ngày nhận tin báo cháy tại kho để đồ của gia đình ông Nguyễn Văn T. (sinh năm 1967, thôn Thụy Hà, Bắc Hồng, Đông Anh, Hà Nội), Đội Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực 3 (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội) đã xuất 1 xe chữa cháy, 1 xe téc, Công an huyện Đông Anh xuất 2 xe chữa cháy cùng nhiều cán bộ chiến sĩ đến hiện trường tổ chức chữa cháy.
Sau khoảng 10 phút tổ chức chữa cháy, đám cháy được khống chế. Đến 19h26, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.
Diện tích kho để đồ cũ rộng khoảng 200m2, khu vực cháy rộng 40m2, không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản đang được thống kê.
Cũng theo báo cáo sơ bộ của Bộ Công an cho biết, chỉ tính riêng tháng 7 (từ ngày 15/6/2022 đến ngày 14/7/2022) cả nước đã ghi nhận 154 vụ cháy, làm chết 6 người, bị thương 3 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính hơn 77 tỷ đồng. Nhiều vụ việc để lại hậu quả thương tâm. Điển hình là vụ cháy ngày 1/8 vừa qua, xảy ra tại quán karaoke số 231 Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 3 chiến sĩ CS PCCC thiệt mạng. Trước đó vào tháng 4/2022, vụ hỏa hoạn xảy ra tại Khu B9, phường Kim Liên, quận Đống Đa đã khiến 5 người tử vong và 2 người bị thương.
Đặc biệt, đã có không ít các vụ cháy xảy ra tập trung nhiều tại các khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng, nguy cơ gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Nguyên nhân được xác định do nhiều yếu tố như: mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện làm mát tăng cao gây quá tải về điện. Cộng thêm mùa mưa bão khiến tình trạng chập cháy có chiều hướng gia tăng. Công tác PCCC tại các khu dân cư, doanh nghiệp còn tồn tại nhiều bất cập. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, yếu kém. Chưa kể tới sự lơ là, chủ quan của một bộ phận người dân, sự "phớt lờ" các quy định về PCCC của các doanh nghiệp.
Phòng cháy hơn chữa cháy
Đã có quá nhiều bài học từ các vụ việc đau lòng do cháy nổ gây ra. Chính vì vậy, mỗi người dân, các cơ quan doanh nghiệp cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cơ bản PCCC để xử lý trong mọi tình huống. Một số chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo "sống còn" như, tuyệt đối không để các vật liệu dễ cháy như xăng, dầu, khí đốt trong nhà. Trong trường hợp thật sự cần thiết phải có biện pháp PCCC an toàn.
Các vật dễ bắt lửa cần để xa nguồn điện. Tắt điện, rút nguồn các thiết bị điện không thiết yếu, đèn dầu, khói nhang khi ra khỏi nhà. Đặc biệt là cần khóa bình gas khi không sử dụng.
Khi xảy ra cháy nổ, cần hết sức bình tĩnh để xác định mức độ của đám cháy. Trong phạm vi kiểm soát được cần sử dụng ngay lập tức các thiết bị chữa cháy tại chỗ để dập lửa như bình chữa cháy, nước, các loại khăn ẩm, bao cát… Trong trường hợp ngoài khả năng kiểm soát cần khẩn trương bấm còi báo động. Gọi 114 và cung cấp các thông tin một cách chính xác nhất về vị trí đám cháy. Nhanh chóng ngắt cầu dao điện - aptomat, chặn tất cả các cửa phía sau đám cháy để ngăn lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh. Kịp thời di chuyển ra khu vực cửa thoát nạn.
Điều cần thiết đầu tiên và quan trọng nhất chính là thoát ra khỏi đám cháy nhanh nhất có thể, không cố mang đồ có giá trị hay vật nuôi trong nhà, không cố tìm hiểu nguyên nhân đám cháy. Sử dụng khăn ướt bịt mặt tránh hít phải quá nhiều khói độc. Không sử dụng thang máy khi xảy ra hỏa hoạn, luôn giữ cơ thể ở vị trí thấp để tìm lối thoát hiểm. Nếu quần áo cháy thì dừng lại và lăn người vòng quanh để dập lửa.
Khi lối thoát ra ngoài đã bị khói che phủ, dùng khăn mềm thấm nước hoặc mặt nạ phòng độc, hạ thấp người khi di chuyển.
Đặc biệt, người dân cần cài đặt ứng dụng "báo cháy 114" trên thiết bị di động thông minh để thông báo vụ cháy, nổ và sự cố một cách nhanh chóng, chính xác nhất cho lực lượng chức năng.
Cần nâng cao ý thức người dân
Với những con số kể trên khiến nhiều người dân không khỏi hoang mang, lo lắng. Với cả nghìn chung cư, nhà tập thể; mấy trăm trường học, cơ sở giáo dục và hàng trăm văn phòng làm việc... hiện nay, vẫn chưa đảm bảo PCCC. Đến nay, những cơ sở đó nếu vẫn chùng chình trong việc khắc phục thì đồng nghĩa với việc “bà hỏa” vẫn còn tiềm ẩn ở nhiều nơi.
Điển hình là những vụ cháy tại các quán karaoke khiến nhiều người tử vong từng xảy ra. Ở đây, phải nói đến sự tắc trách của các cơ quan hữu quan trong quản lý PCCC đối với các hộ kinh doanh.
Vấn đề đặt ra là, có vụ việc sau khi xảy ra cháy nổ cơ quan chức năng mới vội vã thanh, kiểm tra, mà hầu như các quán đều “có vấn đề” về giấy phép an toàn PCCC… Rõ ràng, những tai nạn này đều có thể phòng, tránh từ trước chứ không phải rơi vào tình cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”.
Nếu việc cấp phép xây dựng công trình, nhà xưởng, kiểm tra về an toàn PCCC được làm nghiêm ngặt, cơ sở nào chưa đáp ứng yêu cầu về PCCC chưa được cấp phép hoạt động thì đã kiềm chế được rất nhiều tai họa đáng tiếc. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm của lực lượng PCCC, cán bộ cơ sở.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng, mà lực lượng nòng cốt là cảnh sát PCCC – Công an TP Hà Nội, đã tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai các mô hình thí điểm để nâng cao ý thức người dân cùng chung tay phòng chống “giặc lửa”. Rõ ràng, TP, các cơ quan chức năng cũng đã có những biện pháp “mạnh tay” nhằm chấn chỉnh đối với cơ sở không đảm bảo PCCC.
Đồng thời, đưa ra hàng loạt giải pháp để ngăn chặn, phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, từ thực tế những vụ hỏa hoạn xảy ra, con số cơ sở vi phạm khắc phục (chỉ chiếm 8,5%) có thể thấy rằng, tình trạng đảm bảo an toàn cháy nổ vẫn đang ở mức báo động.
Suy cho cùng thì điều cốt yếu vẫn phải nằm ở ý thức người dân trong việc chấp hành quy định về PCCC. Và chỉ khi ý thức từ mỗi người dân được nâng lên, cùng chung tay đẩy lùi “giặc lửa”. Có như vậy mới giảm thiểu được những vụ việc đáng tiếc, đau lòng xảy ra!
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.