KTNT - Sự cố môi trường biển từ Formosa đã ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất kinh doanh của Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản (XNKTS) Hà Tĩnh, khiến 13.532kg hàng hải sản xuất khẩu bị tồn kho, nhà máy đóng cửa, hàng trăm cán bộ, công nhân không có việc làm, đỏ mắt trông chờ khoản tiền bồi thường thiệt hại.
Khi nhà máy không có bóng công nhân làm việc.
Một thời để nhớ
Hơn chục năm trước, Xí nghiệp Chế biến hải sản đông lạnh xuất khẩu 46 - Đò Điệm, Thạch Hà, tiền thân của Công ty CPXNKTS Hà Tĩnh là "con chim đầu đàn" của các đơn vị sản xuất kinh doanh chế biến thủy hải sản XK khu vực miền Trung. Ngành thủy sản Hà Tĩnh thời bấy giờ rất tự hào mỗi khi nhắc đến đơn vị này, bởi doanh nghiệp luôn sản xuất ổn định, hàng năm thu mua và chế biến hàng ngàn tấn cá, tôm… xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ..., doanh thu từ 3,5 - 4 triệu USD/năm, cá biệt có những năm đạt tới gần 5 triệu USD.
Anh Phạm Văn Quy, Chủ tịch Công đoàn công ty, người gắn bó với đơn vị này hơn ba thập kỷ, chua xót kể với chúng tôi: "Đã hơn 1 năm kể từ khi sự cố môi trường biển xảy ra, nhà máy vắng như chùa Bà Đanh, không như trước đây lúc nào cũng sôi động, các chuyến xe thu mua hải sản ngày đêm vào ra. Nhà máy vinh dự được đón nhiều đoàn khách đến tham quan, các bạn hàng quốc tế cũng thường đến thăm và ký kết các hợp đồng làm ăn. Công nhân làm việc liên tục ít có ngày nghỉ, tâm lý ai cũng hồ hởi, phấn chấn bởi thu nhập ổn định".
Không những thế, đơn vị còn xây dựng được bếp ăn tập thể, bồi dưỡng định mức ăn giữa ca cho công nhân, xây dựng nhà trẻ mẫu giáo để bố mẹ gửi con đi làm gần cạnh nhà máy. Giám đốc Lê Tiến Minh nhiều năm được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, đơn vị được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Làng công nhân được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng danh hiệu: "Làng văn hóa công nhân".
Cảnh máy móc bị hoen rỉ khi vắng bóng người
Khi con chim đầu đàn rũ cánh
Đến thăm nhà máy, chúng tôi không khỏi xót xa trước khung cảnh nhà máy đóng cửa im lìm, không một bóng người. Chúng tôi tìm đến phòng giám đốc Lê Tiến Minh thì được biết, sức khỏe ông Minh không được tốt, đang nghỉ ngơi tại nhà. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, ông Minh tâm sự: "Thú thật với nhà báo đã hơn một năm kể từ khi xảy ra sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, chẳng những dân tình điêu đứng, mà doanh nghiệp chúng tôi cũng lâm vào bước đường cùng. Mỗi khi nghĩ đến hàng trăm lao động bị thất nghiệp, nhà máy bỏ hoang, tôi đứng ngồi không yên. Tiền bỏ ra thu mua sản phẩm đông lạnh vẫn chưa thu lại được vì còn tồn đọng trong kho".
Anh Quy cho biết thêm: "Sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, hàng của các doanh nghiệp thuộc các khu vực này bị từ chối, trong đó có chúng tôi. Nhưng chúng tôi chấp hành nghiêm túc các chỉ thị của tỉnh Hà Tĩnh, mua sản phẩm sạch cho ngư dân về chế biến. Trước đây, đơn vị vẫn mở rộng dịch vụ bán hàng nội địa, hàng sản xuất không kịp cho khách hàng đặt, còn bây giờ thì ế dài. Thật xót xa vì hàng tồn đọng mà nhà máy mỗi tháng phải ngốn hết 14 triệu đồng tiền điện, công nhân lại không có việc làm".
Anh Quý đưa cho tôi xem cả tập hồ sơ dày cộm với nội dung đơn viết ngày 27/2/2017 gửi tới Ban chi trả bồi thường thiệt hại về môi trường biển, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Tĩnh, trong đó nêu rõ: "Tình hình hiện nay công ty đặc biệt khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh chưa hồi phục được, đứng trước nguy cơ mất cân đối tài chính, gần 130 CBCNV không có việc làm. Đáng băn khoăn nhất là, sau sự cố môi trường biển, Nhà nước có chính sách đền bù, hỗ trợ cho các đơn vị và người lao động tham gia sản xuất các mặt hàng thủy sản, phần lớn các đối tượng trên đã được đền bù. Nhưng riêng đơn vị chúng tôi cho đến giờ vẫn không được hỗ trợ. Trước thực trạng này, cán bộ và công nhân lao động công ty kiến nghị cấp trên cần có sự công bằng đối xử với người lao động, giữa các doanh nghiệp ngoài nhà nước với cơ sở thu mua kinh doanh thủy sản địa phương".
Trước lúc chia tay, Giám đốc Lê Tiến Minh nói, giọng như nghẹn lại: "Tôi đang còn đau ốm, nhưng hàng ngày cũng phải cố gượng dậy mong các tổ chức giúp chúng tôi xử lý số hàng đông lạnh hơn 1 năm nay nguy cơ lâu ngày sẽ bị thối trong kho. Tôi cũng nói với anh em trong lúc này phải sống chết no đói có nhau".
Ông Minh tin, dù có muộn nhưng đơn vị sẽ được đền bù và cấp trên sẽ sáng suốt nhìn nhận đúng mức để cứu nguy cho công ty.
Đến ngày 26/6/2017, tổng giá trị bồi thường thiệt hại được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt là 1.598 tỷ đồng, đã ứng và giải ngân được 1.560 tỷ đồng cho 49.000 đối tượng bị thiệt hại. Theo thống kê, đến nay còn rất nhiều đối tượng bị thiệt hại nặng nề vì môi trường biển nhưng theo quy định của Chính phủ thì những đối tượng này chưa được phê duyệt đền bù, trong đó có trường hợp Công ty CP XNKTS Đò Điệm. Hiện, Hà Tĩnh đang làm văn bản đề nghị Chính phủ giải quyết số đối tượng tồn đọng nói trên. |
Anh Bình
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.