Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 12 năm 2015 | 8:54

Long An hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu trong năm 2015

Chiều 17-12, UBND tỉnh Long An đã tổ chức buổi họp báo thông báo về tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh nhà trong năm 2015, theo đó đa số các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch đề ra.

Buổi họp báo với sự tham gia của nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, cùng đại diện các sở, ngành của Long An. Phó bí thư – Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Hữu Lâm và Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nhanh chủ trì buổi họp báo.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Đỗ Hữu Lâm phát biểu tại buổi họp báo

Báo cáo tại buổi họp báo, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2015, tình hình chung còn nhiều khó khăn của kinh tế trong và ngoài nước nhưng tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn vượt kế hoạch đề ra và tăng cao hơn so với mức tăng trưởng năm trước. Các khu vực kinh tế đều đạt và vượt kế hoạch (KH), cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) năm 2015 đạt 21.801 tỷ đồng (theo giá cố định 1994), tốc độ tăng trưởng 11,6% (KH 11,5%); trong đó: khu vực I tăng 3,2% (KH 3,2%); khu vực II tăng 15,4% (KH 15,2%); khu vực III tăng 12,0% (KH 12,0%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng, cụ thể: khu vực I chiếm tỷ trọng 26,2%, giảm 2,4% so với năm 2014; khu vực II chiếm 42,7%, tăng 1,6% so với năm 2014; khu vực III chiếm 31,1%, tăng 0,8% so với năm 2014.

Nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 3,2% (KH 3,2%), trong đó: nông nghiệp tăng trưởng 3,3% (trồng trọt tăng 3,6%, chăn nuôi tăng 1,4%, dịch vụ nông nghiệp tăng 1,7%); lâm nghiệp tăng trưởng âm 3,6%, thủy sản tăng trưởng 5,3%. Công nghiệp, xây dựng tăng trưởng 15,4% (KH 15,2%), trong đó: công nghiệp tăng 16% và xây dựng tăng 10,5% (cùng kỳ khu vực II tăng 14,7%, trong đó: công nghiệp tăng 15,4% và xây dựng tăng 9,1%). Thương mại - dịch vụ tăng trưởng 12,0% (KH 12%), trong đó: thương mại tăng 11,9% và dịch vụ tăng 12,0% (cùng kỳ khu vực III tăng 11,8%, trong đó: thương mại tăng 11,7% và dịch vụ tăng 11,8%).

Vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm 2015 đạt 26.157 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ (CK) và chiếm 34,9% GDP, chưa đạt KH 36-38% GDP (CK chiếm 35,6% GDP).

Tổng thu ngân sách nhà nước 2015 là 7.518 tỷ đồng, đạt 115% DT, bằng 115% so với CK; trong đó, thu nội địa 6.188 tỷ đồng, đạt 118% DT giao, bằng 118% so với CK; thu thuế xuất nhập khẩu 1.330 tỷ đồng, đạt 100,4% DT năm, bằng 103,8% so với CK. Thu xổ số kiến thiết 1.100 tỷ đồng, đạt 126,4% DT, bằng 99,3% so với CK.

Tổng chi ngân sách địa phương ước 2015 là 7.924 tỷ đồng, đạt 115% DT, bằng 103% so với CK; trong đó: chi đầu tư phát triển năm 2015 (không bao gồm chi từ nguồn thu xổ sổ kiến thiết) là 1.944 tỷ đồng, trong đó chi theo dự toán HĐND tỉnh giao (gồm cả chi từ CTMTQG) là 1.079 tỷ đồng, đạt 97,9% DT; chi thường xuyên 5.978 tỷ đồng, đạt 118,9% DT Trung ương, đạt 109,7% DT HĐND tỉnh giao, bằng 106% so với CK; chi xây dựng cơ bản từ nguồn xổ số kiến thiết là 981 tỷ đồng, đạt 112,9% DT HĐND giao và bằng 70% so với CK.

Văn hóa - xã hội: Mạng lưới trường lớp tiếp tục được đầu tư, mở rộng theo hướng đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục. Toàn tỉnh hiện có 645 trường từ mầm non đến phổ thông và 29 cơ sở giáo dục khác. Hiện có 334 trường đạt chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ 51,78%; dự kiến đến cuối năm 2015 công nhận thêm 45 trường, nâng tổng số lên 379 trường đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 58,8%. Tỷ lệ huy động học sinh đúng độ tuổi từng cấp học đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ mắc, tử vong. Trong năm 2015, không có trường hợp mắc cúm A (H1N1 và H5N1); bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 1.645 ca, tăng 74,5% so với CK; bệnh tay chân miệng ghi nhận 1.362 ca, giảm 97,6% so với CK, các dịch bệnh khác giảm so với CK như bệnh quai bị, bệnh sởi. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; duy trì công tác kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; trong năm 2015 tình hình ngộ độc thực phẩm giảm số vụ so với cùng kỳ.

Củng cố Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp; tổ chức phúc tra và khen thưởng tập thể, cá nhân 14 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa năm 2015.

Trong năm 2015 Long An đã giải quyết việc làm cho 31.000 lao động, đạt 103,3% KH, tăng 1,42% so với CK. Có 14.975 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, trong đó xét duyệt 14.422 người, tăng 20,2% so với CK, số tiền chi trợ cấp thất nghiệp 109.935 triệu đồng, góp phần giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống và giúp người lao động tìm việc làm mới. Tuyển sinh đào tạo 18.000 lao động, đạt 105% KH. Tổng hợp điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; kết quả có 11.480 hộ nghèo, tỷ lệ 2,98% (chuẩn TW là 11.126 hộ, tỷ lệ 2,89%); 13.257 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3,44% (chuẩn TW là 12.717 hộ, tỷ lệ 3,3%), ước năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh dưới 2,5% (KH dưới 3%).

Đánh giá tình hình chung của tỉnh Long An trong năm 2015, Chủ tịch Đỗ Hữu Lâm cho biết, trong năm qua, nông nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực; năng suất lúa tăng so với cùng kỳ, sản lượng đạt KH, xây dựng “cánh đồng lớn” theo hướng liên kết 4 nhà mang lại hiệu quả rõ rệt (năng suất, giá cả đều cao hơn so với bên ngoài), thanh long và chanh tiếp tục là loại cây trồng cho lợi nhuận cao; chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh được khống chế; thu mua, tiêu thụ lúa gạo, nông sản hàng hóa cơ bản thuận lợi; tập trung nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả. Công nghiệp giảm bớt khó khăn, hồi phục và tăng khá so với cùng kỳ. Thương mại - dịch vụ, xuất nhập khẩu phát triển; thị trường, giá cả được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp; chống buôn lậu đạt kết quả, bước đầu giảm tình trạng buôn lậu thuốc lá ngoại qua biên giới. Đầu tư xây dựng cơ bản kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, điều hòa vốn, điều chỉnh quy mô và phương thức đầu tư các công trình, dự án phù hợp với điều kiện thực tế, đẩy mạnh quyết toán và xử lý nợ đọng. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng về số lượng dự án và mức vốn đầu tư so với cùng kỳ. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc thu ngân sách đạt dự toán, điều hành chặt chẽ, tiết kiệm chi tiêu công theo quy định. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, nhiều chỉ tiêu chủ yếu đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ động đấu tranh phòng chống tội phạm, kiềm chế tai nạn giao thông. Công tác cải cách hành chính được chú trọng.

Toàn cảnh buổi họp báo

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Long An vẫn còn một số hạn chế tồn tại: Nông nghiệp tăng trưởng chưa đảm bảo ổn định, bền vững; chưa nhân rộng được nhiều vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu; vẫn còn tình trạng chuyển đổi cơ cấu cây trồng tư phát không theo quy hoạch, kế hoạch sản xuất, không đảm bảo hiệu quả ổn định lâu dài; giá cả, thị trường tiêu thụ sản phẩm thường xuyên biến động; nguy cơ dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản còn cao, đe dọa gây thiệt hại lớn, làm ảnh hưởng đến nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người nông dân.

Công nghiệp còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp lớn vẫn còn thận trọng trong đầu tư mở rộng quy mô, tạo năng lực sản xuất mới, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chậm phục hồi, doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động còn nhiều, dẫn đến nhiều nhóm hàng hóa, sản phẩm có mức sản xuất giảm, khả năng cạnh tranh kém.

Thu nhập người dân chưa cao nên sức mua hàng hóa thị trường trong nước chưa tăng mạnh; xuất nhập khẩu tuy đạt tiến độ kế hoạch nhưng mở rộng thị trường còn khó khăn do thiếu nguồn lực và cạnh tranh gay gắt; tình hình buôn lậu và gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp.

Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa nhanh, năng lực của một số chủ đầu tư còn yếu; nguồn lực về vốn chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu nên tăng trưởng của ngành xây dựng chưa cao; triển khai thực hiện Luật Đất đai còn nhiều khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn nhiều vướng mắc làm hạn chế thu hút đầu tư, triển khai dự án, nâng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp; còn trường hợp khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường chưa đúng quy định.

Một số bệnh nguy hiểm chưa được khống chế có hiệu quả, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm chưa thật tốt; công tác dân số tiến bộ chưa vững chắc. Tình hình trật tự an toàn xã hội có mặt chưa bảo đảm; tội phạm, tai nạn giao thông còn nhiều; tình trạng khiếu kiện về đất đai kéo dài phức tạp.

Trách nhiệm trong quản lý, điều hành của các ngành, các cấp chưa cao, thực hiện nhiệm vụ được giao chưa quyết liệt và kịp thời, một số công việc chưa bảo đảm chất lượng và thời gian. Công tác cải cách hành chính còn có mặt chưa tốt (bước đầu đánh giá theo Bộ chỉ số cải các hành chính đạt kết quả thấp).

Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, huy động mọi nguồn lực phục vụ tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế của tỉnh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm. Phát triển nguồn nhân lực. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý các cấp, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính. Thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Trong năm 2016, tỉnh Long An sẽ tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp như nạo vét các kênh chính, kênh trục nội đồng, xây dựng hệ thống đê bao lửng, phát triển các trạm bơm điện, giao thông nông thôn, trong đó lưu ý việc đầu tư các công trình thủy lợi phải gắn với giao thông thuỷ bộ và gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục tuyên truyền, huy động nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng nông thôn mới đảm bảo tiến độ đến năm 2016 có thêm 12 đạt xã nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2020 số xã đạt tiêu chí nông thôn mới trên 50%...

Quang Minh

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top