Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 10 tháng 4 năm 2022 | 22:1

Long trọng tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng nay, 10/4 (tức mùng 10/3 âm lịch), tại điện Kính Thiên trên đỉnh Nghĩa Lĩnh thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ tiên.

b.jpg
 Sáng 10/4, lễ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ)

 

Sáng nay 10/4, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ thay mặt đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài tổ chức trọng thể Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.

Đúng 7 giờ, trong tiếng nhạc lễ âm vang, đoàn dâng hương khởi hành từ sân Trung tâm lễ hội qua Nghi môn, đền Hạ, đền Trung lên đền Thượng. Đi đầu đoàn hành lễ là các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam rước Quốc kỳ, cờ hội và vòng hoa mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước".

Theo sau là các thiếu nữ mặc áo dài đỏ và 100 con Lạc, cháu Hồng trong trang phục cổ, tay giương cao cờ hội, thể hiện sức sống mãnh liệt của dòng giống Tiên Rồng cùng đoàn rước kiệu dâng lễ vật hương, hoa, bánh chưng, bánh giầy gắn liền với truyền thuyết về hoàng tử Lang Liêu và quan niệm trời tròn - đất vuông của cha ông ta. Tiếp đó là đoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các cơ quan trung ương, các địa phương; lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, các sở, ngành, đoàn thể, huyện, thành, thị của tỉnh, các xã, phường, thị trấn vùng ven Đền Hùng.

Từ chân núi rẽ qua cổng đền, Chủ tịch nước và các vị đại biểu đi lên 225 bậc thang là đến đền Hạ và chùa Thiên Quang. 

Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc đá, đoàn tới đền Trung. Tương truyền, nơi đây để các Vua Hùng ngắm cảnh và bàn việc với các lạc hầu, lạc tướng. Hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh chưng, bánh giầy lên cho vua cha nhân dịp tết cổ truyền cũng ở đây.

Từ đền Trung đi tiếp 102 bậc đá sẽ đến đền Thượng. Nơi các Vua Hùng làm lễ tế Trời đất, thần Núi và thần Lúa. Thục Phán sau khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, dựng cột đá thề ở đền Thượng để thề trông nom ngôi đền và giữ gìn cơ nghiệp Vua Hùng.

a.jpg
 Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang, Chủ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần - 2022 kính cẩn đọc Chúc văn tưởng niệm các Vua Hùng

 

Với tấm lòng thành kính tri ân công đức Tổ tiên, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí: Phan Đình Trạc - Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bùi Minh Châu - Bí thư Tỉnh uỷ Phú Thọ; Bùi Văn Quang - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ vào Thượng cung dâng hương, hoa bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công dựng nước để con cháu nối tiếp truyền thống Lạc Hồng xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh như ngày hôm nay.

Trước anh linh Quốc Tổ Hùng Vương, thay mặt hơn 90 triệu con dân đất Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang, Chủ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần - 2022 kính cẩn đọc Chúc văn tưởng niệm các Vua Hùng, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; kính cáo trước anh linh các bậc tiền nhân về những thành tựu to lớn mà toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước; Cầu mong xã tắc thịnh vượng, quốc thái, dân an, bách gia trăm họ, vạn đại trường tồn, con cháu Lạc Hồng trên khắp mọi miền đất nước, kiều bào ta ở nước ngoài luôn mạnh khỏe, bình an, vui hưởng thái hòa.

Tiếp đó, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu đặt vòng hoa, thắp hương tại Lăng Hùng Vương; dâng hoa tại Bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại Ngã năm Đền Giếng.

Cùng thời điểm này, tại các địa phương có đền thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên cả nước và trong toàn tỉnh đồng loạt tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng theo nghi lễ truyền thống. 

Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay có chủ đề "Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương" gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tại Lễ hội Đền Hùng năm nay, nhiều nghi thức thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí được tổ chức phục vụ người dân như chương trình Nghệ thuật và trình diễn pháo hoa tại sân khấu Hồ công viên Văn Lang, trưng bày chuyên đề "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Hội tụ và lan tỏa" tại Bảo tàng Hùng Vương; biểu diễn đánh trống đồng, đâm đuống, trình diễn hát xoan làng cổ và múa rối nước; hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh dày tỉnh Phú Thọ, bơi chải…

 

 

 

Nguyễn Đức/Chinhphu
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top