Chiều nay (18/10), Văn phòng Quốc hội họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 9,5 ngày để xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.
Trong đó, Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Dự án Luật Chăn nuôi đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV và Phiên họp thứ 26 của UBTVQH.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 07 chương, 82 điều quy định về chăn nuôi, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong chăn nuôi, quản lý nhà nước về chăn nuôi. Một số vấn đề tiếp tục được xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 gồm: Quy định chính sách của Nhà nước về chăn nuôi theo hướng phân định các hoạt động mà Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với yêu cầu phát triển chăn nuôi của từng thời kỳ; có chính sách đủ mạnh để phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, chuỗi khép kín, kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý môi trường chăn nuôi (Điều 4); Bổ sung, chỉnh lý quy định cụ thể và rõ ràng hơn các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 12); Quy định Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu (Điều 19); Bổ sung, chỉnh lý quy định về thức ăn chăn nuôi thương mại (Điều 32); quy định các điều kiện cụ thể về bảo vệ môi trường đối với chăn nuôi trang trại, chăn nuôi nông hộ (Điều 53 – Điều 61)…
Dự thảo Luật Trồng trọt trình Quốc hội lần này về cơ bản đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội với một số nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý như: Chỉnh lý thể hiện rõ hơn phạm vi điều chỉnh của Luật; Bổ sung quy định về quản lý chất lượng giống theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đổi mới phương thức quản lý theo hướng đơn giản hóa thủ tục nhưng bảo đảm chặt chẽ, có phân biệt quy định quản lý đối với các giống cây trồng chính với các loại cây trồng khác (từ Điều 13 đến Điều 17); Luật hóa các quy định của Nghị định 108/2017/NĐ-CP nhằm quản lý chất lượng phân bón, hạn chế tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng; Bổ sung một số nội dung mới vào Chương IV (Canh tác). So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, số vấn đề phải giao Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định đã được giảm từ 58 xuống còn 28.
Về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân và Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (trừ Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mới được Quốc hội bầu). Hoạt động này sẽ được tiến hành trước phiên họp chất vấn để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm (vì Quốc hội chỉ xem xét chất vấn một số Bộ trưởng có nội dung trong Nghị quyết chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ 4).
Về công tác nhân sự, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn; phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào sáng ngày 22/10, bế mạc vào ngày 21/11.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.