Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 4 năm 2020 | 10:29

Lùm xùm công tác luân chuyển, quy hoạch cán bộ chủ chốt tại Điện lực Hải Dương: Bài học sâu sắc, đắt giá trong công tác cán bộ

Là ứng viên sáng giá nhất cho chức danh Chủ tịch kiêm Giám đốc, tuy nhiên, trong quá trình công tác, ông Phạm Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương (PC Hải Dương) đã để lại nhiều dư luận không tốt…

Điều này khiến người dân địa phương xôn xao, đặt dấu hỏi, phải chăng ngành điện lực miền Bắc nói chung và PC Hải Dương đang quá thiếu người đủ đức, đủ tài để bố trí làm nhân sự chủ chốt.  
hd.jpg
Trụ sở Công ty Điện lực Hải Dương. Ảnh: http:doanhnghiephoinhap.vn

“Ghế nóng” PC Hải Dương có đang dành cho người “xứng đáng”?

Theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại văn bản số 3836/EVN-TC&NS ngày 07/8/2018 về việc xây dựng kế hoạch luân chuyển để đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trong quy hoạch và Nghị quyết cuộc họp tập thể lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc ngày 21/8/2018 về công tác cán bộ diện EVN quản lý giai đoạn 2018-2020 và 2020-2025, ông Phạm Trung Nghĩa được đưa vào quy hoạch chức danh Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương cả 2 giai đoạn.

Tuy nhiên, chỉ 15 ngày sau, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) lại ra ngay văn bản số 3930/EVNNPC-TC&NS do ông Thiều Kim Quỳnh ký, với nội dung: Xét báo cáo của Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương tại văn bản số 2666/PCHD-TC&NS ngày 14/9/2018 về việc lùi thời điểm luân chuyển để đào tạo bồi dưỡng cán bộ đối với ông Phạm Trung Nghĩa do điều kiện hoàn cảnh gia đình (theo đơn đề nghị của ông Nghĩa ngày 06/9/2018).

Trong văn bản ghi “Theo đề nghị của cá nhân ông Phạm Trung Nghĩa, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn phải chăm sóc bố đẻ, vợ thường xuyên đau ốm, con nhỏ, bố, mẹ vợ sức khỏe không được tốt nên tập thể lãnh đạo thống nhất lùi kế hoạch luân chuyển đối với ông Phạm Trung Nghĩa sang năm 2019 trong kế hoạch chung của Tổng Công ty đến 2020 để tạo điều kiện cho ông Nghĩa sắp xếp, bố trí công việc gia đình, tham gia công tác điều hành của đơn vị được thuận lợi”.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, ông Phạm Trung Nghĩa vẫn chưa đi luân chuyển và đang “cố vị” là Phó Giám đốc PC Hải Dương.


 Được sự “ưu ái” bất thường từ EVN NPC, ông Phạm Trung Nghĩa đã “né” được việc đi luân chuyển. Ảnh: hoanhap.vn

Để lý giải cho việc “ưu ái” này, tại văn bản số 764/EVNNPC-TCNS ngày 26/2/2020 do bà Đỗ Nguyệt Ánh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc ký ban hành gửi cơ quan báo chí đã đưa ra 3 lý do chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với ông Phạm Trung Nghĩa, gồm: Tổng Công ty Điện lực miền Bắc phải tập trung kiện toàn tổ chức nên năm 2019 chưa thực hiện kế hoạch luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các đơn vị, trong đó có trường hợp ông Phạm Trung Nghĩa; từ 1/11/2019 Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương chỉ còn 3 Phó Giám đốc, nếu chuyển ông Phạm Trung Nghĩa đi nơi khác sẽ chỉ còn 2 Phó Giám đốc không đảm bảo cho Công ty hoạt động; ông Trần Văn Cường - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Điện lực Hải Dương sẽ nghỉ hưu vào 1/6/2020. 

Trong một diễn biến khác, mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã ký văn bản số 1142/CV/TU ngày 25/3/2020 về công tác cán bộ gửi EVN NPC, trong đó có nội dung nhất trí về việc bổ nhiệm ông Phạm Trung Nghĩa - Phó Giám đốc PC Hải Dương giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Giám đốc PC Hải Dương.

Như vậy có thể hiểu, cùng cái “gật đầu” của lãnh đạo tỉnh Hải Dương và ông Trần Văn Cường đương kim Chủ tịch kiêm Giám đốc PC Hải Dương sẽ về hưu trong vài tháng thì việc ông Trần Văn Cường chuyển giao chiếc “ghế nóng” cho ông Phạm Trung Nghĩa “ngồi thay” chỉ còn là vấn đề thời gian.

Thế nhưng, những gì ông Phạm Trung Nghĩa đã thể hiện trong những năm vừa qua liệu có xứng đáng với vị trí là người đứng đầu ngành điện lực tỉnh Hải Dương hay không?

Cũng cần phải nói thêm, đối chiếu Luật Phòng chống Tham nhũng và chỉ đạo của EVN về công tác cán bộ, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.

Ngoài ra, ông Phạm Trung Nghĩa đã hết thời hạn giữ chức vụ Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hải Dương theo Quy chế về công tác cán bộ ban hành kèm theo Quyết định số 116/ QĐ- EVN ngày 17/4/2018 của Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Do vậy, ông Nghĩa vừa trong diện luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vừa trong diện phải chuyển đổi vị trí công tác theo Luật Phòng chống tham nhũng mới đúng quy định về công tác cán bộ.

Mặc khác, trường hợp ông Phạm Trung Nghĩa không nằm trong diện được “hoãn” chuyển đổi vị trí theo Điều 38 Nghị định số 59/2019/NĐ- CP của Chính phủ về phòng chống tham nhũng và cũng không trong diện “không thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác” quy định tại Điều 39 của Nghị định này.

“Cả họ” làm ngành điện và “bệ đỡ” gia đình của vị Phó Giám đốc trẻ tuổi

 Nhiều cơ quan báo chí và dư luận phản ánh các dấu hiệu sai phạm của ông Phạm Trung Nghĩa.

Như đã thông tin, trong năm 2018, ông Phạm Trung Nghĩa đã lấy lý do vì hoàn cảnh gia đình để xin tạm hoãn đi luân chuyển sang địa phương khác.

Có thể thấy, yếu tố gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp và các quyết định của ông Nghĩa. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau ông Phạm Trung Nghĩa là “hệ thống” bệ đỡ vững chắc từ gia đình vì ông Nghĩa có rất nhiều người thân đã và đang công tác giữ những vị trí cốt cán trong ngành điện lực tỉnh Hải Dương.

Theo đó, tại PC Hải Dương, nhiều phòng ban, lãnh đạo đơn vị là họ hàng thân thích của ông Phạm Trung Nghĩa. Trong đó, vợ ông Nghĩa là bà Nguyễn Thị Thanh Giang cũng làm Phó Trưởng phòng Tổ chức của PC Hải Dương và bà Giang là con gái của ông Nguyễn Trọng Hữu, nguyên Giám đốc Điện lực Hải Dương.

Bà Phạm Thị Quyên chị gái ruột của ông Phạm Trung Nghĩa là Giám đốc Công ty Điện lực Cẩm Giàng Ngoài các vị trí chủ chốt nêu trên, ông Nghĩa cũng đều có người thân quen một số công ty điện lực cấp huyện hay tại các phòng Kỹ thuật, phòng Kế hoạch Vật tư, phòng Kế toán, phòng Thanh tra - Pháp chế của PC Hải Dương...

Không thể phủ nhận, bệ đỡ, truyền thống gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến thân thế, sự nghiệp của một con người. Tuy nhiên, đối với trường hợp của ông Phạm Trung Nghĩa, đà thăng tiến của vị Phó Giám đốc PC sinh năm 1979 gắn liền với không ít thị phi, điều tiếng của dư luận vì liên quan công tác cán bộ, “né” luân chuyển, có biểu hiện bao che, ưu ái người nhà; hành xử “o ép”, gây khó cho doanh nghiệp.

Dư luận đặt câu hỏi: Đối với ông Phạm Trung Nghĩa thuộc diện phải luân chuyển, EVN NPC đã xem xét đến hoàn cảnh của ông Phạm Trung Nghĩa để hoãn việc luân chuyển. Vậy, quá trình quy hoạch, đề bạt ông Nghĩa vào chức danh Giám đốc PC Hải Dương, EVN NPC có tính đến những gánh nặng gia đình và công việc mà ông Phạm Trung Nghĩa sẽ gặp phải? Hay khi được bổ nhiệm lên chức danh cao hơn, những khó khăn từ hoàn cảnh gia đình bỗng chốc biến thành thuận lợi cho ông Nghĩa?  

Mặt khác, theo Khoản 3, Điều 20 Luật Phòng Phòng, chống tham nhũng quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó”.

Việc ông Phạm Trung Nghĩa, Phó Giám đốc và bà Nguyễn Thị Thanh Giang - Phó Trưởng phòng Tổ chức cùng công tác tại PC Hải Dương có vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng hay không?

 

Thông báo Kết luận của Đoàn công tác EVN NPC, trong đó có nội dung liên quan đến bà Phạm Thị Quyên nhưng bà Quyên vẫn cố vị chức Giám đốc Điện lực Cẩm Giàng.

Mặt khác, những sai phạm tại Điện lực Cẩm Giàng, nơi bà  Phạm Thị Quyên (chị gái ông Phạm Trung Nghĩa) làm Giám đốc đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của ngành điện nói chung và Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc nói riêng, đi ngược lại chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và chủ trương “lấy khách hàng làm trung tâm” nhưng bà Phạm Thị Quyên - Giám đốc Điện lực Cẩm Giàng không bị bất kỳ hình thức kỷ luật nào. Trong khi cùng với Kết luận tương tự từ EVN NPC, Giám đốc Điện lực TP Hải Dương bị cách chức.

Việc bà Phạm Thị Quyên - Giám đốc Điện lực Cầm Giàng không bị bất kỳ hình thức kỷ luật nào, dù là người đứng đầu, chịu trách nhiệm cao nhất về những sai phạm của Điện lực Cẩm Giàng khiến dư luận nhân dân và doanh nghiệp cho rằng có sự bao che của Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương.

Câu chuyện của ông Phạm Trung Nghĩa và những người thân trong gia đình đã trở thành tâm điểm gây bức xúc dư luận và nhiều cơ quan báo chí đã vào cuộc phản ánh vấn đề này. Tuy nhiên, dường như dư luận càng bức xúc, các cơ quan báo chí càng phản ánh thì con đường “quan lộ” của ông Phạm Trung Nghĩa thêm phần thênh thang rộng mở.

Bên cạnh đó, dư luận cũng hoài nghi về việc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc có đang bất chấp những quy định của Luật Phòng chống Tham nhũng để dành cho ông Phạm Trung Nghĩa sự “ưu ái” rất bất thường? EVN NPC đã căn cứ vào quy định nào về công tác cán bộ của EVN, Bộ Công Thương và Luật Phòng chống Tham nhũng để chưa điều động luân chuyển công tác đối với ông Phạm Trung Nghĩa? Có hay không hành vi tiêu cực, “chạy chọt”, “chống lưng” trong quá trình luân chuyên, quy hoạch, đề bạt đối với ông Phạm Trung Nghĩa?

Luân chuyển là để đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, cũng là để ngăn chặn hành vi tham nhũng có thể xảy ra. Trên cả nước mỗi năm có hàng nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức… từ cấp Trung ương đến cấp địa phương phải thực hiện việc luân chuyển, thay đổi vị trí công tác, thậm chí có những cán bộ phải chấp nhận làm việc tại môi trường công tác mới cách xa gia đình, địa phương nơi đã từng cư trú cả ngàn km.

Nếu mỗi cán bộ đều lấy lý do cảnh ngộ gia đình khó khăn biện minh cho việc tạm dừng, trì hoãn, thoái thác nghĩa vụ luân chuyển thì chúng ta sẽ thừa rất nhiều cán bộ né tránh trách nhiệm, sợ trách nhiệm mà thiếu đi cán bộ có tâm, có tầm, chịu đựng hi sinh lợi ích cá nhân vì cái chung để giữ gìn kỷ luật và trong sạch.

“Sợ trách nhiệm” và “né trách nhiệm” để chỉ những người được giao nhiệm vụ công nhưng đã không làm tròn nhiệm vụ, thậm chí thoái thác nhiệm vụ, lẩn tránh nhiệm vụ theo chức trách của mình. Tại sao người ta lại “né” quyền lực và trách nhiệm mà tổ chức đã trao cho mình? Đó có thể là vì người ta cho rằng việc thực thi những nhiệm vụ đó khá “xương”, không có lợi cho bản thân, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Mặc dù đã được nhận diện và chỉ rõ là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng, thế nhưng cho đến nay, vấn đề này vẫn tồn tại trong tâm thức của nhiều cán bộ, đảng viên mà chưa có phương thức xử lý, điều trị hiệu quả.

Tại phiên họp thứ 16, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng ngày 26/7/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu: “Có dấu hiệu vi phạm là phải kiểm tra. Kiểm tra có vấn đề thì không đưa vào cấp ủy. Đang có tâm lý chờ đợi xem sắp tới ông ấy có làm quyết liệt không, hay là tình hình sẽ thay đổi thế này thế khác? Không có đâu! Ai làm thì cũng phải thế thôi.

Họp Trung ương tôi đã nói rồi, hôm nào họp tôi còn nói nữa. Đại hội là một dịp để ta sàng lọc cán bộ. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi, không sợ thiếu cán bộ.

Có người lo làm thế thì lấy đâu người làm? Cứ thử đi xem có người làm không? Tôi tin là có người làm. Không thiếu người tận trung với Đảng, tận hiếu với dân đâu. Làm để giữ uy tín chứ không sợ mất uy tín. Càng che giấu càng mất uy tín”.

Vậy, từ tinh thần quyết liệt của Trung ương, đối với những dấu hiệu sai phạm, mất uy tín ở địa phương như dư luận và báo chí đã phản ánh, mà cụ thể là trường hợp của ông Phạm Trung Nghĩa - Phó Giám đốc PC Hải Dương, các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh Hải Dương, của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã cho thanh tra, kiểm tra, rà soát đối với tất cả khâu đánh giá, quy hoạch, đề bạt cán bộ hay chưa?

Trước sự việc trên, đề nghị Bộ Công Thương, EVN, EVNNPC vào cuộc kiểm tra, làm rõ, thực hiện đúng quy định về công tác cán bộ tại các doanh nghiệp nhà nước; đồng thời xử lý nghiêm sai phạm (nếu có).

Hai là, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.

Để hạn chế thấp nhất những hạn chế, khuyết điểm và không có cán bộ vi phạm kỷ luật, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thiếu gương mẫu trong cuộc sống. Tuy nhiên, cũng kiên quyết xử lý những tổ chức Đảng, đảng viên cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đến sự phát triển của đất nước.

Ba là, phải kiên quyết không để lọt vào cấp uỷ những cán bộ vi phạm, thoái hoá, biến chất! Bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân.

 

 

Phan Anh Tuấn
Ý kiến bạn đọc
Top