Để xảy ra tình trạng san lấp mặt bằng, phân lô bán nền trái phép với quy mô lớn, tuy nhiên, lãnh đạo xã Quảng Sơn (Đắk G’long- Đắk Nông) lại khẳng định đã làm hết trách nhiệm.
Con voi chui lọt lỗ kim?
Có mặt tại khu vực sình bon N’ting, xã Quảng Sơn vào thời điểm giữa tháng 5/2020, PV chứng kiến ở đây không khác một dự án bất động sản đã thi công xong phần san lấp mặt bằng. Đường giao thông, thậm chí hệ thống lưới điện cũng đã đấu nối.
Một người dân giấu tên khẳng định, “dự án” bất động sản này rộng khoảng 6-7ha. Gần như toàn bộ diện tích đất nền này trước đây là đất ruộng lúa chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, thậm chí chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Việc san lấp này diễn ra công khai, rầm rộ từ tháng này qua tháng khác, nhưng chính quyền địa phương không ngăn chặn hiệu quả khiến dư luận ở đây có nhiều ý kiến trái chiều”, người dân giấu tên nói.
Trong vai người mua đất, PV đã gọi vào số điện thoại niêm yết trên biển bán đất. Người này giới thiệu tên H., khẳng định muốn mua bao nhiêu lô ở khu vực này cũng có, diện tích từng lô khoảng 60m*40m, giá bán tùy vị trí, vị trí đẹp 15 triệu đồng/m ngang, vị trí còn lại 10-11 triệu đồng. Khi thắc mắc về thủ tục giấy tờ, ông H. nói chỉ bán bằng hình thức giấy viết tay, vì khu vực này đã làm gì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo quan sát của PV, ở khu vực này nhà cửa bắt đầu mọc lên, thậm chí có hẳn một nhà hàng tiệc cưới cũng được xây dựng “hoành tráng” trên đất nông nghiệp. Điều đáng nói, nhà hàng này lại thoải mái thi công mà không chịu sự xử lý nào từ chính quyền địa phương.
Đổ lỗi cho cơ chế?
Theo UBND xã Quảng Sơn, đến nay địa phương đã lập tổng cộng 10 biên bản vi phạm hành chính liên quan đến hành vi san lấp trái phép, trong đó chỉ 1 biên bản xác định được đối tượng vi phạm.
Giải thích về nguyên nhân để xảy ra san lấp mặt bằng trái phép mà không ngăn chặn hiệu quả, ông Nguyễn Thành Trung, cán bộ địa chính xã Quảng Sơn cho rằng do chế tài chưa rõ ràng?!
“Trước đây, Nghị định 102 của Chính phủ chưa có chế tài xử lý hành vi hủy hoại đất nên không có căn cứ để xử lý các hành vi vi san lấp trái phép. Ngoài ra, khi phát hiện phương tiện vi phạm chúng tôi cũng chỉ yêu cầu tạm dừng, chứ không tạm giữ được phương tiện này. Còn từ khi Nghị định 91 có hiệu lực bây giờ còn ai dám san lấp nữa đâu”, ông Trung cho biết.
Ai sẽ chịu trách nhiệm khi để người dân san lấp, phân lô bán nền trái phép?
Ông Đỗ Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, khẳng định đã làm hết trách nhiệm, không làm ngơ, không tiếp tay cho hành vi vi phạm. Khi phát hiện vi phạm, chúng tôi xuống làm việc thì họ khóa cửa phương tiện bỏ đi hoặc bảo chỉ đi làm thuê, nên không xác định được chủ đất, chủ phương tiện dẫn đến không xử lý được, báo cáo UBND huyện xin chỉ đạo nhưng huyện cũng lúng túng trong xử lý.
“Việc người dân nghi ngờ này kia là quyền của họ, nếu nói cán bộ làm ngơ hay tiếp tay phải chỉ đích danh và phải có bằng chứng rõ ràng thì chúng tôi mới có cơ sở xử lý được”, ông Hiếu nói thêm.
Để tìm hiểu vì sao người dân có thể “qua mặt” được chính quyền địa phương trong thời gian dài, PV tiếp tục gọi điện thoại cho người đàn ông tên H.. Ông H. tự tin khẳng định, anh đổ đất hoành tráng cả năm có sao đâu, có bị xử lý gì đâu. “Muốn san lấp không phép sẽ có cách giải quyết, điều quan trọng là phải biết ngoại giao”.