ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM dẫn chứng trường hợp xảy ra ở TPHCM trước đây trong phần phát biểu về dự thảo Luật Dược (sửa đổi) sáng 25/3 và đề nghị phải quy định rõ ràng, minh bạch để bớt tiêu cực, nhũng nhiễu.
Hồ sơ tồn đọng, doanh nghiệp thắc mắc
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan không đồng tình với giải trình cho rằng không thể hạn chế số đăng ký trên một hoạt chất do chúng ta đã gia nhập WTO. Vì tại sao chính sách hạn chế các nước ASEAN thực hiện cả chục năm nay theo như phản ánh của các doanh nghiệp dược Việt Nam khi xuất khẩu thuốc?
Nếu như chúng ta hạn chế được số đăng ký đã quá nhiều cũng như hạn chế bằng hàng rào kỹ thuật thì đây sẽ là giải pháp để hạn chế được tình trạng tồn đọng hồ sơ số đăng ký thuốc hiện nay.
Theo bà Lan, khi có quá nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất trong nước nộp hồ sơ xin số đăng ký thuốc dẫn đến tồn đọng nhiều thì sẽ có doanh nghiệp được giải quyết trước, doanh nghiệp được giải quyết sau, sẽ nảy sinh cơ chế xin cho, tạo bức xúc và xuất hiện tiêu cực.
Vẫn về cấp số đăng ký thuốc, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan hoan nghênh dự thảo luật đã rút ngắn thời gian cấp lại số đăng ký xuống còn 3 tháng (trước đây là 6 tháng). Tuy nhiên, về cấp mới số đăng ký lại tăng thời hạn chỉ nên dừng ở 12 tháng mà không nên 18 tháng.
Đại biểu băn khoăn mốc thời gian cấp đăng ký tính từ lúc nhận hồ sơ, rất dễ xảy ra nhũng nhiễu. “Ở TPHCM chúng tôi có một kỷ niệm buồn được truyền miệng, đó là có trường hợp một doanh nghiệp nộp hồ sơ lên, theo luật định trong 6 tháng nếu thấy đủ điều kiện thì phải cấp, không thì phải trả lời. Cuối cùng gần hết thời gian, doanh nghiệp này được mời lên, hồ sơ của họ đầy đủ hết, chỉ có một chi tiết đề nghị phải về bổ sung, làm lại, đó là chi tiết thay “tinh bột bắp” là tá dược bằng “tinh bột ngô” cho đúng chuẩn, thế là doanh nghiệp mất toi luôn 6 tháng”, bà Lan dẫn chứng.
Ngoài ra còn rất nhiều thuốc đang tồn đọng hồ sơ hàng năm trời, các doanh nghiệp rất thắc mắc. Do đó, bà Lan đề nghị nếu không giảm thời gian thì ít ra cũng phải giữ nguyên 6 tháng và phải quy định rõ thế nào là nhận đủ hồ sơ và mốc thời gian từ lúc nhận hồ sơ đến khi xử lý thế nào phải để tránh câu chuyện nói trên. Chúng ta phải khắc phục tình trạng chậm chễ bằng việc công khai, minh bạch thủ tục, danh mục xét hồ sơ đăng ký.
Người bệnh sử dụng phải thuốc giả được bồi thường thế nào?
Về quản lý giá thuốc, đại biểu Lan đề nghị bổ sung các biện pháp quản lý giá thuốc trên cơ sở phân tích nguyên nhân một số mặt hàng thuốc giá còn cao là độc quyền nâng giá, nhiều tầng lớp trung gian, tiêu cực trong kê đơn. Do đó cần hạn chế các tầng lớp trung gian này mới góp phần sắp xếp lại được mạng lưới lưu thông phân phối thuốc đang quá dư thừa với gần 2000 công ty phân phối.
Một thuốc dù nhập khẩu hay sản xuất trong nước nhưng phải trải qua quá nhiều tầng lớp trung gian thì khi đến tay người tiêu dùng sẽ bị đội giá lên cao.
Về phía bệnh viện, đại biểu đề nghị không chỉ áp dụng một phương thức đấu thầu thuốc mà cần mở hướng về định suất với khung giá thuốc mà Bộ Y tế hay BHYT đàm phán được. Về chuyên môn phải lưu ý xây dựng đồng bộ phác đồ điều trị chuẩn, tăng vai trò của Hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện để hạn chế tiêu cực trong kê đơn.
Về quản lý thuốc giả, đại biểu băn khoăn về giải thích khái niệm thuốc giả là thuốc không đúng hàm lượng do cố ý vì định nghĩa như thế thì cần phân biệt rõ như thế nào là cố ý, nếu không chứng minh được thuốc đó không đạt chất lượng là do cố ý thì không chứng minh được đấy là thuốc giả hay thuốc không đạt chất lượng. Cả 2 loại thuốc đều bị cấm kinh doanh nhưng biện pháp xử lý khác nhau.
“Về những hành vi bị nghiêm cấm, tôi đề nghị phải tách riêng thuốc giả gây ảnh hưởng mức độ nghiêm trọng và xử lý thật nghiêm, trong đó phải có cả quy định về bồi thường cho người bệnh như thế nào khi sử dụng phải thuốc giả”, bà Lan đề nghị.
Về thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan giữ quan điểm cho rằng trong Luật Dược phải có chương riêng về quản lý vì đang có khoảng trống về cơ sở pháp lý.
“Dự thảo chưa có mà giải trình là sẽ xây dựng luật riêng nhưng không biết đến bao giờ mới có luật riêng để quản lý lĩnh vực này. Vì thế, tôi đề nghị nếu không kịp xây dựng chương riêng thì phải có các quy định cấm trong luật này”, đại biểu đề nghị./.