Để đảm bảo cho công tác PCCC tại các khu tập thể cũ, lực lượng chức năng của nhiều phường trên địa bàn Hà nội đã tích cực vận động các hộ gia đình ở khu tập thể cũ cắt mở lồng sắt làm cửa thoát hiểm, trang bị bình chữa cháy...
Vận động các hộ mở “chuồng cọp” tại Thanh Xuân Trung
Phường Thanh Xuân Trung là địa bàn có nhiều nhà tập thể cũ, các gia đình thường gia cố thêm các phần lồng sắt, “chuồng cọp” để tăng công năng, diện tích sử dụng. Các “chuồng cọp” hầu hết được hàn kiên cố, không có cửa thoát hiểm, khiến ngôi nhà trở thành một lồng kín, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi bất ngờ xảy ra cháy. Sau khi Công an quận Thanh Xuân xây dựng chuyên đề, kế hoạch vận động các hộ gia đình ở khu tập thể cũ cắt mở lồng sắt làm cửa thoát hiểm, trang bị bình chữa cháy, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Thanh Xuân, Công an phường Thanh Xuân Trung đã triển khai tới các khu tập thể cũ.
Tại phường Thanh Xuân Trung, gần 1 năm nay, nhiều căn hộ khu tập thể cũ đã được cắt mở lồng sắt, mở lối thoát hiểm từ “chuồng cọp”. Ngay sau khi rà soát, khảo sát, nắm tình hình địa bàn, lực lượng chức năng quận, phường đã tuyên truyền, vận động các gia đình mở cửa thoát hiểm tại các nhà tập thể cũ. Sau khi được tuyên truyền, nhiều hộ dân đã đồng tình, hưởng ứng.
Là một trong những hộ đầu tiên xung phong mở cửa thoát hiểm từ “chuồng cọp”, bà Trần Thị Sáu (Nhà A3, khu tập thể Bộ Công an, tổ dân phố số 9, phường Thanh Xuân Trung) cho biết, chủ trương này được các gia đình ở khu tập thể cũ đồng thuận, nhất trí cao.
“Gia đình tôi sinh sống ở khu tập thể cũ từ năm 1994, dù chưa xảy ra sự cố cháy nổ, nhưng khi chứng kiến một số vụ cháy do làm “chuồng cọp” kiến cố, gia đình tôi đã đồng thuận, nhất trí khi được tư vấn mở cửa thoát hiểm. Cùng đó, tôi sử dụng khóa để đảm bảo an toàn, treo khóa ở vị trí gần nhất, thuận tiện để lấy” - bà Trần Thị Sáu chia sẻ.
Thiếu tá Mai Văn Đạo - Phó Trưởng Công an phường Thanh Xuân Trung cho biết, lực lượng cảnh sát khu vực phối hợp với Cảnh sát PCCC đi từng nhà, nghiên cứu, tư vấn cho người dân các vị trí mở cửa thoát hiểm phù hợp và thuận tiện. Công an phường và Đội Cảnh sát PCCC đã phối hợp tổ chức các buổi hướng dẫn, tập huấn cho người dân các kiến thức, kỹ năng PCCC, thoát nạn khi xảy ra cháy, mở cửa thoát nạn tại “chuồng cọp”... Cùng với đó, đơn vị tiếp tục rà soát, vận động các hộ gia đình phá dỡ lồng sắt, chuồng cọp, mở cửa tạo lối thoát nạn thứ 2 và tự trang bị dụng cụ, phương tiện PCCC&CNCH.
Nhân rộng mô hình mở lối thoát nạn thứ 2 tại “chuồng cọp”
Trong tình trạng tương tự, sau khi được tuyên truyền, vận động, nhiều hộ gia đình trên địa bàn phường Trúc Bạch đã tích cực, chủ động tháo dỡ, mở lối thoát hiểm thứ 2. Đặc biệt, phường cũng đã huy động lực lượng liên ngành tham gia hỗ trợ các hộ dân về thiết bị, vật tư trong quá trình hàn, cắt và tạo cửa thoát hiểm.
Chị Nguyễn Thị Tuyến (trú tại số 78 Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch) cho biết: "Trong tháng 5, cán bộ phường và Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã tuyên truyền, hướng dẫn gia đình tôi mở cửa thoát hiểm từ lồng sắt ở tầng 2. Ngoài ra, gia đình cũng trang bị thêm hệ thống thang dây chuyên dụng và mặt nạ phòng khí độc nếu có cháy xảy ra”.
Cùng với việc mở thêm cửa thoát hiểm, gia đình chị Tuyến cũng lắp đặt thêm thiết bị báo cháy, mua thêm bình cứu hỏa mini để các tầng và phòng bếp. Các thành viên trong gia đình cũng đã được tham gia lớp tập huấn kỹ năng PCCC và được cấp chứng nhận. Đến nay, gia đình chị Tuyến cảm thấy an tâm, không còn lo lắng mỗi khi nghe thông tin về cháy nổ.
Bà Đỗ Thị Minh cùng trú tại phố Phó Đức Chính cho biết, đầu năm 2022, gia đình bà may mắn thoát nạn từ một đám cháy ở tầng 1. Rất may trước đó gia đình bà và nhiều hộ dân trong khu vực đã được trang bị kiến thức PCCC từ các lớp tập huấn của phường nên chủ động thoát hiểm.
“Nhưng nếu đám cháy xảy ra tại tầng 2, nơi chúng tôi cơi nới thêm lồng sắt thì chưa biết hậu quả thế nào. Vì gia đình lắp hệ thống lồng sắt được 20 năm, khá kiên cố và chưa nghĩ đến việc mở lối thoát hiểm”, bà Đỗ Thị Minh nói.
Trước đây bà Đỗ Thị Minh nghĩ rằng, có khung sắt bao bọc xung quanh nhà như vậy sẽ an tâm hơn khi chống trộm cắp không thể xâm nhập vào nhà. Thế nhưng khi được cán bộ phường tuyên truyền, bà Minh đã hiểu rằng, khi cháy nổ xảy ra, lực lượng chức năng gặp khó trong việc tiếp cận hiện trường, di chuyển vào trong để cứu người do gặp rào cản, cần thời gian để phá dỡ khung sắt thép…
Ngoài việc hỗ trợ người dân tạo lối thoát hiểm, với những hộ gia đình khó khăn, phường đã tặng mỗi nhà một bình cứu hỏa, vận động người dân mua thang dây thoát hiểm và mặt nạ phòng khí độc để chủ động ứng phó nếu có đám cháy xảy ra.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC
Theo Công an phường Thanh Xuân Trung, thời gian qua, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Thanh Xuân, Công an phường Thanh Xuân Trung đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC. Trong đó, tích cực tuyên truyền trên loa truyền tin tại khu dân cư; phát tờ rơi; tuyên truyền trực tiếp; sử dụng xe chữa cháy, xe của lực lượng trật tự đô thị tuyên truyền lưu động... Đến nay, số hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đã mở lối thoát nạn thứ 2/tổng số nhà phải mở lối thoát nạn thứ 2, đạt 99%.
Cùng với đó, lực lượng chức năng đã tổ chức các tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC&CNCH cho các đối tượng là Chủ tịch UBND, Công an cấp xã; xây dựng mới, củng cố đội dân phòng; trang bị phương tiện, thiết bị cho lực lượng dân phòng. Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và PCCC và xây dựng phong trào toàn dân PCCC tại các khu dân cư theo quy định trong đó, tăng cường phối hợp UBND phường và các phòng, ban, đơn vị nêu gương những gương tác PCCC tại khu dân cư, điển hình tiên tiến, những mô hình tiêu biểu trong công tác PCCC tại khu dân cư.
Ngoài ra, hướng dẫn các cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình thường xuyên tự kiểm tra, duy trì các điều kiện an toàn về PCCC&CNCH tại cơ sở. Chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện để xử lý kịp thời khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố.
Còn tại phường Trúc Bạch, chia sẻ với phóng viên về công tác tuyên truyền, vận động bà con khu dân cư về PCCC, mở lối thoát hiểm, ông Phạm Ngọc Đức, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc phường Trúc Bạch cho biết: Hàng năm, UBND phường đã phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Ba Đình tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền về phòng cháy; hướng dẫn sử dụng phương tiện chữa cháy, thoát nạn khi sự cố xảy ra để người dân nhận thức rõ nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.
Ngoài việc hỗ trợ người dân tạo lối thoát hiểm, với những hộ gia đình khó khăn, phường đã tặng mỗi nhà một bình cứu hỏa, vận động người dân mua thang dây thoát hiểm và mặt nạ phòng khí độc để chủ động ứng phó nếu có đám cháy xảy ra.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.