Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 9 năm 2021 | 13:30

Môi trường biển nước ta đang ở mức ô nhiễm đáng báo động

Ô nhiễm môi trường biển là một trong những vấn đề nguy cấp trên toàn thế giới. Đặc biệt ở Việt Nam, các vùng biển hiện nay ngày càng bị ô nhiễm nặng nề.

Tiềm năng nhiều, thách thức lớn

Việt Nam có 28 tỉnh, thành ven biển, với bờ biển dài 3.260 km, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các đảo quốc và lãnh thổ trên thế giới. Biển Đông là cầu nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nằm trên ngã tư của tuyến hàng hải và hàng không quốc tế. Trong đó, diện tích biển của Việt Nam chiếm khoảng 29% diện tích của biển Đông (gần 1 triệu km2), rộng gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất liền.

Biển Đông chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên, đặc biệt là dầu khí. Nguồn dầu khí đã thăm dò, khảo sát ở nước ta có trữ lượng khoảng 3-4 triệu tấn dầu quy đổi. Bên cạnh nguồn tài nguyên hải sản dồi dào, chúng ta còn có tài nguyên du lịch ven biển, với dọc bờ biển của cả nước có khoảng 125 bãi biển lớn, nhỏ, rất thuận lợi cho phát triển du lịch - nghỉ dưỡng.

 

13-chot-13-1631315151552816739507.jpg
Một trong những thách thức lớn cho phát triển kinh tế biển ở Việt Nam là ô nhiễm môi trường biển Ảnh: TRẦN VĂN

 

Đó là những tiềm năng to lớn để nước ta phát triển kinh tế biển, đặc biệt là các ngành khai thác khoáng sản, nuôi trồng đánh bắt hải sản và phát triển du lịch, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết số 36-NQ/TW đã đề ra.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường biển hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, trước hết là do nhận thức và trách nhiệm còn kém. Tư duy phát triển xem trọng các yếu tố kinh tế, tăng trưởng ngắn hạn hơn các yếu tố môi trường; coi trọng lợi ích trước mắt hơn hệ quả lâu dài. Cơ cấu tổ chức trong công tác quản lý biển và hải đảo tại các địa phương chưa có sự thống nhất.

Theo đó, Nước ta có tới trên 100 con sông đổ ra biển Đông, trong đó hơn 10 con sông đang ở mức độ ô nhiễm nặng, điển hình như sông Cầu, sông Đáy, sông Thị Vải… Báo cáo hiện trạng môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết hằng năm, các con sông thải ra biển 880 km3 nước và 270-300 triệu tấn phù sa, kéo theo nhiều chất có thể gây ô nhiễm biển như các chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng và nhiều chất độc hại khác từ những khu dân cư tập trung, khu công nghiệp và đô thị các khu nuôi trồng thủy sản ven biển, các vùng sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó là việc phát triển du lịch ngày càng cao khiến cho tài nguyên biển bị khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên biển đồng thời cũng thải một lượng rác thải không hề nhỏ ra biển.

Mặt khác, các quy định pháp lý đặc biệt là các chế tài về xử phạt vi phạm trọng lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và quy định về lấn biển vẫn đang trong quá trình xây dựng; không có lực lượng thanh tra chuyên ngành về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; dẫn đến các công tác giám sát việc thực thi các quy định về lĩnh vực này còn những bất cập nhất định.

Theo thống kê, hiện Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về ô nhiễm rác thải biển (marine debris), đặc biệt là rác thải nhựa. Một số khu biển ven bờ và cửa sông bị ô nhiễm dầu, chất hữu cơ liên quan tới chất thải sinh hoạt. Đặc biệt là tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Hay còn có những khu vực rừng ngập mặn tràn ngập túi rác thải nilon. Ngoài ra, hiện lượng chất thải rắn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của 28 tỉnh ven biển nước Việt Nam vào khoảng 14,03 triệu tấn/năm (khoảng 38.500 tấn/ngày).

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF), Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, một trong những thách thức trong triển khai chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam hiện nay là thực trạng ô nhiễm rác thải trên các vùng biển Việt Nam. Điều này đe dọa đến hệ sinh thái biển, nguồn lợi hải sản từ đó tác động đến sinh kế của hàng triệu ngư dân Việt Nam.

“Môi trường biển tiếp tục biến đổi theo chiều hướng xấu và tiếp tục bị “đầu độc” liên quan tới phát triển KTXH. Ngày càng có nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển. Nhu cầu nhận chìm vật, chất ra biển ngày càng tăng, trong khi chúng ta chỉ dự kiến đổ trong vùng lãnh hải, gần bờ” – ông Hồi nói.

Cũng theo ông Hồi, do đặc điểm biển Việt Nam có dòng hải lưu thay đổi theo mùa, là khu vực có lưu lượng tàu bè tấp nập vào bậc nhất thế giới, vì vậy vùng biển Việt Nam thường xuyên bị rác thải, ô nhiễm… “Một số khu biển ven bờ và cửa sông bị ô nhiễm dầu, chất hữu cơ liên quan tới chất thải sinh hoạt, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Có những khu vực rừng ngập mặn tràn ngập túi rác thải nilon. Đây chính là sức ép lớn lên môi trường, hệ sinh thái và tài nguyên biển nước ta” – chuyên gia này nói.

Ông cho hay, hiện lượng chất thải rắn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của 28 tỉnh ven biển nước ta vào khoảng 14,03 triệu tấn/năm (khoảng 38.500 tấn/ngày). Bên cạnh đó là lượng chất thải rắn tại các tỉnh kinh tế trọng điểm ven biển đang có xu hướng tăng dần, đặc biệt là các chất thải nguy hại ngành công nghiệp nhẹ, hóa chất, luyện kim.

Phải hành động quyết liệt

Trên thực thế, môi trường sinh thái biển Việt Nam đang bị suy giảm tính đa dạng sinh học, nhất là vùng ven bờ ngày càng bị đe dọa. Đó là tốc độ đô thị hóa và phát triển các khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển nhưng thiếu quy hoạch, thiếu hệ thống xử lý nước thải, dẫn đến môi trường sinh thái của hàng trăm ngàn km2 biển ven bờ bị ảnh hưởng. Cùng với đó là ô nhiễm từ nuôi trồng thủy sản một cách bừa bãi; nạn khai thác khoáng sản ồ ạt đã tác động xấu đến môi trường. Thêm vào đó, rừng ngập mặn bị tàn phá nghiêm trọng, 90% rạn san hô bị đe dọa hủy hoại, khoảng 85 loài thủy sản trong tình trạng nguy cấp ở nhiều mức độ khác nhau, trong đó có 70 loài được đưa vào sách đỏ.

 

9859-1631672871-su-dung-chat-no-co-the-khien-cac-sinh-vat-chet-hang-loat.jpg
Sử dụng chất nổ để đánh bắt khiến các sinh vật chết hàng loạt

 

Những năm gần đây, tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa… đã xảy ra hiện tượng thủy triều đỏ gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản. Chưa kể ô nhiễm không khí cũng có tác động mạnh tới môi trường sinh thái biển, bởi nồng độ khí C02 trong không khí gia tăng sẽ làm lượng C02 trong nước biển thay đổi dẫn đến môi trường sống của các loài sinh vật biển thay đổi.

Để kinh tế biển thực sự phát triển bền vững, chúng ta phải sớm có hành động quyết liệt nhằm giải quyết những bất cập trên. Phải ngăn chặn cho được tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng tại các điểm, khu vực, vùng bị ô nhiễm; đồng thời chú trọng công tác phòng ngừa và kiểm soát môi trường. Một trong những giải pháp đó là xây dựng các trạm kiểm soát môi trường tại những cửa sông đổ ra biển, cùng với phát triển và bảo tồn các khu rừng ngập mặn ven biển.

Trong khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, điều quan trọng là phải hoàn thiện khung thể chế quản lý biển một cách khoa học và phù hợp với thực tiễn. Đó là xây dựng các khu bảo tồn biển kết hợp với giới hạn thời gian khai thác hải sản trong năm, tạo điều kiện cho các loài sinh vật biển phát triển.

Để làm được như vậy cần có sự chung tay của các cơ quan, tổ chức và từng cá nhân trong xã hội. Trong thời gian qua, ở các địa phương, những mô hình nuôi trồng đánh bắt thủy sản gắn với bảo vệ môi trường biển được áp dụng mang lại nhiều tác động tích cực đến bảo vệ môi trường, như mô hình nuôi trồng thủy sản đa canh kết hợp với bảo vệ rừng ngập mặn tại Bến Tre, Trà Vinh; áp dụng chi trả dịch vụ môi trường ở một số tỉnh duyên hải miền Trung; sử dụng đèn led để đánh bắt hải sản ở Ninh Thuận… 

Để không có chất thải nhựa dưới đáy biển

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ TN&MT vừa công bố hồi đầu tháng 8/2021: Tình trạng rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương đang là vấn đề nóng trên toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia ven biển.

Ước tính hơn 80% chất thải nhựa đại dương hằng năm có nguồn gốc từ đất liền, trong đó đóng góp chính là rác thải nhựa có kích thước lớn, bao gồm các vật dụng hàng ngày như vỏ chai, đồ uống và các loại bao bì đóng gói khác; bên cạnh đó là vi nhựa. Phần còn lại là nhựa được xả trực tiếp trên biển, trong đó chủ yếu là từ hoạt động khai thác thủy sản ví dụ như ngư cụ bị thất lạc hoặc thải bỏ.

Có thể nói rằng, rác thải nhựa đang là vấn nạn toàn cầu, tình trạng “ô nhiễm trắng” này được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu. Cần phải làm gì để không có những “bãi rác ngầm dưới biển” là một câu hỏi đang được nhiều người quan tâm.

Để giải quyết thách thức trên, tại một hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức, ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng: “Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương nói chung và rác thải nhựa thủy sản nói riêng đang ngày càng ở mức báo động, thậm chí có những nơi trở thành vấn nạn”.

Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng. Tổng cục Thủy sản sẽ đồng hành cùng với ngư dân, tuyên truyền trên 28 tỉnh, thành ven biển, để chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, chung tay vì một nghề cá phát triển bền vững.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới khởi động chương trình “Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa tại Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, những vấn nạn về rác thải nhựa đối với môi trường hiện nay không phải lỗi của các sản phẩm nhựa. Lỗi thuộc về cách thức chúng ta sử dụng, thải bỏ các sản phẩm nhựa không đúng cách.

9859-1631672871-o-nhiem-moi-truong-bien.jpg
80% chất thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền, 70% rác thải nhựa ở biển chìm xuống đáy phá hoại các hoạt động sống ở đáy biển.

 

Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Chỉ như vậy, chúng ta mới phát huy được hết các tính năng của sản phẩm nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để cứu nguy cho môi trường biển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền đề xuất, cần triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp được đề cập như: Điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom, xử lý chất thải nhựa và hoàn thiện chính sách, quy định về quản lý chất thải nhựa; triển khai các hoạt động đào tạo, truyền thông và hợp tác quốc tế về quản lý chất thải nhựa; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, triển khai mô hình, hoạt động quản lý chất thải nhựa và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Về cơ chế, chính sách, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đánh giá tổng thể thực trạng sản xuất, sử dụng các sản phẩm nhựa, sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; tình hình sản xuất và nhập khẩu sản phẩm hàng hóa chứa vi nhựa và ảnh hưởng của vi nhựa đến môi trường; phát sinh, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa và đề xuất các giải pháp, chính sách, quy định nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Chiến dịch hành động vì động vật hoang dã

    Chiến dịch hành động vì động vật hoang dã

    UBND thành phố Huế vừa phối hợp cùng với Dự án “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học” (VFBC, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên - WWF Việt Nam và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ phát động chiến dịch hành động vì động vật hoang dã (ĐVHD).

  • Hội An tổ chức thành công ngày hội bắp nếp

    Hội An tổ chức thành công ngày hội bắp nếp

    Trong hai ngày 16-17/3 (nhằm mồng 7 và mồng 8 tháng hai âm lịch) đã diễn ra Ngày hội bắp nếp Cẩm Nam – Hội An 2024 tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam với nhiều hoạt động đặc sắc.

  • Chuyển đổi số góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

    Chuyển đổi số góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

    Ngày 15/3, Đoàn bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo Khoa học Thanh niên với chủ đề “Thanh niên ứng dụng chuyển đổi số góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại”.

Top