Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 22 tháng 2 năm 2016 | 1:34

Mùa lễ hội đầu năm Bính Thân 2016: Ngăn chặn hủ tục, siết chặt quản lý, đảm bảo an toàn và văn minh

Bầu không khí xuân đang rộn ràng trên khắp mọi miền Tổ quốc. Người dân đón xuân với một tâm thế hồ hởi, tươi vui với hy vọng sẽ có một năm thành công, may mắn. Đầu xuân cũng là mùa của những lễ hội rộn ràng.

Không khí lễ hội khắp mọi miền

Sáng mùng 6 Tết, lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội) đã được khai mạc trọng thể. Đây là lễ hội lớn nên thu hút đông đảo khách thập phương tham gia. Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban quản lý di tích và thắng cảnh Hương Sơn, trong ngày khai hội, có khoảng 5 vạn khách tham dự. Tính từ ngày mùng 3 Tết, ngày đầu bán vé tham quan lễ hội đến nay, gần 20 vạn khách đã tham quan, trẩy hội chùa Hương.

Năm nay, lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) có nhiều đổi mới khi "chú ỉn" được "trảm" kín, không công khai như mọi năm.

Trong ngày khai hội, ngay tại bến Yến, khách chen nhau lên đò và nhiều người phải chờ đợi khá lâu mới được xếp lượt. Các xuồng đò đều hoạt động hết công suất. Trên dòng suối Yến, nhiều đoạn dồn ứ cục bộ đã diễn ra. Khu vực dẫn lên chùa Thiên Trù, động Hương Tích, nhất là nhà ga cáp treo cũng trong tình trạng quá tải, khách phải chờ đợi lâu. Ông Thanh thừa nhận, mặc dù không xảy ra tình trạng tắc nghẽn nhưng do lượng khách đông nên khách vẫn phải chờ đợi để được đi cáp treo và được vào trong động Hương Tích.

Một trong những lễ hội của Thủ đô cũng rất được dư luận “để tâm”, đó là Hội Gióng đền Sóc Sơn (khai mạc sáng 13/2, tức mùng 6 Tết Bính Thân), do đã từng diễn ra tình trạng bạo lực cướp lộc hoa tre tại lễ hội. Rút kinh nghiệm từ các mùa lễ hội trước, năm nay, huyện Sóc Sơn thực hiện tốt công tác tổ chức, nên không còn tái diễn tình trạng bạo lực trong tranh cướp lộc hoa tre và lễ phẩm trầu cau.

Trước đó, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự, bố trí lực lượng bảo vệ đoàn rước kiệu hoa tre và rước trầu cau, không để xảy ra tình trạng tranh cướp lộc, xử lý nghiêm hành vi gây rối trật tự công cộng. Lực lượng chức năng bảo vệ lễ hội lên đến 300 người.

Sáng 14/2 (tức mồng 7 Tết Bính Thân), tại xã Đọi Sơn (Duy Tiên), UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ hội Tịch điền - lễ hội truyền thống xuống đồng cày ruộng, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Trong ngày mùng 7 diễn ra các nghi thức: Rước trống, rước linh vị vua Lê Đại Hành từ chùa Long Đọi Sơn xuống chân núi và nhập với đoàn rước Thành hoàng làng cùng tổ nghề trống Đọi Tam dưới chân núi Đọi. Đoàn rước tiến về khu ruộng trước đây vua Lê Đại Hành đã đi cày đầu năm, khuyến khích người dân trồng lúa, chăm lo nông nghiệp. Sau đó là lễ bái yết Thần nông cầu một năm mới mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh. Sau màn đánh trống khai hội của đội trống nữ Đọi Tam là màn múa rồng. Tiếp đến một lão nông được chọn lựa tái hiện hình ảnh vua Lê Đại Hành bước lên lễ đài khấn cáo trời đất và Thần nông, sau đó lão nông này đội mũ cửu long, mặc áo hoàng bào xuống ruộng đi cày, theo sau vua là đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc. Sau khi vua cày xong các vị lãnh đạo địa phương và các lão nông xuống cày.

Tại Phú Thọ, vào sáng 14/2, Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa) chính thức khai hội. Mở đầu lễ hội là lễ tế thành hoàng làng và phần rước kiệu, đem theo lễ vật từ đình về đền Mẫu Âu Cơ gồm: 100 bánh ngọt, 100 phẩm oản, hoa quả do đội tế nữ thực hiện. Đội tế nữ là các cô gái thanh tân, có nhan sắc và học vấn, đều mặc áo dài với các màu hồng, xanh, vàng rực rỡ, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa. Riêng chủ tế mặc trang phục màu đỏ nổi bật. Diễn văn khai hội khẳng định công đức to lớn của Tổ Mẫu Âu Cơ và cầu mong Tổ Mẫu phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi người có cuộc sống ấm no, bình an, hạnh phúc.

Còn tại Bắc Ninh, những ngày đầu năm mới Bính Thân 2016, du khách thập phương tấp nập đổ về đền Bà Chúa Kho (phường Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh) để dâng lễ. Số lượng người đến đông khiến cả đoạn đường từ đền Trình (TP.Bắc Ninh) vào đền Bà Chúa Kho hơn 2km luôn chật cứng.

Theo ông Nguyễn Thành Lập, Trưởng ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho, từ ngày mùng 3 Tết trở đi, lượng khách đến đền tăng đột biến. Mỗi ngày, nhà đền đón hàng vạn du khách thập phương. Năm nay, để bảo đảm an ninh trật tự cho nhân dân địa phương và du khách yên tâm đi lễ, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý lễ hội. Ban tổ chức đã huy động hàng chục chiến sĩ công an TP. Bắc Ninh, Công an phường Vũ Ninh, bảo vệ dân phố, hàng trăm cụ trong Hội Người cao tuổi phường Vũ Ninh tập trung ở các chốt điểm di tích kéo dài từ đền Trình vào đền Bà Chúa Kho làm nhiệm vụ phân luồng giao thông, hướng dẫn du khách... Ngoài ra, lực lượng chức năng còn lắp 16 camera theo dõi an ninh, trật tự. Do lượng khách đến trong ngày thường xuyên đông, nhà đền đã huy động 4 người thường xuyên nhặt rác và khoảng hơn 10 người vận chuyển rác trong ngày nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường.

Không khí lễ hội Tịch Điền năm nay.

Cũng tại Bắc Ninh, ngày 13/2 (tức ngày 6 tháng Giêng âm lịch), lễ hội truyền thống làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP. Bắc Ninh) đã chính thức diễn ra theo nghi lễ truyền thống. Nét mới tại lễ hội năm nay là nghi thức chém lợn đã được diễn ra ở nơi kín đáo, không công khai như trước đây sau khi có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh nghi thức này.

Tại Hải Dương, những ngày đầu năm mới Bính Thân 2016, hàng vạn lượt du khách thập phương đã đến tham quan, đi lễ tại các khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng trên địa bàn tỉnh như Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền Tranh, Văn Miếu Mao Điền, đền Bia...

Theo ông Lê Duy Mạnh, Phó trưởng ban quản lý Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, tính đến ngày 13/2 (mùng 6 Tết), Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh) đã đón khoảng 8 vạn lượt du khách về dâng hương, tham quan, chiêm bái. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách hành hương là một nội dung được các địa phương, Ban quản lý các di tích đặc biệt quan tâm. Theo ông Lê Duy Mạnh, tại Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc không xảy ra tình trạng cháy nổ, không xảy ra ùn tắc giao thông, không đeo bám và chèo kéo du khách. Ban quản lý di tích tuyên truyền bằng hình thức phát tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh nhắc nhở các hộ kinh doanh, dịch vụ trong khu di tích và lưu ý du khách thập phương thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, không đổi tiền lẻ, không xem tướng số, không thuê người khấn, đội lễ thuê, khi mua hàng cần hỏi giá và thỏa thuận giá trước. Ban quản lý khu di tích cũng kết hợp với chính quyền địa phương tăng cường soát vé, đảm bảo trật tự các bến bãi trông giữ xe cho du khách.

Thủ tướng yêu cầu công chức không trốn việc đi lễ hội

Trong công điện ban hành đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các bộ ngành, địa phương đã tổ chức tốt các nhiệm vụ trong dịp Tết, đặc biệt là lực lượng vũ trang ngày đêm canh gác bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự...

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh thành Trung ương ngay sau kỳ nghỉ Tết, khẩn trương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016...

Các bộ, cơ quan, địa phương quán triệt cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động; không tổ chức du xuân, liên hoan sa đà, lãng phí, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công. Cán bộ, công chức được yêu cầu không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ.

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ nêu trên.

Đức Thắng – Duy Cảnh

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top